Xử phạt hành chính, thu hồi và tiêu hủy là giải pháp được thực hiện trong thời gian qua khi các vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện.
Người tiêu dùng cần đồng loạt tẩy chay những thương hiệu, sản phẩm thực phẩm bẩn. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuy nhiên, theo PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Cách quản lý thực phẩm, đồ uống bẩn, nhiễm độc tại VN đang làm mạnh phần ngọn, chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Có hai vấn đề cần được thay đổi là mức xử phạt quá nhẹ và trách nhiệm của đơn vị quản lý chưa được nhắc”.
Thực phẩm bẩn cũng là tội ác
Nhấn mạnh vấn đề về thực phẩm liên quan đến phát triển giống nòi của dân tộc, chuyên gia y dược - TS Nguyễn Đức Thái, cố vấn Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng câu chuyện về thực phẩm bẩn sẽ không có gì đáng nói nếu chúng ta không đặt vấn đề trên bình diện liên quan phát triển mọi mặt của một dân tộc. Cách thức tổ chức, xử lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại VN thua nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Ở những nước này, nếu một doanh nghiệp (DN) bị phát hiện làm hàng thực phẩm bẩn, lỗi đó được lặp lại nhiều lần, khả năng khắc phục yếu thì DN đó coi như đã phá sản. “Mỹ có thể đóng cửa một thời gian hoặc đóng cửa vĩnh viễn một nhà máy làm thực phẩm bẩn, tùy mức độ vi phạm”, TS Thái nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, thực phẩm bẩn, mất an toàn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội và đã được nói đến rất nhiều lần nhưng quy định xử phạt hành chính hay thu hồi sản phẩm vi phạm hiện nay còn quá nhẹ. Đặc biệt, mức phạt tiền quá ít khiến cho vấn đề càng ngày càng trầm trọng khi hàng loạt cơ sở, DN cố tình vi phạm hoặc tái diễn nhiều lần. Trong khi đó, các thủ tục hành chính từ khi phát hiện đến kiểm tra, công bố quyết định xử phạt còn quá rắc rối và kéo dài thời gian đã “làm nguội” vấn đề rất nóng trước đó. Điều này khiến cho người tiêu dùng mệt mỏi, mất niềm tin vào sự quản lý của nhà nước.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng tội làm thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến giống nòi nên có thể coi đó là tội ác, cần nghiêm trị đích đáng. “Có hai hình thức nghiêm trị những người làm thực phẩm bẩn, đó là phạt bằng tiền thật nhiều, thật nặng, thu hồi tiêu hủy hết. Thứ hai, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự bởi đó là tội đầu độc hủy hoại sức khỏe con người”, TS Phong nói và thông tin thêm tại Trung Quốc, sau nhiều vụ bê bối thực phẩm bẩn, nước này đã sửa đổi luật An toàn thực phẩm vào năm 2015, nâng mức xử phạt tội vi phạm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Tháng 7.2015, Đài Loan đã tuyên án 20 năm tù cho chủ DN và phạt 1,6 triệu USD vì tội sản xuất 243 tấn dầu ăn được tái chế từ dầu thải các loại. Vụ bê bối này cũng khiến người đứng đầu ngành y tế của Đài Loan từ chức. Mới đây, tháng 3.2016, Chủ tịch Tập đoàn Wei Chuan chuyên sản xuất dầu ăn cũng bị tuyên phạt 4 năm tù vì tội làm dầu ăn kém chất lượng.
Tại VN, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, luật Hình sự 2015 có quy định nâng mức xử phạt người sản xuất, cung cấp thực phẩm bẩn ra thị trường từ 1 - 5 năm tù, thậm chí là mở rộng lên 20 năm tù, nhưng hiện luật mới vẫn chưa có hiệu lực (luật Hình sự 2015 lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, song phải hoãn vì có nhiều lỗi cần chỉnh sửa - PV). Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người làm thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống và coi thường pháp luật, mạng sống của con người.
Cẩn trọng khi công bố kết quả
Luật Hình sự với mức xử phạt nặng hơn nhưng chưa có hiệu lực là lý do mà theo TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, để xảy ra tình trạng tái diễn các hành vi vi phạm trong an toàn thực phẩm kéo dài khiến chính nhà quản lý đôi khi cũng bất lực. “Chúng ta cần có một công cụ là pháp luật thật nghiêm, cần có những nhà quản lý chuyên môn giỏi và có tâm với công việc, sẽ đẩy lùi được vấn nạn thực phẩm bẩn chứ không phải rơi vào bế tắc hay cảnh cha chung không ai khóc như hiện nay”, TS Ngãi bức xúc và đề nghị nên lập ngay một bộ máy chuyên trách và kiểm soát thường xuyên, liên tục vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi các bộ ngành hiện nay chưa hoạt động hiệu quả trong việc kiểm soát này khi thực phẩm không an toàn vẫn tràn lan trên thị trường.
Liên quan đến sản phẩm nhiễm chì sau vài tháng Bộ Y tế công bố, thu hồi, đến nay lại công bố an toàn, TS Ngãi cho rằng hành động đó là khó chấp nhận được. “Trong khi toàn dân, thị trường đang hoang mang về thông tin rúng động là hàng ngàn sản phẩm nhiễm chì không thu hồi được do đã tiêu thụ sạch; nhiều thông tin từ vụ việc chưa được giải tỏa thỏa đáng thì đùng một cái, cũng chính cơ quan này công bố sản phẩm an toàn rồi, người dân cứ vô tư sử dụng đi. Ai cho phép nhà quản lý làm như vậy tại thời điểm này, làm vậy để được gì? Xoa dịu lòng dân hay lấy lòng nhà sản xuất?”, TS Ngãi nêu vấn đề.
TS Phong đồng tình thắc mắc này và cho rằng khi sản phẩm đang trong vòng nghi vấn, học cách làm của các nước, các cơ quan quản lý nên cẩn trọng trong công bố kết quả chứ không nên làm vội vã để trấn an tâm lý người tiêu dùng. Làm như vậy chỉ khiến “nghi ngại lại càng nghi ngại thêm mà thôi”.
Luật sư Hậu bổ sung, khi nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố tình vi phạm vì siêu lợi nhuận mà cán bộ quản lý làm lơ hay thậm chí bắt tay với DN thì khó để ngăn chặn các thực phẩm mất an toàn trên thị trường. “Chúng ta cần kiên quyết xử phạt nặng với những DN, cá nhân đưa chất cấm vào thực phẩm, hay cung cấp thực phẩm không an toàn ra thị trường. Ngoài việc sớm đưa vào áp dụng luật Hình sự mới thì cần quy định trách nhiệm của UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở khi để xảy ra các vụ vi phạm. Cần xem xét cải tiến thủ tục quy trình phát hiện, xử phạt các cơ sở sản xuất và bổ sung thêm các điều kiện bồi thường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, luật sư Hậu nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng người tiêu dùng phải sử dụng quyền lực của mình để cứu chính mình, đó là đồng loạt tẩy chay các thương hiệu bẩn, các sản phẩm bẩn, các nhà sản xuất có bê bối vi phạm an toàn. Chỉ có cách đó, mới loại được những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm khi các quy định pháp luật chưa đủ mạnh để đẩy lùi tình trạng này.
Nguyên Nga - Mai Phương
Theo Thanh Niên Online