Nghỉ lễ, nhiều gia đình do bận rộn, không đi du lịch, thường tranh thủ mua sắm đồ điện lạnh hoặc gọi thợ điện, nước đến sửa chữa, lắp đặt. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy bực bội vì không ít thợ đến làm việc thiếu trung thực, gian lận...
Thời trang nội lọt thỏm trong thị trường 3,5 tỷ USD
- Cập nhật : 06/03/2018
Ngành thời trang Việt Nam vẫn có những cơ hội đáng khích lệ trước sự mở rộng ồ ạt của các thương hiệu thời trang nước ngoài.
Ngành thời trang Việt Nam vẫn có những cơ hội đáng khích lệ trước sự mở rộng ồ ạt của các thương hiệu thời trang nước ngoài.
Ngoại lấn lướt
Cuối năm ngoái, thị trường thời trang Việt Nam tiếp tục sôi động hơn khi thương hiệu thời trang Nhật Uniqlo xuất hiện, hội đủ bộ 3 cùng Zara (Tây Ban Nha) và H&M (Thụy Điển). Trái ngược với sự háo hức của người tiêu dùng Việt Nam là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp nội trong ngành này.
Bởi cho đến năm 2015, thị trường thời trang Việt Nam vẫn khá dễ thở đối với các doanh nghiệp trong nước như Blue Exchange, Ninomax, PT 2000, Couple TX, Canifa... Nổi bật trong số đó là Blue Exchange với khoảng 200 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung vào khách hàng trẻ ở phân khúc trung bình khá.
Vào thời điểm đó cũng đã có các thương hiệu tầm trung đến từ Hồng Kông và khá phổ biến ở Việt Nam như Bossini, Giordano. Trước Uniqlo, cũng có một thương hiệu thời trang của Nhật gia nhập thị trường là Miniso thông qua hình thức nhượng quyền với Công ty Lê Bảo Minh. Nhưng những cái tên này chưa đủ làm suy chuyển thị phần của nhóm doanh nghiệp nội.
Sự xuất hiện của bộ 3 Uniqlo, Zara và H&M được cho là đang thay đổi dần cán cân thời trang nội - ngoại. Với lợi thế về thiết kế bắt mắt, tốc độ ra mắt sản phẩm nhanh và giá cạnh tranh, cả 3 thương hiệu này đều chiếm ưu thế ở mọi thị trường thời trang ở các quốc gia mà họ hiện diện. Điều này phần nào được khẳng định khi cả Zara và H&M tung ra các đợt khuyến mãi dịp cận Tết, thu hút khách hàng xếp hàng dài mỗi ngày.
Zara đã mở khoảng 280 cửa hàng trong năm tài khóa 2017, tương đương với số cửa hàng mà doanh nghiệp này mở rộng trong năm 2016. Công ty sẽ tập trung vào 5 thị trường mới trong đó có New Zealand và Việt Nam với khoảng 93 cửa hàng mới, đưa tổng số cửa hàng thời trang Zara trên toàn thế giới lên con số 7.292. Theo kế hoạch công bố ban đầu, H&M tăng 430 cửa hàng trong năm 2017, trong đó, có những thị trường mới bao gồm Việt Nam, Kazakhstan và Colombia.
Theo báo cáo quý II/2017 của BMI, người tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng quan tâm và chi tiêu mạnh tay đối với các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài. Bên cạnh đó, quy mô thị trường thời trang của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, thu hút các thương hiệu thời trang nước ngoài. Theo thống kê của BMI, độ lớn thị trường thời trang bao gồm quần áo và giày dép ở Việt Nam trong năm 2018 là 3,8 tỉ USD, trong đó chi tiêu cho quần áo chiếm hơn 3,5 tỉ USD.
Độ lớn thị trường này vào năm 2021 được BMI dự đoán là 5,08 tỉ USD, thời trang vẫn chiếm phần lớn với số tiền chi tiêu vào khoảng 4,7 tỉ USD. Tốc độ chi tiêu cho thời trang tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021 so với trung bình 7% của các năm trước đó.
Nội tìm cơ hội mới
Xuất phát điểm là quốc gia gia công, công đoạn có giá trị gia tăng kém nhất trong ngành công nghiệp thời trang, Việt Nam chưa bao giờ có lợi thế trong lĩnh vực thời trang. Tuy nhiên, trước cuộc đổ bộ rầm rộ của các thương hiệu thời trang nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không dễ dàng bỏ cuộc.
Canifa, nhãn hiệu thời trang lớn ở miền Bắc, nổi tiếng từ những năm 2000. Năm 2007, Canifa mở rộng thêm nhãn hàng thời trang cho thiếu nhi. Thời gian gần đây, Canifa đầu tư hình ảnh rất nhiều thông qua việc tài trợ cho các chương trình như Project Runway, Vietnam Next Top Model...
Chia sẻ với truyền thông, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Điều hành Canifa, cho rằng điểm hạn chế của các hãng thời trang là chỉ mới tập trung ở các thành phố lớn, kênh phân phối hạn chế. Hiện nay, Canifa đang nắm trong tay hơn 100 chi nhánh trên toàn quốc, ở TP.HCM đơn vị này đang có 9 chi nhánh.
Theo BMI, dù thị trường bán lẻ ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất ở châu Á nhưng hầu hết người dân Việt Nam sống ở các vùng nông thôn, khó tiếp cận vì cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng bán lẻ hiện tại hạn chế và về lâu dài có thể sẽ bão hòa ở các thành phố lớn.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trường Thắng, đơn vị sở hữu thương hiệu CoupleTX, cho biết mục tiêu trong năm nay là tăng sự hiện diện bằng cách mở rộng chuỗi cửa hàng lên con số 60 thông qua hình thức nhượng quyền; hiện đơn vị này có 38 cửa hàng trên toàn quốc. “Các đối tác nhượng quyền là đối tác bán hàng trước đây của CoupleTX ở các tỉnh, bây giờ là đồng nhất về mặt thương hiệu và thiết kế mà thôi”, bà Xuyến nói.
Về mặt sản phẩm, bên cạnh phát triển dòng sản phẩm gia đình của CoupleTX, Trường Thắng sẽ thử nghiệm chuỗi cửa hàng thể thao dành cho gia đình với thương hiệu riêng trong năm 2018. Song song đó, Trường Thắng sẽ đầu tư để tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng tại các cửa hàng thông qua việc thiết kế, trang trí.
Theo bà Xuyến, các doanh nghiệp thời trang Việt Nam trước đây rất khó tạo ra được xu hướng trên thị trường, một số doanh nghiệp có tham gia hoặc tổ chức chương trình thời trang riêng nhưng chưa tạo được dấu ấn vì năng lực của doanh nghiệp có hạn.
“Hiện nay, đã có các đơn vị chuyên tổ chức các chương trình thời trang, bắt kịp xu hướng nước ngoài. Các doanh nghiệp thời trang trong nước có thể tập trung vào chuyên môn của mình hơn là thiết kế và sản phẩm. Do đó, có thể nói hiện nay dù cạnh tranh nhiều hơn nhưng cơ hội không phải là không có”, bà Xuyến nói.
Các doanh nghiệp Việt Nam được nhìn nhận là có những lợi thế riêng như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa của Việt Nam để thiết kế sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu của người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp có kinh nghiệm gia công cho các thương hiệu Walmart, Zaza, Levi’s, GAP, CK, Puma... nên sẽ có thuận lợi về chất lượng sản phẩm khi chuyển sang phát triển thương hiệu riêng cho thị trường trong nước.
Theo bà Chu Phương Đoan, Trưởng bộ phận Tiếp thị của LeFlair, thị trường bắt đầu chứng kiến sự tham gia của nhiều thương hiệu thời trang mới cũng do doanh nghiệp Việt phát triển. Nhóm này có xuất phát điểm từ các cửa hàng trên Facebook rồi mới mở cửa hàng. Đa phần đều có trên 5 cửa hàng.
Về thiết kế, các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào đội ngũ thiết kế, hình ảnh để đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng trong nước. Có thể kể đến những cái tên như Cocosin, Libe, Amy Store, Everluxe... Theo bà Đoan, trong tương lai không xa, các doanh nghiệp này sẽ tham gia bán hàng xuyên biên giới với thị trường mục tiêu hiện nay là Singapore do có lợi thế về giá và mẫu mã, thiết kế.
Sở dĩ có nhận định như vậy vì gần đây, một doanh nghiệp thời trang trẻ của Singapore có mô hình tương tự các doanh nghiệp Việt Nam là Love Bonito vừa gọi được 13 triệu USD vốn đầu tư từ website so sánh giá Kakaku (Nhật).
Bắt đầu bằng một trang blog khiêm tốn vào năm 2010, Love Bonito đã tăng trưởng nhanh nhờ vào việc thiết kế dòng quần áo riêng và bắt đầu mở các cửa hàng bán lẻ. Mức giá trung bình của Love Bonito là 42-53 USD. “Love Bonito có thể xem là câu chuyện khích lệ cho các doanh nghiệp thời trang ở Việt Nam trong thời toàn cầu hóa”, bà Đoan cho biết.
Công Sang
theo nhipcaudautu.vn