Henry Ford hay Steve Jobs được đánh giá là những người có sức hút trong giới kinh doanh, không chỉ bởi quyền lực, mà còn là tầm ảnh hưởng lên thế giới.
Truyền thông xã hội gia tăng giá trị doanh nghiệp
- Cập nhật : 26/08/2017
Mạng xã hội làm gia tăng doanh số bán hàng, góp phần làm thay đổi nhận diện thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp.
Ông Hùng Võ, Phó tổng giám đốc tiếp thị, Công ty Biti’s Việt Nam chia sẻ rằng, Biti’s nổi lên với sản phẩm Biti’s Hunter gắn liền với tên tuổi của những người trẻ tuổi nổi tiếng như: Soobin Hoàng Sơn, Sơn Tùng MTP. Thông điệp đầu tiên mà Biti’s nghĩ đến chính là “trở về nhà” và làm sao để có thể truyền tải thông điệp này đến với mọi người.
Một khảo cứu cho thấy, trong năm 2016 có tới 87.000 cuộc trò chuyện nói về chuyện đi hay trở về nhà, bàn về việc Tết sao không trở về nhà. Những người thường xuyên đi là những người muốn trở về lại nhà nhất. Do đó, công ty đã quyết định chọn thông điệp "Đi để trở về". Và âm nhạc được lựa chọn để làm công cụ truyền tải thông điệp, tránh áp đặt, dễ đi vào lòng người. Bối cảnh cổ trang được chọn để làm nổi bật sản phẩm. Chỉ trong 48 tiếng đầu tiên, “Lạc trôi” đạt tới 7 triệu views trên Youtube. Trong vòng 7 ngày, các đôi giày ca sĩ này “diện” trong clip đã được bán hết.
Tương tự, câu chuyện của ông Bùi Ngọc Anh, Chủ tịch VietstarFood cũng chia sẻ về sức mạnh truyền thông kỹ thuật số. Truyền thông xã hội lan tỏa không chỉ làm gia tăng doanh số bán hàng nhanh chóng, mà còn tạo nên hiệu ứng xã hội bất ngờ, định vị thương hiệu doanh nghiệp trong lòng người tiêu dùng một cách mạnh mẽ.
Theo phân tích của các chuyên gia, những chiến dịch quảng bá hình ảnh của Pond’s, Điện máy xanh, Vodka Cá sấu... đang là điển hình của phương pháp tiếp thị sản phẩm mới thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Hiện nay, Facebook trở thành nơi các video lan tỏa mạnh mẽ hơn các phương tiện quảng bá truyền thống như báo in, truyền hình, phát thanh, thậm chí “vượt mặt” cả Youtube vốn được coi là thống lĩnh.
Một nghiên cứu khác cho thấy, xu hướng tiếp thị mới thường liên quan đến người nổi tiếng. Khách hàng ngày càng trở nên nghi ngờ đối với quảng cáo, 47% khách hàng trực tuyến sử dụng adblocker, 65% người tiêu dùng tin tưởng vào những người nổi tiếng hơn.
Một xu hướng khác là sự gia tăng những người nổi tiếng trên mạng xã hội, thường có khoảng 1.000 - 100.000 người theo dõi, họ có ảnh hưởng nhiều khi có kiến thức rộng, nổi tiếng trong lĩnh vực của họ và có đam mê thực sự với những thứ họ làm.
Những công ty thời trang, mỹ phẩm đều muốn gia tăng ảnh hưởng trên instagram, 93% người được khảo sát nói đây là nền tảng tốt nhất để kết nối thương hiệu với người tiêu dùng. Ngoài ra, xu hướng chatbot - công cụ nhắn tin trên Facebook, Zalo, Wechat... cũng ngày càng phổ biến khi có thể trả lời các câu hỏi tại tất cả các thời điểm của người tiêu dùng, nên thậm chí có thể là nhân tố quan trọng trong quyết định mua hàng.
Thực tế, nhiều công ty hiện vẫn đang chi rất nhiều tiền vào kênh truyền thống như tivi, báo chí, quảng cáo ngoài trời... với chi phí rất đắt đỏ, trong khi quảng bá truyền bá online lại đem đến hiệu quả bất ngờ nhưng dễ dàng bị bỏ qua. Nhìn vào khảo sát của Nielsen, thấy người tiêu dùng không phân biệt cách mua bán online hay offline, miễn sao phù hợp và thuận tiện.
Vì vậy, để xây dựng thương hiệu, DN cần xây dựng hệ thống mà ở đó, người mua chỉ trả tiền cho người bán khi hài lòng; tập trung vào việc giao hàng cho hiệu quả. Thay vì trả nhiều tiền cho kiểu quảng bá truyền thống, DN đầu tư nhiều hơn vào truyền thông xã hội, quảng cáo truyền miệng, tức là chất lượng phải đảm bảo, phù hợp với thị hiếu người dùng.
Khi đó, doanh số bán hàng và lợi nhuận thu về có thể tăng gấp 3 lần, trong khi chi phí chỉ chiếm một phần nhỏ so đối thủ cạnh tranh không dùng những phương thức tiếp cận mới của thời đại kỹ thuật số.
Thanh Tuyết
Theo Thời Báo Ngân Hàng