tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơn lốc hàng Nhật đổ bộ vào Việt Nam

  • Cập nhật : 30/03/2016

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Hayashi Motoo vừa có chuyến khảo sát thị trường bán lẻ và thị sát một cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam (VN). Cùng đi với bộ trưởng có nhiều doanh nghiệp (DN) và bốn tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật - là chủ các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang có mặt ở Việt Nam như Ministop, FamilyMart.

Bàn đạp đưa hàng vào Việt Nam

Bộ trưởng Hayashi Motoo và các công ty của Nhật không giấu giếm chuyến khảo sát này nhằm chuẩn bị cho chiến dịch đưa hàng hóa Nhật xâm nhập thị trường nước ta thông qua hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Các thành viên trong đoàn khảo sát lý giải việc Nhật muốn đẩy mạnh đưa hàng hóa vào VN trong thời điểm này nhằm đón đầu các ưu thế của Hiệp định TPP. Đặc biệt VN là thị trường lớn, có quy mô dân số trên 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập của người dân cũng như nhu cầu mua sắm ngày càng tăng. Đây chính là cơ hội tốt để đẩy mạnh việc đưa hàng Nhật sang VN.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho biết thêm rằng các công ty Nhật sẽ đẩy mạnh đưa các loại hàng hóa như bánh kẹo, nông sản, nguyên liệu, thực phẩm của Nhật... vào VN.

“Ngoài những cửa hàng tiện lợi hiện có, năm 2017 Tập đoàn bán lẻ Seven Eleven - hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật cũng sẽ mở cửa hàng ở Việt Nam” - ông Hirotaka dẫn chứng.

Bình luận về động thái trên, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, phân tích khi người Nhật, người Thái… sở hữu các hệ thống bán lẻ thì các nhà sản xuất của họ sẽ thông qua những kênh này để đưa hàng vào nước ta; nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng Việt. Đây là kênh “ném đá dò đường” cho các nhà sản xuất của họ.

Nói cách khác, các cửa hàng tiện lợi của Nhật được xem như những “cứ điểm” để nắm bắt tốt nhất hành vi tiêu dùng người Việt, từ đó làm “bàn đạp” đưa hàng của họ vào nước ta. “Khi đã nắm chắc sản phẩm nào được thị trường chấp nhận, họ mở kênh phân phối ở VN” - ông Khương nhận định.

Bên cạnh đó, khi đã có cơ sở dữ liệu khổng lồ để biết được sản phẩm nào bán chạy, sản phẩm nào sẽ là xu hướng tiêu dùng, họ sẽ thuê các đơn vị sản xuất ở trong nước hoặc nước ngoài làm thương hiệu riêng.

nguoi tieu dung dang mua hang tai mot cua hang tien loi o tp.hcm. anh: tu uyen

Người tiêu dùng đang mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

“Vì thế khi bán hàng vào loại hình bán lẻ này, các công ty Việt phải lưu ý: Nếu sản phẩm của mình bán chậm, sau 3-6 tháng họ sẽ thay thế bằng nhà cung cấp khác. Ngược lại, nếu sản phẩm của DN Việt bán chạy, có thể họ sẽ làm thương hiệu riêng để kinh doanh” - TS Khương lưu ý.

Sự lo ngại trên là có căn cứ. Bởi thực tế sau khi Tập đoàn bán lẻ BJC của Thái Lan mua lại hệ thống Metro cash&carry, hàng Thái đã dần phủ đầy ở các kệ hàng. Tại các cửa hàng tiện lợi như B’smart, hàng Thái dần đẩy hàng Việt ra khỏi kệ. Hay khi Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật mua lại 49% cổ phần của Citimart và 30% cổ phần của Fivimart trở thành liên doanh Aeon Citimart, Aeon-Fivimart thì tại các siêu thị này hàng Nhật cũng dần có mặt.

Bước đi bài bản

Nhật làm gì để hỗ trợ các DN bán hàng sang VN nói riêng và thế giới nói chung? Trả lời câu hỏi này, ông Yasuzumi Hirotaka cho biết các công ty sắp tới đưa hàng vào VN đa phần là vừa và nhỏ. Những đối tượng này không đủ năng lực để xây dựng mạng lưới phân phối.

Do vậy, một trong những kênh để mở rộng xuất khẩu chính là cửa hàng tiện lợi để tiếp cận thị trường một cách bài bản, an toàn hơn. Từ bước đi ban đầu này, các công ty Nhật sẽ có chiến lược tốt về sản phẩm.

Đáng chú ý, để đưa hàng hóa vào VN, chính phủ và các DN Nhật chuẩn bị kỹ các khâu từ hạ tầng xã hội, dịch vụ thanh toán và kênh phân phối. Ví dụ để hỗ trợ cho chiến dịch mở cửa hàng tiện lợi tại VN, trước hết Nhật định hướng sản phẩm cho các cửa hàng này đưa ra thị trường cũng như làm cách nào mở rộng mạng lưới cửa hàng càng nhanh càng tốt, đồng thời sẽ thành lập một hội đồng để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ muốn đầu tư vào thị trường nước ta.

“JETRO sẽ cùng các ngân hàng Nhật, các công ty tư vấn, lãnh sự quán Nhật tại TP.HCM... cung cấp các thông tin hữu ích cho DN khi muốn đầu tư vào VN; tư vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục, nhân sự, hỗ trợ họ trong việc xin giấy phép đầu tư…” - đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết thêm.

Không thay đổi sẽ bị loại bỏ

Trước sự xâm nhập của hàng Nhật, làm sao DN Việt tồn tại trong thời gian tới? Ông Hirotaka cho rằng vấn đề mấu chốt là các DN Việt phải tự thay đổi, tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu, thay đổi mẫu mã hàng hóa và các dịch vụ sau bán hàng để thỏa mãn nhóm khách hàng mục tiêu… thì mới sự cạnh tranh được.

“Thời thế đã thay đổi, nếu các công ty không thay đổi theo sẽ bị loại. Thời gian tới áp lực cho các DN Việt là rất lớn” - ông Hirotaka nhấn mạnh.

Trên thực tế một số DN Việt cũng đã chấp nhận thay đổi để không bị “bóp chết”. Chẳng hạn, thay vì chỉ đơn thuần phục vụ mua sắm, các cửa hàng tiện lợi còn phục vụ nhiều dịch vụ khác như rút tiền tại các máy ATM, mua vé một số sự kiện… Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho hay những cửa hàng tiện lợi mở ra trong năm nay của đơn vị được đầu tư mạnh giá trị cộng thêm cho khách hàng. Tại đây không chỉ là nơi mua sắm như hiện nay mà còn có thêm chức năng đặt hàng liên kết.

“Nghĩa là nếu không tìm được những mặt hàng mình cần, người tiêu dùng có thể đặt mua hàng tại Co.opmart, Co.opXtra… qua hệ thống dữ liệu tại cửa hàng tiện lợi này và sẽ được giao hàng tận nhà. Đặc biệt cửa hàng tiện lợi còn cung cấp bữa ăn trọn gói, tiệc trọn gói cho người tiêu dùng khi có nhu cầu” - ông Anh cho hay.

Tác động tới 70% bán lẻ truyền thống?

TS Đào Xuân Khương nhận định các cửa hàng tiện lợi của Nhật nói chung và hệ thống của Seven Eleven nói riêng sẽ cạnh tranh với phân khúc hàng bình dân, đó là các cửa hàng tạp hóa tại VN. Trong đó, tính tiện lợi và dịch vụ sẽ là hai lợi thế của chuỗi cửa hàng này.

“Khách hàng của các cửa hàng tạp hóa sẽ dần chuyển sang hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại này. Theo quan điểm của tôi, hệ thống này sẽ tác động tới 70% hệ thống bán lẻ truyền thống. Các cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh” - ông Khương nói.

Tiện lợi, yên tâm

Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, hiện nay riêng địa bàn TP.HCM đã có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi.

Chị Thúy Hằng nhà ở quận 5 (TP.HCM) nói gần đây chị đã chuyển sang mua sắm ở cửa hàng tiện lợi FamilyMart. Cửa hàng này gần nhà nên thuận lợi, lúc cần gấp là mua được ngay. Đặc biệt, nhân viên ở đây lịch sự, môi trường sạch sẽ, bán hàng 24/7...

“Mua sắm ở đây yên tâm hơn mua ở cửa hàng bách hóa, bởi môi trường máy lạnh thì hàng hóa được bảo quản tốt hơn” - chị Hằng nói.


TÚ UYÊN
Theo Plo.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục