Mập mờ tem chống giả
Tịch thu hơn 4,2 tấn bột sữa, bột càphê không rõ nguồn gốc
Giò bò, xúc xích bò ở Hà Nội… toàn bằng thịt lợn
Hà Nội: Tràn lan nấm chất lượng không đảm bảo
Tôm đắt kỷ lục, chợ Hà Nội lên cơn sốt
Hàng Trung Quốc đội lốt tinh vi
- Cập nhật : 06/01/2016
(Tieu dung)
Các đầu mối nhập khẩu trái cây đã thay đổi chủng loại hàng nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều loại táo, cam, nho, lê... Trung Quốc nhỏ hơn được tung ra thị trường.
Theo các tiểu thương, trước lo ngại của người tiêu dùng với hàng thực phẩm Trung Quốc nhập lậu vào VN có chứa các chất bảo quản độc hại, các đầu mối nhập khẩu trái cây đã thay đổi chủng loại hàng.
Họ lựa chọn những loại táo, cam, nho, lê... Trung Quốc nhỏ hơn và màu sắc đậm giống với hàng cao cấp từ các quốc gia khác. Chẳng hạn như táo Trung Quốc hiện nay trái nhỏ hơn trước, có màu đỏ đậm thay vì màu hồng lợt mà người bán lẻ giới thiệu cho người tiêu dùng là táo mèo.
Cam nhập từ Trung Quốc là loại trái vừa, màu vàng hoặc xanh giống các loại cam trong nước hoặc hàng nhập từ Úc. Các loại nho xanh cũng được nhập về nhiều nhằm đội lốt hàng trong nước.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, các lô hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường chính ngạch đều được kiểm tra về cảm quan, dịch hại và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Những tháng cuối năm là thời điểm hàng Trung Quốc về nhiều nên đơn vị này đã chỉ đạo cán bộ thực hiện chặt chẽ hơn khâu kiểm soát hàng nhập khẩu, nhất là hàng hóa ở các nước có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhập ôtô nguyên chiếc tăng mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu gần 50 tỉ USD. Trong khi đó, hàng Việt Nam xuất sang thị trường này ước tính 17,7 tỉ USD. Như vậy vẫn nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 32,3 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm trước.
Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh so với năm 2014 gồm: ôtô nguyên chiếc tăng trên 93%, linh kiện phụ tùng ôtô tăng 89%, sản phẩm từ giấy tăng trên 19%, xơ sợi dệt các loại tăng gần 9%, dầu mỡ động thực vật trên 40%...
Đáng lưu ý, nhìn vào các mặt hàng nhập từ Trung Quốc cho thấy mức độ phụ thuộc của sản xuất VN vẫn còn khá nặng nề. Như rau quả trên 165 triệu USD, nguyên phụ liệu dược phẩm khoảng 180 triệu USD, phân bón khoảng 600 triệu USD, thuốc trừ sâu và nguyên liệu nhập từ Trung Quốc khoảng 340 triệu USD...
Các mặt hàng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước cũng phụ thuộc rất lớn như xơ, sợi dệt các loại nhập tới trên 500 triệu USD; vải các loại nhập tới trên 4,7 tỉ USD; các nguyên phụ liệu dệt may, da giày lên đến 1,6 tỉ USD; sắt thép các loại nhập gần 4 tỉ USD...
Trả lời báo chí về tình trạng nhập siêu, bà Lê Thị Minh Thủy - vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại dịch vụ, Tổng cục Thống kê - thừa nhận sản xuất trong nước hiện “phụ thuộc khá nhiều” vào Trung Quốc.
Phân tích nguyên nhân nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng, đại diện Bộ Công thương cho rằng ngoài nguyên nhân giá rẻ, nhiều doanh nghiệp sản xuất ở VN nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thị trường Trung Quốc nên họ không thể cắt đứt hợp đồng để chuyển sang nhập khẩu các nguồn khác...
Trong một trả lời báo chí về giải pháp giảm nhập siêu từ Trung Quốc, ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công thương - khẳng định các bộ ngành đã nhận ra vấn đề từ lâu và đã đề ra các giải pháp.
VN đã tăng cường xúc tiến thương mại, giảm nhập siêu bằng cách tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường thông qua đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như với EU, Hàn Quốc...
* TS Phạm Sỹ Thành (giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, thuộc VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Xoay trở chậm, càng bị phụ thuộc
Nguyên nhân của tình trạng nhập siêu năm 2015 tăng có thể bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã “ngấm đòn” tỉ giá sau khi các đồng tiền chủ chốt đều mất giá mạnh so với đồng USD. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam có lợi và xuất khẩu gặp bất lợi.
Kết quả phân tích số liệu nhập siêu từ Trung Quốc liên tục qua các năm cho thấy chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là phụ trợ công nghiệp (chiếm 40-45% tổng giá trị nhập khẩu) và tư liệu sản xuất (đã tăng nhanh từ 35% lên 42%)...
Điều này một mặt phản ánh mức tăng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào các dự án tổng thầu EPC, mặt khác cho thấy làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam để tận dụng cơ hội mà TPP đem lại.
Như vậy, số liệu nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vừa thể hiện tình trạng mất lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam khi duy trì cơ chế điều hành tỉ giá như hiện nay, đồng thời cho thấy sự đón đầu của doanh nghiệp Trung Quốc với các cơ hội hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam vừa ký kết được.
Khả năng giảm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có thể thực hiện được, khi thời gian qua Việt Nam đã ký FTA quan trọng với EU, sự thành lập AEC và việc hoàn tất đàm phán TPP.
Do sau khi AEC thành lập, 90% số dòng thuế cắt giảm còn 0%, nhiều loại thuế suất như linh kiện ôtô, nông sản sẽ về mức 5% nên khả năng nhập khẩu các hàng hóa từ ASEAN sẽ tăng lên và giảm áp lực phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Các yêu cầu nghiêm ngặt về sở hữu trí tuệ và xuất xứ hàng hóa trong TPP cũng có thể làm giảm nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Thách thức lớn nhất cần làm để cải thiện nhập siêu với Trung Quốc là đối với các cơ quan hoạch định chính sách. Việc chậm thông qua luật về hiệp hội đã cản trở Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng hơn trong việc đại diện cho lợi ích của doanh nghiệp Việt.
Đặc biệt, phổ biến thông tin về các FTA chậm trễ và thiếu đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một điểm trừ đối với công tác hội nhập của Việt Nam.