Hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, không an toàn chỉ được phát hiện sau khi đã lưu thông và đến tay người tiêu dùng.
Sếp Fivimart: “Chúng tôi chỉ bán những thứ mình ăn”
- Cập nhật : 29/07/2016
“Chúng tôi chỉ bán những thứ mình ăn”, đó là lời khẳng định của bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng giám đốc CTCP Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu siêu thị Fivimart.
Thị trường bán lẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ do thói quen mua sắm trong siêu thị dần trở thành xu hướng của người tiêu dùng. Bên cạnh những yếu tố như hàng hóa phong phú, dịch vụ văn minh, thuận tiện… siêu thị cũng được đánh giá cao về chất lượng hàng hóa hơn các chợ truyền thống.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi hàng loạt các vụ thực phẩm bẩn liên tục phanh phui, nông sản sạch trong siêu thị bắt đầu chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, làm thế nào để đưa được hàng hóa của mình vào siêu thị lại là bài toán khó với những người làm nông sản sạch và thực phẩm an toàn.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng giám đốc CTCP Nhất Nam (sở hữu siêu thị Fivimart) cho biết các sản phẩm muốn bày bán trong siêu thị cần phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chứng minh về doanh nghiệp…
“Fivimart sẽ thu thập các tài liệu và xem các sản phẩm mẫu. Siêu thị cũng sẽ đi đến thực tế các nhà sản xuất để xem quy trình sản xuất có đúng theo giấy tờ được cấp hay không. Sau khi đến kiểm tra và đánh giá theo thang điểm của Fivimart, nếu nhà sản xuất đáp ứng được các yêu cầu trên thì siêu thị mới tiến hành ký hợp đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn có quá trình kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa mà đối tác sản xuất ra”, bà Hậu chia sẻ.
“Thậm chí nếu nhà cung cấp không tuân thủ đúng quy định, chúng tôi có thể sẽ ngừng hợp tác”, Phó Tổng giám đốc Nhất Nam cho biết thêm.
Theo bà Hậu, hiện nay, nông sản đang bày bán tại Fivimart có giấy chứng nhận VietGAP chiếm đến 70% và trong tương lai, siêu thị sẽ cố gắng nâng tỷ lệ này lên 100%.
Bà Hậu cũng cho hay, doanh nghiệp của bà đang hỗ trợ các nhà cung cấp nông sản sạch của Việt Nam bằng cách không tính phí đầu vào siêu thị. Bên cạnh đó, Fivimart đã hợp tác với bên xúc tiến thương mại của nông nghiệp Hà Nội đi đến tận gốc các cơ sở sản xuất, hợp tác xã và làm nhiều chương trình, đặc biệt là các hợp tác xã có sự đầu tư của dự án nước ngoài.
Là người chịu trách nhiệm chính về nông sản tại Fivimart, bà Hậu nhấn mạnh rằng kinh doanh nông sản cần cái tâm của người bán hàng bởi sau giờ làm việc, mọi người đều trở thành người tiêu dùng. “Chúng tôi chỉ bán những gì mình ăn”, bà Hậu khẳng định.
Bàn về chuyện giá cả, nữ doanh nhân này cho hay, mọi người vẫn thường nghĩ rau củ trong siêu thị sẽ đắt hơn ngoài chợ. Do đó, để tạo được lợi thế cạnh tranh về giá cả, siêu thị của bà đang cố gắng cắt giảm nhiều chi phí ở khâu trung gian và vận hành. “Với các sản phẩm nông sản, Fivimart không đặt lợi nhuận lên trên hết. Thậm chí nhiều sản phẩm rau củ chúng tôi phải bán lỗ hoặc không có lãi. Đổi lại khi người tiêu dùng vào mua nông sản, họ có thể sẽ mua thêm nhiều hàng hóa khác.”, lãnh đạo Fivimart bộc bạch.
Phó Tổng giám đốc Nhất Nam nhận định “Tương lai của thực phẩm sạch sẽ trở nên tốt hơn khi đời sống của người tiêu dùng ngày càng cao và yêu cầu về thực phẩm cũng sẽ trở nên khắt khe hơn”.
Bình An
(Theo Người Đồng Hành)