Bộ Tài chính đưa ra cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhằm đối phó với việc giảm thuế nhập khẩu vào 2018.
Philippines ra ôtô 250 triệu, các hãng xe rời bỏ Việt Nam?
- Cập nhật : 12/08/2015
(Cong nghiep)
Hỗ trợ 1.000 USD/xe sản xuất trong nước, dành cho các dòng xe ưu tiên để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là những chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ Philippines. Đây sẽ là đối thủ đáng gờm với ô tô Việt Nam trong khu vực.
Không giàu nhưng vẫn hỗ trợ bằng tiền
Tổng ngân sách dành cho gói ưu đãi của Philippines là 600 triệu USD (tương đương 27 tỷ Pesos). Có 3 mẫu xe được Chính phủ nước này chọn là dòng ưu tiên, bình quân mỗi mẫu được hỗ trợ 200 triệu USD. Chính sách bắt đầu thực hiện từ năm 2016, thời hạn hưởng ưu đãi ít nhất là 6 năm.
Đối tượng được hưởng ưu đãi là các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện, có quy mô sản xuất lớn với tổng sản lượng xe cộng dồn đến thời điểm đăng ký đạt 100.000 chiếc và cả vòng đời dự án đạt 200.000 chiếc.
Tiền sẽ để các DN đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất nhằm tăng sản lượng và sản xuất thân vỏ xe với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50%.
Trên thực tế, Philippines đã phát triển công nghiệp ô tô từ cách đây 40 năm. Song, cũng giống như Việt Nam, đến nay ngành này ở Manila vẫn khá lẹt đẹt. Ô tô trong nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp, sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu. Quy mô thị trường ô tô Philippines năm 2014 là 250.000 xe, nhưng sản xuất trong nước chỉ đạt 100.000 xe, còn lại phải nhập khẩu.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Philippines, theo ATIGA/CEPT, đã giảm về 0% từ năm 2010. Vì thế, ngành công nghiệp ô tô Philippines cũng chịu cạnh tranh khốc liệt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Giá thành ô tô sản xuất trong nước tại Philippines cũng cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nhận thấy sức ép lớn lên kinh tế và an ninh quốc phòng, nước này quyết tâm thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển.
Ngân sách Philippines cũng khá eo hẹp, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm dành một khoản tiền để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô nội địa. Số tiền 1.000 USD/xe là để giúp các DN ô tô bù đắp chênh lệch về chi phí sản xuất so với xe nhập ngoại.
Thực tế, mới đây Suzuki Philippines đã ra mắt mẫu xe nhỏ Suzuki Celerio với 2 phiên bản được trang bị số sàn và số tự động CVT với mức giá từ 242 triệu đồng gây sốt cho toàn thị trường.
DN ô tô bỏ Việt Nam sang Philippines?
Cũng tương tự như Philippines, Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô từ 20 năm qua nhưng đến nay vẫn lẹt đẹt. Thời gian qua, Chính phủ cũng ban hành chính sách về phát triển công nghiệp ô tô. Theo đó, các mẫu xe ưu tiên (có dung tích nhỏ) sẽ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, các dự án đầu tư quy mô lớn 100.000 xe trở lên, được hưởng ưu đãi đặc biệt.
So với Philippines, Việt Nam không dùng tiền để hỗ trợ, mà chỉ sử dụng công cụ thuế. Các DN đầu tư lớn sẽ được miễn giảm thuế thu nhập DN, được hỗ trợ về hạ tầng,...
Tuy nhiên, đến nay vẫn có nhiều vấn đề cần được cụ thể hóa trong chính sách hỗ trợ này. Chẳng hạn, các DN ô tô vẫn chưa rõ thuế tiêu thụ đặc biệt giảm cho các dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, sản xuất trong nước thì có giảm cho cả xe tương tự, nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN hay không?
Trong khi đó, chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Philippines rất rõ ràng. Những DN đủ điều kiện sẽ được nhận ưu đãi. Việc này có thể tác động đến khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất ô tô ở Việt Nam.
Tại ASEAN, có hai địa điểm mà các nhà đầu tư quan tâm là Philippines và Việt Nam. Đây là hai quốc gia đông dân, với khoảng 100 triệu người mỗi nước, có tiềm năng lớn và sử dụng xe tay lái thuận. Còn trong khu vực lại chưa có trung tâm nào sản xuất xe tay lái thuận với số lượng lớn, cung cấp cho cả Đông Nam Á.
Việt Nam và Philippines đều có thị trường ô tô đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. Mức tăng trưởng của Việt Nam hiện nay trên 50%, dự kiến đạt 200.000 xe trong năm 2015. Philippines có mức tăng trưởng khoảng 20%, dự kiến đạt 300.000 xe năm nay.
Tuy nhiên, Việt Nam lại có nhiều bất lợi hơn do quy mô thị trường còn nhỏ bé, công nghiệp hỗ trợ yếu kém, đến 80% các linh kiện và nguyên liệu sản xuất linh kiện phải nhập khẩu. Cùng với đó, chất lượng sản phẩm tại Việt Nam thấp. Cứ 1 triệu linh kiện sản xuất tại Việt Nam, có tới 200 linh kiện không đáp ứng yêu cầu chất lượng, trong khi con số này ở Philippines chỉ là 15. Điều đó sẽ làm cho chi phí sản xuất cao hơn.
Hỗ trợ của Việt Nam lại không bằng Philipines và chỉ có thể thực hiện giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2017. Nhưng nếu giảm đồng đều, cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc cùng loại, từ ASEAN, thì xe trong nước sẽ không còn lợi thế cạnh tranh.
Trong khi đó, sản xuất ô tô tại Philippines nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Việt Nam. Các DN ô tô hiểu điều này và sẽ đưa ra những so sánh khi cân nhắc rót tiền vào đâu.