tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Liên kết Việt 'rắc thính' câu lòng tham của bị hại

  • Cập nhật : 26/02/2016

(Tin kinh te)

Nhằm lừa đảo hơn 60.000 người, Lê Xuân Giang và đồng phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tạo niềm tin, đồng thời đưa ra lợi ích có thật đánh vào lòng tham của các bị hại.

hoat dong khuech truong cua lien ket viet.

Hoạt động khuếch trương của Liên kết Việt.


Theo đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng,Bộ Công an, hoạt động lừa đảo của các bị can tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt), xảy ra chỉ trong một năm nhưng số tiền thiệt hại rất lớn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

"Con số bị hại và thiệt hại dự kiến sẽ tiếp tục tăng, những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động trắng trợn, liều lĩnh, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi", đại tá Huy đánh giá.

Cơ quan điều tra 27 địa phương cùng vào cuộc

Do số bị hại đã lan ra 27 tỉnh, thành nên việc điều tra của cơ quan công an rất khó khăn. Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an, đã có văn bản ủy thác cho cơ quan điều tra 27 địa phương điều tra một số nội dung của vụ án.

Theo đại tá Huy, cơ quan điều tra địa phương sẽ điều tra đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý, tiếp nhận đơn tố cáo của bị hại và làm rõ hành vi, thủ đoạn thực hiện tội phạm, số người bị hại và hậu quả thiệt hại. Ngoài ra còn phải xác định xem ai đã nhận hoa hồng, số lượng bao nhiêu và có vai trò đồng phạm hay liên quan ở mức độ nào.

Ông Huy cho biết, việc ủy thác này đáp ứng 2 yêu cầu gồm tạo điều kiện để các nạn nhân đỡ phải đi lại tốn kém, họ nộp tiền cho chi nhánh nào thì sẽ làm việc với cơ quan điều tra mà chi nhánh đó đặt trụ sở. Chủ yếu các nạn nhân bị lừa đều nộp vào chi nhánh tại nơi mình sinh sống nên sẽ hạn chế được việc đi lại tốn kém.

Bên cạnh đó, việc ủy thác sẽ giảm tải cho cơ quan điều tra vì còn hàng chục vụ việc khác, nhân sự ít nên không thể trực tiếp làm việc với tất cả 60.000 nạn nhân.

Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) khẳng định sẽ điều tra đảm bảo không để sót, lọt tội phạm. Cơ quan điều tra cũng đã có công điện gửi công an 63 địa phương yêu cầu nắm chắc về tình hình hoạt động của 59 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên địa bàn cả nước, khi phát hiện có vi phạm, dấu hiệu tội phạm phải xử lý nghiêm, ngăn chặn những hậu quả thiệt hại lớn xảy ra.

Nhiều tướng lĩnh quân đội bị lợi dụng

Đánh giá về việc con số bị hại lên đến 60.000 người và vẫn có thể còn tăng lên, đại tá Huy cho rằng điều này đúng với thực tế vì khi tiến hành điều tra sẽ có nhiều người đến trình báo hơn. Con số 60.000 bị hại là do cơ quan điều tra nắm qua khám xét, kiểm tra hồ sơ tài liệu, máy tính và từ con số của ngân hàng khi bị yêu cầu kiểm tra tài khoản. Còn thực tế sẽ còn những người đến nộp tiền trực tiếp tại chi nhánh, đại lý.

Số lượng bị hại trong một vụ án lớn như vậy là do đâu?. Trả lời câu hỏi, đại tá Huy cho rằng có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, việc Lê Xuân Giang đã chủ động mạo danh là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng với cái tên BQP, liên tục xuất hiện trong các bộ quần áo quân phục... Thậm chí, mỗi lần tổ chức hội nghị, hội thảo, Giang đều mời các tướng lĩnh quân đội, chủ yếu đã nghỉ hưu tham gia họp, là khách mời danh dự để lừa bịp mọi người.

Thứ hai, sản phẩm của bị can này cũng là những sản phẩm mạo danh Bộ Quốc phòng. Giang và đồng phạm đã đưa ra những sản phẩm vật lý trị liệu, máy ozone, quảng cáo do liên kết sản xuất với các công ty của quân đội.

Thực tế, Cục điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng đã làm việc với cơ quan điều tra, Bộ Công an, khẳng định các công ty của Bộ này hoàn toàn không có việc hợp tác sản xuất sản phẩm nào với Liên kết Việt.

 

great-12 - san pham gia danh lien ket voi cong ty cua bo quoc phong duoc lien ket viet dung lua dao.

Great-12 - sản phẩm giả danh liên kết với công ty của Bộ Quốc phòng được Liên kết Việt dùng lừa đảo.

 

Cơ quan này cũng thừa nhận một số tướng lĩnh xuất hiện trong những cuộc họp của Liên kết Việt là người của Bộ Quốc phòng nhưng họ đều bị lợi dụng chứ không tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của công ty này.

Hám lợi nên trở thành bị hại

Nguyên nhân thứ ba, đại tá Huy cũng nhìn nhận thẳng thắn do chính các nạn nhân hám lợi, dẫn đến bị lừa đảo.

Cụ thể, Liên kết Việt quảng cáo mua một mã hàng 8,6 triệu đồng sẽ được hoa hồng 65%, cao hơn so với mức quy định 40% của Chính phủ tại Nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp. "Như vậy, nếu nộp đến số tiền 9 tỷ thì chỉ một năm sau nhà đầu tư, phân phối có thể thu về đến 450 tỷ đồng. Với số lãi khổng lồ như thế thì không ai không bỏ tiền đầu tư", ông Huy nói.

Bên cạnh đó, Liên kết Việt còn tổ chức những đại hội trả tiền hoa hồng, tổ chức bốc thăm nhà, ôtô, trao thưởng xe máy... Những người đầu dây mới được tham gia bốc thăm và người trúng đều là thành viên của Liên kết Việt. Thế nhưng người tham gia đều không biết điều này và vẫn hi vọng mình sẽ là người nhận được sự may mắn.

Lòng tham ấy được ông Huy chứng minh bằng việc có những bị hại đã bán cả nhà để tham gia vào đa cấp Liên kết Việt, đóng đến hơn 5 tỷ đồng với hi vọng đổi đời. Có những người nộp hơn 3 tỷ tại 4 chi nhánh, đại lý khác nhau để mong nhanh nhận được tiền lãi hơn... Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, họ mới biết mình bị lừa.

"Mọi người cứ đóng tiền vào, không phải kinh doanh gì cả, làm giàu rất dễ. Thế nên có những người đóng tiền không mua hàng, chỉ ngồi chờ tiền về. Tiền hoa hồng cao gấp 10 lần của ngân hàng thì tội gì không tham gia. Sự hám lợi này là một nguyên nhân dẫn đến số lượng bị hại đặc biệt lớn", ông Huy nói.

Cho đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án được 2 tháng, bước đầu xác định được hàng loạt những hành vi vi phạm pháp luật tại Liên kết Việt. Công ty này ban hành các văn bản, quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, soạn thảo ký khống 2 loại hợp đồng gồm Hợp đồng bán hàng đa cấp và Hợp đồng phân phối để yêu cầu người tham gia nộp tiền vào công ty. Những hợp đồng này đều sai quy định của Chính phủ và Bộ Công thương.

Bên cạnh đó, trong thời gian hoạt động, công ty đã chi hơn 7 tỷ đồng để mua 5 mặt hàng phục vụ việc kinh doanh, bán được hơn 9,6 tỷ đồng. Các khoản chi này đều được khai báo tại cơ quan thuế. Tuy nhiên, khoản tiền nghìn tỷ đã không được khai báo đến cơ quan thuế mà để các bị can chiếm đoạt. Hành vi này còn có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

 


Theo Minh Quang
Zing/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục