Không ít người sẵn sàng chi cả chục thậm chí trăm triệu tìm mua trĩ hoàng đế, gà lôi rừng, vịt uyên ương... để làm quà biếu hoặc thỏa mãn sở thích chơi cảnh dịp năm mới.
Người Việt tăng mua hàng ngoại online
- Cập nhật : 16/12/2015
(Tieu dung)
Đông đảo người tiêu dùng Việt đã tăng mua hàng ở các trang web nước ngoài sau khi nhiều lần bị mất niềm tin với chất lượng hàng hóa bán qua mạng trong nước.
Chị Đặng Phương Mai (30 tuổi, Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng) cho biết từ lâu đã có thói quen mua hàng online do quỹ thời gian bận rộn. Tuy nhiên, chị Mai lại tìm đến các trang web bán hàng trực tuyến của nước ngoài. Các sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo và một số vật dụng cá nhân khác.
“Tôi đã mua hàng qua mạng ở các trang web nước ngoài rất nhiều lần, chi phí vận chuyển khá đắt đỏ nhưng bù lại tôi chưa bao giờ gặp vấn đề về hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, các công ty của họ có dịch vụ chăm sóc khách hàng khá chu đáo, có thể đổi trả hàng miễn phí khi không ưng ý”, chị Mai chia sẻ.
Theo đó, chị Mai còn mở một cửa hàng nhỏ online chuyên bán các loại mỹ phẩm được đặt qua các trang web bán hàng trực tuyến của Mỹ và Anh. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục mở rộng cửa hàng và duy trì thói quen mua hàng hàng ngoại online.
“Hiện nay một vài công ty bán hàng trực tuyến của Việt Nam đã bắt đầu hoạt động chuyên nghiệp và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Tôi sẽ ủng hộ việc mua hàng trực tuyến tại Việt Nam nếu như hàng hóa có chất lượng tốt và không nâng giá lên rồi tạo khuyến mại ảo”, chị Mai cho biết.
Từng du học Mỹ Nguyễn Nhung (Kim Mã, quận Cầu Giấy) cho biết tất cả vật dụng từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, sách…cô đều đặt mua từ nước ngoài. Nhung là một tín đồ mua sắm, tuy nhiên, cô cho biết chỉ thực sự tin tưởng hàng hóa ở các trang web bán hàng trực tuyến uy tín của nước ngoài.
“Mình từng 3-4 lần mất niềm tin khi mua hàng qua mạng tại Việt Nam. Lúc chọn hình ảnh qua mạng rất lung linh, đảm bảo hàng chính hãng nhưng khi nhận được thì đó là hàng nhái. Từ đó mình hạn chế mua hàng online ở Việt Nam”, Nhung nói và khẳng định việc trực tiếp mua hàng online tại nước ngoài là vì chất lượng hàng hóa tốt hơn.
Các trang web mua hàng trực tuyến yêu thích của Nhung là Amazon và một số web mỹ phẩm chính hãng. Nhung cho biết, Amazon đã đáp ứng phần lớn hàng hóa thiết yếu với hệ thống giao diện tiện lợi, phục vụ chuyên nghiệp. “Tôi chưa bao giờ thất vọng với chất lượng hàng hóa khi nhận được, chính sách đổi trả, bán hàng không niêm yết giá của Amazon đang cực kỳ thu hút những người trẻ”, Nhung chia sẻ.
Làn sóng đặt hàng qua các trang web bán hàng online đang phổ biến trong một bộ phận 8X, 9X tại Việt Nam. Nhưng ngày càng nhiều người chọn các kênh bán hàng online ở nước ngoài do hai nguyên chính. Thứ nhất, hàng hóa của họ chất lượng tốt, phục vụ chuyên nghiệp, nhiều khuyến mại. Thứ hai, việc bán hàng online tại Việt Nam đã đánh mất lòng tin do trà trộn hàng giả, hàng nhái, khuyến mại ảo.
Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam, khẳng định: "Niềm tin của khách hàng chính là chìa khoá thành công trong ngành thương mại điện tử”.
CEO Lazada cho biết, người tiêu dùng muốn nhìn tận mắt và cảm nhận sản phẩm trước khi mua hàng. Đồng thời, những trải nghiệm trong quá trình sử dụng sản phẩm cũng rất quan trọng để đảm bảo sự hài lòng và tin tưởng việc mua sắm trực tuyến.
Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp phải tạo cho khách hàng sự hài lòng và niềm tin ở khách hàng. Đối với người tiêu dùng mua hàng tại Lazada, Alexandre Dardy cho biết khi họ phát hiện hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thông qua đường dây nóng tại TP HCM và Hà Nội, công ty sẽ trực tiếp đến tận nhà người tiêu dùng để lấy sản phẩm hoàn trả. Nhân viên giao hàng có nhiệm vụ giúp khách hàng mở và kiểm tra ngay tại nhà mà không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào.
Mặc dù thương mại điện tử tại Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong thời gian qua với sự xuất hiện của hàng loạt các doanh nghiệp trẻ: Sendo, Lazada, Adayroi, PTI, Zalorasong… song “định kiến mua hàng qua mạng” vẫn chưa thực sự được xóa bỏ.
Thương mại điện tử tại Việt Nam được ví như “miếng bánh ngon” và cuộc chiến giành thị phần ngày càng khốc liệt với sự tham gia của nhiều đại gia nước ngoài.