tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ngân hàng không hợp tác, thi hành án ‘xử’ sao?

  • Cập nhật : 01/03/2016

(Tin kinh te)

Cơ quan thi hành án ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án nhưng ngân hàng không chuyển tiền với lý do người phải thi hành án khiếu nại...

Công ty TNHH Huada Furniture Việt Nam (Công ty Huada) là doanh nghiệp Đài Loan có trụ sở tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), có mua bảo hiểm của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO). Thời hạn hợp đồng bảo hiểm là từ 6-1-2012 đến 6-1-2013.

Bảo hiểm phải trả hơn 57 tỉ đồng

Ngày 12-1-2012, tại Công ty Huada xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn, thiệt hại khoảng 60 tỉ đồng. Ngay sau khi bị cháy, Công ty Huada đã thông báo và đề nghị PJICO lập thủ tục bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng. Tuy nhiên, PJICO từ chối thanh toán vì cho rằng hợp đồng chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

Công ty Huada đã khởi kiện yêu cầu TAND TP Biên Hòa tuyên buộc PJICO phải thanh toán hơn 57 tỉ đồng. Tháng 9-2015, TAND TP Biên Hòa xử sơ thẩm, bác yêu cầu của Công ty Huada nên công ty này kháng cáo. Ngày 2-2-2016, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kháng cáo, buộc PJICO phải bồi thường thiệt hại bảo hiểm cho Công ty Huada hơn 57 tỉ đồng.

Ngân hàng không chịu chuyển tiền

Sau đó theo yêu cầu của Công ty Huada, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Biên Hòa đã ra quyết định THA. Ngày 15-2, cục trưởng Cục THA tỉnh Đồng Nai đã rút hồ sơ vụ việc lên để cơ quan này trực tiếp THA theo đề nghị của Công ty Huada. Hai ngày sau, chấp hành viên đã ra quyết định phong tỏa tài khoản của PJICO tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để đảm bảo cho việc THA với số tiền đủ để THA.

Theo Luật THA dân sự, PJICO có thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định THA để tự nguyện THA nhưng nơi đây đã không thực hiện. Vì thế ngày 25-2, chấp hành viên đã ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản và yêu cầu Vietcombank phải chuyển số tiền trên vào tài khoản của cơ quan THA ngay trong ngày. Quyết định khấu trừ này được chấp hành viên và thư ký nghiệp vụ đến Vietcombank tống đạt trực tiếp vào lúc 13 giờ cùng ngày (có biên bản giao nhận).

Tuy nhiên, đến nay Vietcombank vẫn chưa chuyển tiền theo quyết định của cơ quan THA. Chấp hành viên đã trực tiếp làm việc để tìm hiểu nguyên nhân thì phía Vietcombank đưa ra lý do là PJICO có khiếu nại về việc phong tỏa tài khoản nên Vietcombank chưa thể chuyển tiền.

nha xuong cua cong ty huada bi chay rui trong vu hoa hoan ngay 12-1-2012. (anh do cong ty cung cap)

Nhà xưởng của Công ty Huada bị cháy rụi trong vụ hỏa hoạn ngày 12-1-2012. (Ảnh do công ty cung cấp)

Sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước

Ngày 29-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chấp hành viên Đoàn Công Thắng (Cục THA tỉnh Đồng Nai, người trực tiếp thi hành bản án) khẳng định: Việc Vietcombank không chuyển tiền theo quyết định khấu trừ của cơ quan THA là vi phạm Luật THA dân sự hiện hành.

Cụ thể, khoản 2 Điều 76 Luật THA dân sự hiện hành quy định: Ngay sau khi nhận được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải THA, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải khấu trừ tiền để chuyển vào tài khoản của cơ quan THA hoặc cho người được THA theo quyết định khấu trừ. Cạnh đó, khoản 3 Điều 21 Nghị định 62/2015 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA dân sự) cũng quy định: Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản; nếu không thực hiện ngay mà đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được THA thì phải bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, theo ông Thắng, việc Vietcombank không chấp hành quyết định khấu trừ của cơ quan THA còn vi phạm quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp trong công tác THA dân sự ký ngày 18-3-2015.

“Một khi luật đã quy định ngân hàng phải thực hiện ngay việc chuyển tiền sau khi nhận được quyết định khấu trừ của cơ quan THA thì không có lý do gì phía ngân hàng phải chần chừ cả. Mọi khiếu nại đến chuyện phong tỏa, xử lý tài khoản của người phải THA (nếu có) sẽ do cơ quan THA giải quyết” - ông Thắng nói và cho biết thêm là sẽ tham mưu cho lãnh đạo Cục THA tỉnh Đồng Nai gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Vietcombank phải sớm thực hiện việc chuyển tiền.

THANH TÙNG

Luật còn những điểm chưa rõ, thi hành án gặp khó

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chấp hành viên cho biết hiện Luật THA dân sự và Nghị định 62/2015 hướng dẫn quy định tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định của cơ quan THA về việc khấu trừ tiền trong tài khoản nhưng lại không quy định rõ sau bao nhiêu giờ, bao nhiêu ngày hay sau khi giải quyết xong khiếu nại… Trên thực tế, điều này đã khiến các chấp hành viên và cơ quan THA gặp khó trong trường hợp tổ chức tín dụng không hợp tác, cứ lấy lý do người phải THA bị phong tỏa tài khoản đang khiếu nại.

Trong tình huống người phải THA khiếu nại như vụ việc của Công ty Huada nói trên, một số chấp hành viên cho rằng có thể giải quyết theo hai cách: Thứ nhất, ngân hàng thực hiện ngay việc chuyển tiền vì quy định pháp luật cho phép nhưng sau này nếu phát sinh hậu quả, thiệt hại thì chấp hành viên và cơ quan THA phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, ngân hàng tạm thời chưa thực hiện việc chuyển tiền mà thông báo đề nghị cơ quan THA hỗ trợ trong việc giải quyết khiếu nại cho đương sự, sau đó sẽ chuyển. Tất nhiên việc giải quyết khiếu nại này phải có giới hạn chứ ngân hàng không thể cứ viện cớ là đương sự tiếp tục khiếu nại để mãi trì hoãn việc chuyển tiền.

Cố tình cản trở việc thi hành án có thể bị tội

Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong trường hợp có chứng cứ cho thấy phía ngân hàng cố tình trì hoãn việc chuyển tiền để tạo điều kiện cho người phải THA trốn tránh nghĩa vụ THA thì cơ quan THA có quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Vì ngân hàng hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng là đối tượng có trách nhiệm thực hiện quyết định của cơ quan THA.

Thậm chí cơ quan THA còn có quyền chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an khởi tố người có trách nhiệm của phía ngân hàng về hành vi cản trở việc THA theo Điều 306 BLHS. Điều luật này quy định rõ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc THA gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu phạm tội có tổ chức hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.


Ông VÕ THÀNH DANH, 
Chi cục trưởng Chi cục THA quận 11, TP.HCM
Theo Plo.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục