Với một thương hiệu “mạnh” thì doanh nghiệp có được nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có thể tăng thị phần thong qua việc duy trì được khách hàng trung thành với thương hiệu và chiếm dần một phần khách hàng của đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, với một thương hiệu mạnh doanh nghiệp có thể đưa ra một chính sách giá cao hơn so với đối thủ cạnh tranh
Vani - Câu chuyện của Edmond Albius
- Cập nhật : 10/09/2015
(Tin kinh te)
Sáng tạo của một cậu bé nô lệ tạo nên lĩnh vực kinh doanh hàng trăm triệu đô la
Ở Ấn Độ Dương, 1.500 dặm về phía Đông châu Phi và 4.000 dặm về phía Tây Australia, có một hòn đảo mà người Bồ Đào Nha gọi là Santa Apolonia, người Anh gọi là Bourbon, còn người Pháp có một thời gọi là Île (đảo) Bonaparte. Hiện nay nó được gọi là Réunion. Tại một trong những thị trấn lâu đời nhất của Réunion, Sainte-Suzanne, có một bức tượng đồng. Tượng tạc một cậu bé nô lệ mồ côi châu Phi mười hai tuổi vào năm 1841, mặc quần áo như đi lễ nhà thờ, chân không giày dép, tay cầm một nhánh cây, tên là Edmond.
Thế giới chỉ có vài bức tượng trẻ em nô lệ châu Phi. Để biết tại sao Edmond đứng ở đây, trên hòn đảo cô độc giữa đại dương này, bàn tay cậu nắm giữ điều gì, chúng ta phải đi về hướng tây hàng nghìn dặm và ngược trở lại hàng trăm năm trước.
Tại vùng duyên hải Vịnh Mexico, người dân Papantla đã sấy khô hoa của một loài lan dạng dây leo và sử dụng nó làm gia vị từ hàng nghìn năm trước, theo như họ nhớ. Năm 1400, người Aztec xem nó như tài sản và gọi nó là "hoa đen". Năm 1519, người Tây Ban Nha đưa nó đến châu Âu và gọi nó là "quả đậu nhỏ" hay vainilla. Năm 1703 nhà thực vật học người Pháp Charles Plumier đổi tên nó thành "vanilla" (vani).
Vani khó trồng, là loại dây leo lớn thoạt nhìn như một loài lan, có thể sống hàng thế kỷ và phát triển mạnh, có khi phủ khắp hàng ngàn mét vuông hay leo cao cả hàng chục mét. Lan Hài (Lady’s slipper) được cho là cao nhất còn lan Hoàng hậu (Tiger) to nhất, nhưng so với vani thì chúng bé xíu. Trong hàng nghìn năm, hoa vani là một bí mật mà chỉ những người trồng mới biết. Nó không phải là màu đen như người Aztec nghĩ, mà là một ống xám nhạt nở mỗi năm một lần và tàn vào buổi sáng. Nếu bông hoa được thụ phấn, nó tạo ra một viên nang dài giống như quả đậu, màu xanh lá cây, phải mất 9 tháng mới chín và phải được hái đúng thời điểm thích hợp. Hái quá sớm thì quả quá nhỏ, còn quá muộn thì bị hỏng. Quả hái xong phải phơi nắng trong nhiều ngày cho đến khi ngừng chín, nhưng chúng vẫn chưa có mùi vani. Hương vị đó phát sinh trong quá trình ủ: ban ngày để trên chăn ngoài trời rồi đêm đến quấn lại cho đổ mồ hôi trong 2 tuần. Sau đó đậu được phơi khô trong bốn tháng và kết thúc với việc nắn thẳng bằng tay. Kết quả thu được những cọng đen ngời với giá tính theo gam như bạc vàng.
Vani rất quyến rũ người châu Âu: Anne, con gái của vua Philip III của Tây Ban Nha, uống nó trong sô cô la nóng; Nữ hoàng Elizabeth I của Anh ăn nó trong bánh pudding; Vua Henry IV của Pháp trừng phạt tội pha tạp chất nó; Thomas Jefferson phát hiện ra nó ở Paris và viết ra công thức đầu tiên cho kem vani của Mỹ. Nhưng không ai có thể trồng nó ngoài Mexico. Suốt ba trăm năm, dây leo này được đưa đến châu Âu nhưng không ra hoa. Chỉ mãi đến năm 1806 vani lần đầu tiên ra hoa trong một nhà kính ở London (Anh) và phải hơn ba chục năm sau, một cây ở Bỉ mới kết trái đầu tiên.
Mấu chốt là thứ gì đó thụ phấn cho hoa tự nhiên. Hoa nở ở London chỉ là tình cờ, trái ở Bỉ có được nhờ sự thụ phấn nhân tạo phức tạp. Phải đến tận cuối thế kỷ 19, Charles Darwin mới kết luận: chính một loài côn trùng ở Mexico thụ phấn cho cây vani. Và đến cuối thế kỷ 20, người ta mới xác định được côn trùng đó là loài ong xanh có tên khoa học là Euglossa viridissima. Không có tác nhân thụ phấn này, châu Âu gặp rắc rối. Nhu cầu vani ngày càng tăng nhưng Mexico chỉ sản xuất được một hoặc hai tấn mỗi năm. Châu Âu cần một nguồn cung khác. Tây Ban Nha kỳ vọng vani sẽ phát triển mạnh ở Philippines. Hà Lan trồng nó ở đảo Java (thuộc Indonesia). Anh mang nó đến Ấn Độ. Nhưng mọi nỗ lực đều không thành công.
Rồi Edmond xuất hiện. Cậu sinh ra ở Sainte-Suzanne năm 1829. Thời đó Réunion được gọi là Bourbon. Mẹ cậu, Mélise, chết trong khi sinh. Cậu không biết cha mình. Nô lệ không có họ, cậu chỉ đơn giản là “Edmond”. Khi Edmond được vài tuổi, người chủ Elvire Bellier-Beaumont, đã đem cho người anh Ferréol ở gần Belle-Vue. Ferréol sở hữu một trang trại trồng trọt. Edmond lớn lên cùng với trang trại của Ferréol Bellier-Beaumont, học về các loại cây trái, rau quả và hoa, trong đó có một thứ lạ lùng - một cây vani mà Ferréol trồng từ năm 1822.
Người Pháp đã cố gắng trồng cây này ở Réunion từ năm 1819. Sau một vài lần thất bại, cuối cùng còn sống được một trăm cây. Nhưng cũng như vani ở những thuộc địa khác, các cây lan này hiếm ra hoa và không hề kết trái. Vani của Ferréol cũng không ngoại lệ.
Vào một buổi sáng cuối năm 1841, khi mùa xuân đến ở Nam bán cầu, Ferréol theo lệ thường đi kiểm tra trang trại cùng Edmond và rất ngạc nhiên khi thấy hai quả xanh trên cây vani. Cái cây cằn cỗi hai mươi năm qua giờ đã kết trái. Sau đó ông càng ngạc nhiên khi nghe cậu bé Edmond mười hai tuổi nói chính mình đã thụ phấn cho cây. Cho đến ngày nay vẫn có người ở Réunion không tin điều đó. Có vẻ như đối với họ, một đứa trẻ nô lệ, nhất là một người châu Phi, không thể nào giải quyết được vấn đề mà châu Âu mất hàng trăm năm không giải quyết được.
Thoạt đầu Ferréol cũng không tin cậu bé. Nhưng khi thấy trái xuất hiện nhiều hơn, ông yêu cầu Edmond làm cho mình xem. Edmond kéo hoa vani và dùng tăm tre để nâng phần ngăn việc tự thụ phấn, nhẹ nhàng kẹp bao phấn chứa phấn hoa và nhụy hoa lại với nhau. Ngày nay, người Pháp gọi việc này là “động tác của Edmond” (le geste d’Edmond). Ferréol gọi các chủ trang trại khác lại giới thiệu, và thế là Edmond đi khắp đảo dạy các nô lệ khác cách thụ phấn cho hoa vani. Sau 7 năm, sản lượng vani hàng năm của Réunion đạt 45 kg quả khô. Sau 10 năm, được 2 tấn. Đến cuối thế kỷ, được 200 tấn, vượt qua sản lượng của Mexico.
Ferréol giải phóng Edmond vào tháng 6 năm 1848. Sáu tháng sau hầu hết nô lệ ở Réunion cũng được giải phóng. Edmond lấy họ là Albius, từ Latin có nghĩa là "trắng hơn". Một số người cho rằng đây là một lời khen, một số người khác thì lại nghĩ rằng đó là một sự lăng mạ. Dù ý gì thì kết cục cũng không được tốt đẹp. Edmond rời trang trại về thành phố rồi bị bỏ tù vì tội trộm cắp. Ferréol đã không thể ngăn việc giam giữ nhưng thành công trong việc phóng thích Edmond sau ba năm thay vì năm năm. Edmond chết năm 1880 ở tuổi 51. Một mẩu tin nhỏ trên một tờ báo Réunion, Le Moniteur, mô tả đó là một kết cục "nghèo khó".
Sáng tạo của Edmond lan truyền đến Mauritius, Seychelles và một hòn đảo lớn nằm ở phía tây Réunion, Madagascar. Madagascar có môi trường hoàn hảo cho vani. Đến thế kỷ 20, nơi này sản xuất phần lớn vani cho thế giới, thu hoạch hàng năm cả trăm triệu USD.
Ngày nay vani là gia vị phổ biến nhất trên thế giới và đắt thứ hai sau nghệ tây (Saffron). Hơn một phần ba kem của thế giới dùng hương vị gốc của Jefferson, vani. Vani cũng là hương vị chính trong Coke, sản phẩm của hãng tiêu thụ vani lớn nhất thế giới, Coca-Cola. Các loại nước hoa nổi tiếng Chanel No. 5, Opium và Angel sử dụng loại vani hảo hạng có giá hơn 20.000 USD/kg. Hầu hết sô-cô-la đều có vani. Nhiều loại mỹ phẩm và nến cũng vậy. Năm 1841, vào ngày mà Edmond trình diễn cho Ferréol, thế giới sản xuất chưa đến 2.000 quả vani, tất cả đều ở Mexico, với việc thụ phấn hoàn toàn nhờ ong. Năm 2010, thế giới sản xuất được hơn 5 triệu quả vani mỗi ngày, ở các nước như Indonesia, Trung Quốc và Kenya. Gần toàn bộ sản lượng này, kể cả những cây trồng ở Mexico, đều nhờ vào “động tác Edmond”.