Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản thì thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được trao cho một số Bộ trưởng và một các chủ tịch UBND cấp tỉnh và thẩm quyền này không được ủy quyền phân cấp.
Chỉ xử người dưới 16 tuổi trong một số tội
- Cập nhật : 18/02/2016
(Tin kinh te)
Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) có rất nhiều điểm mới tiến bộ, trong đó đáng chú ý là những quy định nhân đạo hơn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội...
Một trong những thay đổi rõ nhất của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 so với BLHS hiện hành là việc xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Liệt kê cụ thể tội danh, tội phạm áp dụng
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 BLHS hiện hành quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 đã liệt kê cụ thể, chi tiết các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS. Đó là các tội giết người; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; hiếp dâm người dưới 16 tuổi; cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 22 điều luật cụ thể. Đó là Điều 143 (tội cưỡng dâm), Điều 150 (tội mua bán người), Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi), Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), Điều 171 (tội cướp giật tài sản), Điều 173 (tội trộm cắp tài sản), Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản), Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy)… (Theo BLHS 2015, tội phạm rất nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên bảy năm tù đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).
Như vậy, với việc liệt kê cụ thể các tội danh và tội phạm trong những điều luật nhất định như trên, BLHS 2015 sẽ giúp các cơ quan tố tụng dễ dàng xác định được TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, tránh được oan sai.
Nhiều quy định nhân đạo hơn
Bên cạnh đó, BLHS 2015 có nhiều quy định mới thể hiện chính sách nhân đạo hơn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (bao gồm cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi).
Thứ nhất, cả khoản 1 Điều 69 BLHS hiện hành và khoản 1 Điều 91 BLHS 2015 đều xác định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội (theo khái niệm trong BLHS hiện hành) và người dưới 18 tuổi phạm tội (theo khái niệm trong BLHS 2015) chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 91 BLHS 2015 bổ sung thêm và đưa lên đầu cụm từ “phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.
Như vậy, quy định mới đã xác định rõ việc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi phạm tội là nguyên tắc xử lý đầu tiên, quan trọng nhất. Đồng thời, quy định mới cũng chỉ rõ việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Thứ hai, khoản 2 Điều 91 BLHS 2015 quy định khi không thuộc trường hợp được miễn TNHS chung theo quy định tại Điều 29, người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn có thể được miễn TNHS trong một số trường hợp khác (có liệt kê cụ thể). Đây là một điểm mới tiến bộ nữa của BLHS 2015 vì khoản 2 Điều 69 BLHS hiện hành chỉ quy định chung chung mà không chỉ rõ trường hợp nào người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn TNHS, dẫn đến việc các cơ quan tố tụng ít mạnh dạn áp dụng, gây thiệt thòi cho người chưa thành niên phạm tội.
Thứ ba, BLHS 2015 mở rộng hơn các biện pháp tư pháp áp dụng thay cho hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội so với BLHS hiện hành. Cụ thể, BLHS hiện hành chỉ quy định hai biện pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. Trong khi đó, BLHS 2015 quy định đến bốn biện pháp: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng.
Thứ tư, BLHS 2015 cũng quy định lại về nội dung xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Khoản 4 Điều 69 BLHS hiện hành quy định khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì tòa án áp dụng biện pháp tư pháp. Trong khi đó, khoản 4 Điều 91 BLHS BLHS 2015 quy định khi xét xử, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng biện pháp tư pháp không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Mặc dù bản chất của hai quy định trên về cơ bản là giống nhau nhưng theo BLHS 2015, tòa án phải xem xét, đánh giá việc áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trước khi áp dụng hình phạt. Nói cách khác, tinh thần của quy định mới nhấn mạnh việc hạn chế áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, chỉ áp dụng hình phạt trong những trường hợp thật cần thiết nếu việc miễn TNHS hay áp dụng các biện pháp tư pháp không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Ngoài ra, BLHS 2015 còn bổ sung một số quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội mà BLHS hiện hành chưa có như quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 102); tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 104).
TNHS của người từ đủ 16 tuổi trở lên
Với người từ đủ 16 tuổi trở lên, BLHS 2015 kế thừa quy định của BLHS hiện hành là phải chịu TNHS về mọi tội phạm nhưng có bổ sung thêm cụm từ “trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”. Như vậy, theo luật mới, sẽ có những tội phạm mà người từ đủ 16 tuổi trở lên không phải chịu TNHS.
Thay thế nhiều khái niệm
BLHS 2015 đã thay thế cụm từ “người chưa thành niên” trong BLHS hiện hành bằng cụm từ “người dưới 18 tuổi”, cụm từ “trẻ em” bằng “người dưới 16 tuổi”, cụm từ “người già” bằng “người đủ 70 tuổi trở lên”. Các cụm từ mới này rất rõ ràng, dễ áp dụng vì dễ xác định, không cần phải có văn bản hướng dẫn, giải thích thế nào là “trẻ em”, “người già”.
HOÀNG MINH TIẾN, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Bình
Theo Plo.vn