Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý hình sự việc giao cấp đất cho 14 hộ ngoài ngành của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tại phường An Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Ngàn tỷ bay theo chứng từ ảo: “Lỗ hổng” quản trị rủi ro
- Cập nhật : 03/08/2015
(Tai chinh)
Cùng một lúc 8 ngân hàng bị lừa tới gần 1.600 tỷ đồng tiền gốc. Đây không phải là lần đầu tiên một DN có thể lừa tiền của nhiều ngân hàng. Lỗ hổng này có phải xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng hay do chính sách quản lý rủi ro của ngân hàng chưa minh bạch?
Sự đảm bảo khi cho vay nếu chỉ dựa vào hàng hóa là không ổn, mà phải dựa trên cơ sở sự minh bạch về thông tin thực sự của DN (Ảnh minh họa)
TAND tỉnh Sóc Trăng vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Cty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại các ngân hàng (NH). Đáng lưu ý, 25 trong tổng số 27 bị cáo của vụ án là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng, nhưng những người chủ mưu thì đã bỏ trốn sang Mỹ.
Từ thua lỗ đến lừa đảo
Cty TNHH Phương Nam được thành lập vào năm 1998, 2 năm sau chuyển thành Cty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Cty Phương Nam). Ngành nghề kinh doanh của Cty Phương Nam là thu mua, chế biến tôm; mua bán thức ăn cho tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm. Cổ đông của Cty gồm: bị can Lâm Ngọc Khuân (nguyên chủ tịch HĐQT), bà Trần Thị Mỹ (vợ bị can Khuân), bị can Lâm Ngọc Hân (con gái bị can Khuân, Việt kiều Mỹ, nguyên giám đốc Cty) và Huỳnh Phúc Quế (cháu bị can Khuân). Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, từ năm 2008 đến cuối tháng 9/2012, với việc kinh doanh thua lỗ trên 996 tỉ đồng, bị can Khuân đã chỉ đạo cho con gái và cấp dưới thực hiện nhiều hành vi gian dối để vay tiền các NH. Theo đó, bị can Khuân chỉ đạo lập 19 báo cáo tài chính khống cho thấy Cty Phương Nam kinh doanh có lãi gần 41 tỉ đồng và nâng khống lượng hàng hóa tồn kho có giá trị từ 123 tỉ đồng lên trên 747 tỉ đồng để thế chấp tại các NH vay vốn. Ngoài ra, bị can Khuân còn chỉ đạo sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất rồi photocopy ra thành nhiều bản, sau đó xác nhận sao y bản chính từ con dấu của Cty để gửi đến các NH giải ngân.
Cụ thể, từ năm 2008-2011, bị can Khuân và vợ dùng trên 28 tỉ đồng từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng để xây biệt thự bề thế tại TP Sóc Trăng. Cũng trong thời gian này, bị can Khuân chỉ đạo con gái và kế toán trưởng là bị can Lâm Ngọc Mẫn chi tạm ứng gần 72 tỉ đồng với lý do đi công tác nước ngoài, tiếp khách…
Cuối năm 2011, bị can Khuân và vợ lấy lý do xuất cảnh sang Mỹ để trị bệnh. Khi các NH phát hiện Cty Phương Nam mất khả năng trả nợ, yêu cầu bị can Khuân trở về giải quyết công nợ thì đã bặt vô âm tín. Giữa tháng 7/2012, bị can Hân cũng xuất cảnh sang Mỹ, để lại món nợ trên 1.752 tỉ đồng tại 8 NH, trong đó nợ gốc gần 1.600 tỉ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, hai cha con Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân có vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Kế toán trưởng bị cáo Lâm Minh Mẫn và bị cáo Phó Giám đốc Trịnh Thị Ngọc Phượng (cùng 35 tuổi) thực hiện các hành vi lừa đảo để chiếm đoạt số tiền hơn 785 tỉ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, bị cáo Mẫn và bị cáo Phượng mặc dù biết Cty kinh doanh thua lỗ từ năm 2008, biết việc làm của bị can Khuân là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của bị can Khuân lập các báo cáo tài chính khống và lập các hồ sơ gian dối để vay vốn. Hành vi của hai bị cáo này phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại khoản 4, Điều 139 BLHS với vai trò đồng phạm giúp sức. Riêng bị can Lâm Ngọc Khuân và bị can Lâm Ngọc Hân sau khi phạm tội đã bỏ trốn ra nước ngoài, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế, khi nào bắt được sẽ điều tra xử lý.
Đối với 25 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 chi nhánh NH gồm: NH Phát triển Việt Nam (chi nhánh Sóc Trăng), NH TMCP Bưu điện Liên Việt (Sở giao dịch Hậu Giang), NH TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Sóc Trăng (Sacombank Sóc Trăng), NH TMCP An Bình (Chi nhánh Bạc Liêu) và NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Chi nhánh Sóc Trăng Sóc Trăng) đã “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD”, quy định tại khoản 3, Điều 179 BLHS. Trong đó, các giám đốc, phó giám đốc là những người chịu trách nhiệm chính. Riêng sai phạm tại NH NN-PTNT (Chi nhánh Sóc Trăng) cùng với NH Liên doanh Việt Thái và NH Công Thương Việt Nam (Chi nhánh Sóc Trăng) đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an tách riêng để điều tra xử lý sau.
Cảnh báo nguy cơ hệ thống
Sự đảm bảo khi cho vay nếu chỉ dựa vào hàng hóa là không ổn, mà phải dựa trên cơ sở sự minh bạch về thông tin thực sự của DN.
Nhìn lại các DN thời gian qua lâm vào khủng hoảng, phá sản thì hầu như đều có chung đặc điểm là có sự lệch nguồn về cơ cấu vay nợ từ ngân hàng. Trong đó, rất nhiều DN dùng vốn ngắn hạn đầu tư trung, dài hạn như bất động sản, đầu tư tăng trưởng máy móc thiết bị nhà xưởng của lĩnh vực ngành nghề khác. Ngân hàng không thể nói là không biết việc DN sử dụng vốn sai mục đích, vấn đề là ngân hàng biết nhưng lại để mặc. Thậm chí do chính sách chung của cả ngành ngân hàng đã giúp khách hàng đảo nợ, mà đảo nợ vừa gây khó khăn cho ngân hàng vừa làm xấu thực trạng các khoản nợ.
Việc ngân hàng dựa vào số liệu ảo, mà lờ đi thực trạng thật có nhiều lý do. Đầu tiên là do giai đoạn thẩm định, phê duyệt cho vay, ngân hàng chỉ chú trọng đến hóa đơn chứng từ và lời khai của khách hàng, mà không thẩm định thực tế tài sản cũng như hoạt động của DN. Tiếp đến là lỗi ở quy trình. Chính sách quản lý rủi ro chung của ngành ngân hàng thiếu sự minh bạch, dẫn đến khách hàng có thể che giấu thông qua hoạt động đảo nợ, thậm chí có sự giúp sức hoặc yêu cầu bắt buộc từ phía ngân hàng. Nhiều khi DN “xin” ngân hàng được gia hạn nợ hoặc là để ngân hàng thu hồi nợ trước hạn. Tuy nhiên, vì ngân hàng không muốn làm xấu tình trạng tài chính của mình, bởi gia hạn nợ là thừa nhận một khách hàng “xấu”, họ đã không chấp nhận mà buộc DN phải đảo nợ. Sự che giấu tình hình tín dụng đã làm hỏng cả hệ thống ngân hàng suốt thời gian qua.
Đặt trọng tâm sai, nên chính sách quản trị rủi ro sai. Nếu đặt trọng tâm vào chứng từ thì chỉ có con số ảo, còn đặt trọng tâm vào thực tế thì sẽ có quy trình quản lý rủi ro thực chất. Sự đảm bảo khi cho vay nếu chỉ dựa vào hàng hóa là không ổn, mà phải dựa trên cơ sở sự minh bạch về thông tin thực sự của DN.
Ngân hàng chưa đặt đúng trọng tâm
Một thời gian dài, từ cán bộ đến lãnh đạo ngân hàng đã sai lầm trong việc quyết định đâu là trọng điểm quản lý rủi ro trong quan hệ với DN. Mọi DN đi vay với tài sản bảo đảm là hàng hóa đều là DN sản xuất. Vậy dữ liệu thực sự về năng lực tài chính của khách hàng có khó xác định không? Xin nhấn mạnh là điều này không nằm ngoài tầm khả năng của ngân hàng. Ví dụ, ngân hàng hoàn toàn có thể xác định lượng hàng tồn kho, nhu cầu hạn mức tín dụng phục vụ cho quy mô thực tại của DN. Một khi cán bộ tín dụng thực hiện nghiêm túc công việc thẩm định khách hàng thì hiện tượng cùng một kho hàng thế chấp nhiều nơi là không thể.