tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thịt bò ngoại chưa chắc đã ngon

  • Cập nhật : 08/09/2015

(Tin kinh te)

Sau một thời gian bị choáng ngợp bởi những lời giới thiệu có cánh về thịt bò ngoại, người tiêu dùng tỉnh táo nhận ra rằng hàng ngon cũng có mà hàng dở cũng nhiều!

Nguồn cung nội địa thiếu hụt nên tại đô thị lớn như TP HCM, thịt bò ngoại áp đảo thị trường với đủ loại từ hàng đông lạnh, hàng bảo quản mát vận chuyển bằng máy bay đến bò sống nhập khẩu về để giết mổ. Ngoài ra, tình trạng thịt trâu đông lạnh nhập khẩu đội lốt thịt bò khi ra thị trường cũng khiến người tiêu dùng muốn mua thịt bò ngon không phải dễ.

Bò già thành bò tơ

Thịt bò nhập khẩu bán lẻ trên thị trường hầu như chỉ có nạc, trừ phần bắp bò người bán để nguyên còn lại những phần gân bao bên ngoài đều được lọc ra để bán riêng. Với bê thui thì có thêm phần da nhưng da cũng liền với nạc, không có mỡ.

Thế nên, người tiêu dùng không khỏi ngạc nhiên khi thịt bò Mỹ (hàng đông lạnh) bán trên thị trường lại có hẳn phần ba rọi như thịt heo, còn gọi là thịt ba chỉ, là phần thịt dưới bụng bò có những dải mỡ xen với nạc nhưng phần mỡ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thanh, kinh doanh thực phẩm online, cho biết chỉ có bò Mỹ mới có thịt ba rọi bán lẻ. Do có phần mỡ nên tẩm ướp để nướng hoặc nhúng giấm rất ngon. Tuy nhiên, với giá bán lẻ xấp xỉ 300.000 đồng/kg ở các cửa hàng chuyên thịt nhập, thậm chí lên đến 400.000 đồng/kg đối với sản phẩm qua sơ chế đóng gói 300g ở một số siêu thị thì nhiều bà nội trợ đã lắc đầu. Lý do không chỉ vì giá cao mà còn vì né chất béo động vật dù mỡ bò Mỹ được đánh giá là ngon.

 

thi bo nhap co kha nhieu mo

Thị bò nhập có khá nhiều mỡ

Bò Úc sống nhập khẩu về Việt Nam để giết thịt cũng gặp phải vấn đề mỡ nhiều nếu vỗ béo quá mức. Khi bán hàng, các nhà kinh doanh đều giới thiệu là bò tơ nhưng thực tế theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu sang Úc mua cả bò già, có con lên đến 96 tháng tuổi nên chất lượng thịt không ngon là điều dễ hiểu.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Kinh doanh và Phát triển thị trường Công ty TNHH TM DV XNK Thực phẩm Sạch (thương hiệu Fresfoco), chất lượng thịt bò Úc trên thị trường rất khác nhau. “Các nhà đầu tư khi tham gia thị trường đều bỏ vốn lớn, có đội ngũ tư vấn để bò tăng trưởng không bị mỡ theo yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, mỡ bò cộng với nạc bò thành bò xay giá bán cũng trên 100.000 đồng/kg, vẫn có hiệu quả về kinh tế nên họ cố tình nuôi theo hướng này. Vì thế, người tiêu dùng nên chọn mua ở những nơi uy tín, có nguồn hàng chất lượng để xứng đáng với đồng tiền bỏ ra” - ông Phong chia sẻ.

Cảnh giác với bò ngoại giá bèo

Ông Nguyễn Văn Đông, chủ cửa hàng thịt bò trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cho biết trước đây có kinh doanh thịt bò Úc từ một nhà cung cấp có tiếng ở Đồng Nai nhưng đã ngừng mấy tháng nay do bị khách chê thịt dai và nhiều gân. Một lý do khác là khó bảo quản, hàng lấy từ sáng, để đến chiều thịt bị thâm nếu chỉ ướp nước đá. Người tiêu dùng ở TP HCM ra chợ mua thịt treo lủng lẳng trên sạp cứ nghĩ là thịt mới giết mổ nhưng thực tế là từ lò mổ đến chợ lẻ thời gian khá dài rồi thịt bán không hết, họ lại cho vào tủ lạnh hôm sau bán tiếp nên không phải hàng “nóng”. Một số người tiêu dùng nhận ra điều này nên chấp nhận thịt đông lạnh vì được cấp đông ngay sau giết mổ.

Ông Hà Minh, Việt kiều Mỹ, cho biết nếu so sánh thì bò Mỹ chỉ có ưu điểm hơn bò Việt là thịt mềm, phù hợp với món bít-tết; còn nếu để tái, xào thì bò nội ngon hơn hẳn vì thịt ngọt, đậm đà tự nhiên.

Theo đại diện một công ty nhập khẩu và cung ứng lượng lớn bò Úc cho thị trường TP HCM, cùng một giá bán nhưng đầu vào của thịt bò Úc thấp hơn bò nội nên dân buôn thích bò Úc là điều dễ hiểu. Bò nội chăn thả tự nhiên, chỉ ăn thức ăn thô (cỏ và rơm) nên thịt thơm ngon hơn bò nuôi nhốt công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn bò nội rất khan hiếm, phần lớn chỉ đủ tiêu dùng ở địa phương nên người tiêu dùng ở các đô thị lớn như TP HCM phải ăn thịt bò nhập.

Thống kê từ phía Úc, từ đầu năm đến nay nước này đã xuất sang Việt Nam 309.505 con bò sống, tăng 136% so với cùng kỳ. Hai năm trước, chỉ có 2-3 đầu mối tham gia nhập khẩu bò Úc thì nay Việt Nam đã có hơn chục đơn vị tham gia dẫn đến tình trạng tranh nhau mua bò.

Theo chuyên gia ẩm thực Võ Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Món Ngon Việt Nam, chất lượng các loại thịt bò ngoại giá bán 250.000 đồng/kg trở xuống thua xa bò Việt, thậm chí là bò hết đát, bò già phế phẩm ở nước ngoài chỉ dùng cho gia súc hoặc phải tiêu hủy. Chỉ những loại thịt cao cấp, giá bán từ 360.000 - 700.000 đồng/kg thì chế biến có ngon hơn nhưng bò phi lê Việt, giá chỉ 270.000 đồng/kg cũng có chất lượng tương đương.

Đối với món phở thì dùng thịt bò Việt là ngon nhất vì tươi và không bị thâm đen. Những món như bít-tết, bò xào, bò nhúng giấm có thể sử dụng loại thịt bò nào cũng được nhưng phải mua loại biết rõ nguồn gốc. Ở một số quán bán bò Mỹ, Úc mà giá quá rẻ thì phải xem lại.

“Tại TP HCM có nhiều quán ăn chuyên về bò giới thiệu sử dụng 100% bò nhập từ Mỹ, Úc nhưng bán với giá rất rẻ là do dùng nguyên liệu thịt bò già, bò hết đát. Khách ăn thấy thịt mềm tưởng là bò ngon nhưng thực chất là do cách chế biến chứ thịt chỉ còn phần “xác”, không còn vị ngọt tự nhiên” - ông Quốc nói.

Lãng phí

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, đúc kết: Việc phát triển bò thịt bị rơi vào quên lãng từ sau năm 2000, giai đoạn 2010 - 2013 đàn trâu bò liên tục giảm 1%-5% (năm 2014 bắt đầu tăng 1,5%) trong khi Việt Nam có nhiều vùng có lợi thế về nuôi đại gia súc như các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung. Theo ông Lịch, cần thay đổi tư duy Việt Nam không có lợi thế về đại gia súc để tổ chức lại chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, thay thế thịt bò nhập khẩu vì hiện nay thức ăn cho bò là rơm rạ lên đến hàng triệu tấn đang bị đốt bỏ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

“Gạo ế, đường không cạnh tranh được, dưa hấu chở lên biên giới đổ bỏ mà lại để thiếu thịt bò, phải nhập vài trăm ngàn con bò sống về giết mổ là điều hết sức vô lý, cho thấy việc tổ chức sản xuất, bố trí quỹ đất chưa hợp lý” - ông Lịch nói.

(Theo Người lao động)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục