Quản lý thị trường tạm giữ 128.647 đơn vị sản phẩm gồm dược phẩm, mỹ phẩm, đông dược, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế... ước tính trị giá hơn 500 triệu đồng.
Báo động mỹ phẩm giả
- Cập nhật : 04/08/2016
Thời gian gần đây, trên địa bàn miền Trung, tình hình mua bán các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu nổi tiếng, hàng không đảm bảo chất lượng… diễn ra khá công khai. Đây đang là mối nguy hiểm rình rập sức khỏe người tiêu dùng, gây bức xúc cho người tiêu dùng…
Tràn lan mỹ phẩm giả
Chi cục quản lý thị trường TP. Đà Nẵng vừa phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả các nhãn hàng nổi tiếng. Theo đó, sau một thời gian điều tra, lực lượng chức năng của Đội quản lý thị trường số 8, thuộc Chi cục quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã kiể̉m tra kho hàng mỹ phẩm tại nhà số 208 - Tôn Đản, nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ.
Tại đây, đã phát hiện ra hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm khác không có nhãn hiệu hoặc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm bị phát hiện chủ yếu là sản phẩm hóa mỹ phẩm, dầu gội đầu, thực phẩm chức năng, kem dưỡng da, thuốc giảm cân, sữa tắm, muối tắm, son môi, phấn, bột cam thảo, nước hoa, tinh dầu, kem chống nắng, thuốc tẩy lông, sản phẩm trang điểm...
Những sản phẩm này đều được giả của các thương hiệu nổi tiếng như, Channel, Ohui, Shisedo, Maybeline, Lorean, Vichy, Laneige, Dove, Kaminomoto, Pond’s, Vaseline…
Đặc biệt, các sản phẩm này đựng trong các hộp giấy, bao bì rất bắt mắt. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đối chiếu với các thông tin do chủ các nhãn hàng chính hãng cung cấp thì lực lượng chức năng xác định gần như toàn bộ số mỹ phẩm này đều là giả.
Bà Hoàng Nữ Cẩm Nhi, đại diện kho hàng này xác nhận phần lớn số hàng hóa này được mua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và đưa về TP. Đà Nẵng để tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện kho hàng đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh.
Ngay sau khi phát hiện số lượng lớn mỹ phẩm giả này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 8 cho biết, đây là vụ phát hiện số lượng mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện ở địa phương.
Qua kiểm tra và so sánh với mẫu mỹ phẩm, tài liệu do các chủ sở hữu nhãn hiệu cung cấp, bước đầu cơ quan chức năng xác định được một số hàng hóa tương đối lớn là giả mạo nhãn hiệu. Số còn lại đang được gửi đến chủ sở hữu nhãn hàng để đối chiếu làm rõ thật, giả.
Việc buôn bán, vận chuyển mỹ phẩm giả đang diễn ra khá phức tạp tại Đà Nẵng. Bởi, trước đó công an quận Hải Châu cũng đã tạm giữ 4 thùng hàng hóa trên đường Pasteur. Trong đó, có một số lượng lớn hàng mỹ phẩm giả gồm, sữa tắm Dove, dầu gội đầu Head & Shoulders, dầu xả Rejoice, bình xịt khử mùi Nivea men Invisible và hàng chục hộp thuốc nhuộm tóc Revlon ColorSilk TM HairColor…
Mới đây nhất, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện xe khách mang BKS:43B-000.48 do tài xế Phan Đăng Nghĩa, trú quận Thanh Khê, điều khiển chạy từ Thừa Thiên - Huế về TP. Đà Nẵng có vận chuyển 6 thùng catton loại lớn, bên trong chứa 360 lọ kem dưỡng ẩm, 96 chai sữa tắm, 180 tuýp sữa rửa mặt và khoảng 200kg vải may veston với tổng giá trị khoảng hơn 100 triệu đồng.
Tất cả hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ. Tài xế, Phan Đăng Nghĩa đã khai nhận chở số hàng trên cho một người từ TP. Vinh (Nghệ An) vào Đà Nẵng để tiêu thụ...
Lựa chọn cơ sở uy tín
Hiện, nhu cầu làm đẹp của các “thượng đế” trên thị trường là rất lớn. Lợi dụng điều này, các đối tượng mua bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ thừa cơ hội để tung hàng giả ra thị trường, đánh vào tâm lý hám rẻ mà lại nhiều công dụng của một số người tiêu dùng để trục lợi...
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, ngoài các siêu thị, đại lý hiện mặt hàng mỹ phẩm đang được bán nhiều tại các chợ truyền thống như chợ Hàn hay chợ Cồn. Song, việc quản lý, giám sát mặt hàng này còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như tại chợ Cồn, hiện có đến gần 100 hộ đăng ký kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm, ngoài ra vẫn có một số tiểu thương buôn bán mặt hàng này nhưng không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý.
Thực tế, các Ban quản lý chợ chỉ có chức năng quản lý nhãn mác hàng hóa dựa vào cảm quan bên ngoài, sau đó báo với các đơn vị quản lý thị trường đến cùng kiểm tra lô hàng.
Tuy nhiên, việc phát hiện mỹ phẩm giả hay thật lại rất khó khăn. Bởi, các sản phẩm hàng mỹ phẩm lại đa dạng về chủng loại, bắt mắt về mẫu mã, giống như hàng thật. Một số loại mỹ phẩm được làm giả, làm nhái hết sức tinh vi. Hàng giả chủ yếu thực hiện dưới các hình thức như, giả nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ, giả về kiểu dáng công nghiệp và giả các loại tem, bao bì…
Tiếp tay cho việc các sản phẩm giả ngày càng tràn lan như hiện nay, là những tiểu thương vì lợi nhuận đã cố tình làm ngơ, khách hàng là người gánh chịu hậu quả. Do vậy, để tránh việc rước họa vào thân, các “thượng đế” phải biết tự trang bị kiến thức cho mình.
Theo đó, khi mua các sản phẩm này, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, đặc biệt là chọn mua ở những nơi uy tín. Thông thường, việc mua hàng tại siêu thị, cửa hàng chính hãng, đại lý lớn sẽ giúp người mua được mỹ phẩm chính hãng, tránh được hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có nhãn mác, có hạn sử dụng, mã số code, ghi đầy đủ những nội dung cần thiết bằng tiếng Việt. Với những hàng ngoại nhập phải có một nhãn ghi bằng tiếng Việt có đủ các thông tin như, thông tin về hàng hóa, địa chỉ nhà sản xuất, địa chỉ tên của nhà phân phối…
Bài và ảnh Trung Anh
(Thời báo Ngân hàng)