Vượt qua nhiều thách thức, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng vẫn hoàn thành được các chỉ tiêu trong năm 2017.
FPT Retail lên sàn: Kịch bản nguồn tiền
- Cập nhật : 14/12/2017
Nhiều nhất là 5 tháng nữa, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) sẽ lên sàn chứng khoán.
Nhiều nhất là 5 tháng nữa, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) sẽ lên sàn chứng khoán.Nguồn ảnh: Sơn Phạm
Tuy nhiên, tại buổi giới thiệu với nhà đầu tư vừa qua, Công ty không đưa ra nhiều thông tin về giá cổ phiếu mà chỉ công bố chiến lược phát triển đến năm 2020.
Bài toán mở rộng
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail, cho biết từ đây đến năm 2020, trung bình mỗi năm FPT Retail sẽ mở 100 cửa hàng, nâng tổng số lên 700 và dừng ở con số này. “Tiêu chí mở cửa hàng rất đơn giản: ở đâu cửa hàng của đối thủ có doanh thu trung bình 3 tỉ đồng/tháng, ở đó phải có FPT Shop”, bà Điệp nói.
Có thể thấy, trung bình một cửa hàng Thế Giới Di Động có doanh thu 2,7 tỉ đồng/tháng, FPT Shop bằng 70% doanh thu, tương đương 2,3 tỉ đồng/tháng. Do đó, nếu theo tiêu chí này, FPT Shop chắc chắn có lãi. Dĩ nhiên, mặt bằng không phải dễ kiếm và Công ty hiện đang gặp trục trặc về giá cả nhưng bà Điệp cho biết trong thời gian tới việc này sẽ được tập trung giải quyết. Song song đó, FPT Retail đầu tư mạnh vào các cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm Apple là F.Studio. Dự kiến sẽ đạt 100 cửa hàng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp này vào năm 2020.
Chỉ tính riêng mảng di động, giá trị thị trường Việt Nam vào khoảng 900 triệu USD, 40% số đó đến từ hàng xách tay. Ở Việt Nam, hiện chỉ có 15 cửa hàng đạt chuẩn Apple. Con số này ở Thái Lan, Indonesia, Singapore lần lượt là 364, 480 và 527.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, Apple đã mở văn phòng ở Việt Nam, bắt đầu áp dụng chính sách từ chối bảo hành hàng xách tay. Sắp tới, đơn vị còn triển khai các hoạt động quảng bá tiếp thị chính thức, đồng thời hỗ trợ chi phí cho các cửa hàng chuyên doanh Apple.
Trả lời câu hỏi F.Studio sẽ như thế nào nếu Apple mở cửa hàng chính thức ở Việt Nam? Ông Việt Anh cho rằng Apple sẽ không có cửa hàng nào ở Việt Nam trước năm 2022. Theo ông Việt Anh, thời gian từ lúc Apple mở cửa hàng APR (Apple Premium Reseller - cửa hàng kinh doanh sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple ở mức độ cao cấp nhất), đến lúc mở cửa hàng chính thức ở Singapore là 10 năm. Việt Nam có muốn cũng không thể rút ngắn được tiến độ, cho dù Apple chỉ mở ở các thành phố trung tâm, như vậy dư địa dành cho F.Studio còn rất lớn.
Bên cạnh đó, ông Việt Anh thừa nhận chiết khấu dành cho mỗi sản phẩm Apple rất thấp nhưng sẽ được bù vào số lượng do tính hấp dẫn của các mặt hàng này. Cuối cùng, FPT Retail sẽ đẩy mạnh mảng thương mại điện tử, giao hàng trong vòng 1 tiếng cho các đơn hàng trong phạm vi 10km. Doanh thu mảng này kỳ vọng sẽ đạt 3.000 tỉ đồng vào năm 2020, tương đương 15% tổng doanh thu.
Tiền cho tham vọng lớn
Mục tiêu tăng trưởng của FPT Retail trong 5 năm tới là doanh thu tăng 24%/năm, lợi nhuận 34%/năm; dự kiến năm 2020, FPT Retail đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt 25.000 và 650 tỉ đồng. Việc mở cửa hàng mới của FPT Retail gần như đã được dự đoán trước bởi trong ngành bán lẻ, quy mô lớn sẽ được nhiều ưu đãi từ các hãng và điều này đã được Thế Giới Di Động chứng minh. Mảng kinh doanh trực tuyến cũng không mới và thực chất để có được doanh thu kỳ vọng, chi phí quảng cáo cũng không thấp. Đó là chưa kể việc mua bán đồ công nghệ giá trị cao không phải là mặt hàng được mua bán thường xuyên trên mạng. Vậy đâu mới thực sự là nguồn tiền của FPT Retail?
Trước hết, FPT Retail đã ướm một chân vào ngành dược. Bà Điệp cho biết hiện bà đã đầu tư thử nghiệm vào chuỗi nhà thuốc Long Châu với tư cách cá nhân. Được thành lập vào năm 2007, Long Châu hiện có 7 cửa hàng và tập trung chủ yếu ở TP.HCM. Theo lộ trình, Long Châu sẽ bắt đầu đóng góp vào doanh thu của FPT Retail vào đầu năm 2019. Do đó, việc đầu tư thử nghiệm phải được hoàn tất trong năm 2018. Bà Điệp cho biết hiện tất cả các cửa hàng đều đang kinh doanh có lãi.
Nhưng một mình Long Châu không thể gánh được mục tiêu doanh tham vọng của FPT Retail từ đây đến năm 2020. Mặt khác, Long Châu được xem là khoản đầu tư dự phòng cho thương vụ F.Studio vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau năm 2022. Một phần câu trả lời là F-Friends. Đây là chương trình mua trả góp với đối tượng là nhân viên của các công ty. Một hình thức bán hàng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp và FPT là đơn vị hiếm hoi triển khai dịch vụ này trên thị trường.
Những người tham gia F-Friends sẽ được mua trả góp các sản phẩm, kể cả Apple với lãi suất 0% trong vòng 6 tháng tùy vào mức thu nhập. Hình thức thanh toán là trừ dần vào lương hằng tháng.
Bà Điệp cho biết, điểm mạnh của FPT Retail là vốn vay thấp. Công ty có nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất 3%/tháng trong 6 tháng cho gói này, cộng với dự phòng rủi ro 2%, mỗi sản phẩm bán ra theo chương trình này FPT Retail lãi gộp khoảng 10%. “Trung bình doanh thu mỗi cửa hàng FPT khoảng 2-3 tỉ đồng. Lãi gộp 10% nhưng phải chịu chi phí cửa hàng, nhân viên. Với F-Friends, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng thêm 1 tỉ đồng, lãi gộp thấp hơn nhưng không tốn chi phí đầu tư thêm”, bà nói.
Tuy nhiên, FPT Retail cần lượng vốn lưu động khá lớn. Bà Điệp cho biết Công ty sẽ tiếp tục huy động vốn để chuẩn bị cho chương trình này. Sau 3 tháng thử nghiệm, doanh thu từ F-Friends là hơn 40 tỉ đồng, góp 4% tổng doanh thu với tỉ lệ nợ xấu 0,4%. Hiện có hơn 180.000 thành viên tham gia. Bà cho biết khi đạt 2 triệu thành viên, F-Friends sẽ kinh doanh thêm các sản phẩm điện máy khác cũng với thời hạn trả góp và mức lãi suất tương tự
Nhipcaudautu.vn