tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Làm ăn với người Nhật: Nghiêm túc tới mức 'khó chịu', cẩn trọng từng chút một và vô cùng tập trung

  • Cập nhật : 28/05/2018

Các doanh nhân Nhật Bản là những người cẩn thận, tỉ mỉ, và tranh thủ thời gian từng chút một.

lam an voi nguoi nhat: nghiem tuc toi muc "kho chiu", can trong tung chut mot va vo cung tap trung

Làm ăn với người Nhật: Nghiêm túc tới mức "khó chịu", cẩn trọng từng chút một và vô cùng tập trung

Cách đây 4 năm, tôi may mắn được một lần làm việc trong khoảng 2 tuần với một đội doanh nhân người Nhật. Lý do họ mời tôi tham gia dạy cho đội doanh nhân từ Nhật sang là tôi từng được đào tạo chuyên về giảng dạy tiếng Anh và tôi có kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường.

Như một điều mặc định thông thường thì người Nhật vốn kém tiếng Anh do truyền thống văn hóa của họ và lớp này cũng không phải là ngoại lệ. Những kinh nghiệm từ lần giảng dạy đó, có lẽ tới cuối đời tôi không bao giờ quên.

1. Bất kể khác nhau ra sao về hình dáng, phong cách, có người như tay chơi, có người rất “Nho giáo” nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng hễ vào lớp là họ giống nhau. Tập trung vô cùng và không hề lơ là chút nào trong bài học.

2. Dù trình độ tiếng Anh khác xa nhau, có người tôi thấy còn nhỉnh hơn tôi, sau này mới phát hiện ra là đã từng ở Anh tới 4 năm. Có người thì chỉ nhàng nhàng bằng C Streamline như hồi tôi học lớp 9 phổ thông. Thế nhưng, đã học là họ làm cẩn thận, chút một chứ không bao giờ có thái độ kiểu “cái này tôi biết rồi”.

3. Họ nghiêm túc tới mức “khó chịu”. Tôi giao bài tập về nhà, nếu hôm sau không sửa mà vào ngay bài mới, thì kiểu gì cả lớp cũng sẽ nhắc và làm cho xong thì thôi, chứ không bao giờ cho qua.

4. Họ cẩn trọng chút một trong giao tiếp. Ngay hôm đầu tiên học xong, họ đi ăn tối. Trước khi vào ăn, họ trao card cho nhau. Chúng tôi vào quán đúng nửa tiếng vẫn thấy họ ở ngoài đó. Ra gọi vào vẫn thấy mọi người đang cúi gập người trao card cho nhau. Hỏi trưởng đoàn mới biết ở nước họ có những lớp chuyên dạy chỉ một động tác trao card cho nhau làm sao cho lịch sự và thể hiện đúng tinh thần doanh nhân.

5. Họ tranh thủ thời gian chút một. Có nhiêu buổi, tôi nhìn mặt biết họ mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng đi học. Hỏi cậu phiên dịch tiếng Nhật mới biết, tối hôm trước họ được nghỉ xả hơi đi sàn nhảy, tới gần 2h sáng mới về khách sạn.

Dù về muộn và mệt, họ vẫn ngồi vào bàn viết 2 báo cáo, một cho sếp ở công ty, một báo cáo để đóng góp cho nhà nước. Người Nhật có một hệ thống tập hợp mọi thông tin của tất cả những người đi ra nước ngoài nói về trải nghiệm thực tế. Thông tin đó được chia sẻ công khai và hoàn toàn thành thật.

6. Họ đề cao tiết kiệm và tranh thủ chút một những kiến thức có thể có được từ những người khác. Thực chất khóa học theo tôi hiểu sau này là dịp để họ khai thác thêm thông tin về thị trường sở tại, hiểu cách suy nghĩ của doanh nhân Việt chứ không đơn thuần là học tiếng Anh. Đó là lý do họ chọn tôi chứ khong phải là các giáo viên dạy ngoại ngữ chuyên nghiệp khác.

Cứ tới lúc đặt câu hỏi là họ hỏi kỹ xem tại Việt Nam, tỷ lệ lãi ngân hàng là bao nhiêu khi cần vay để đầu tư mua nhà? Thu nhập trung bình khoảng bao nhiêu? Nếu mở công ty dạng như của họ thì thị trường có tiềm năng không? Rồi các luật bất thành văn trong kinh doanh? Các thủ tục ở Việt Nam không có ở Nhật? Người dân nếu đi xe thì thường đi xe gì?...

7. Họ khiêm tốn, luôn tự coi mình là kém phải học hỏi nhiều hơn, và chỉ coi thường những kẻ không khiêm tốn. Ngày kết thúc khóa học, đứng trước họ tôi nói: “Tôi tới đây dạy tiếng Anh cho các doanh nhân, nhưng tôi lại phát hiện ra mình học được nhiều hơn từ các bạn, tôi xin chân thành cảm ơn các bạn và mong có cơ hội để gặp và học các bạn trong tương lai!”. Chả nói một câu nào, cả lớp đứng phắt dậy như "điện giật", và cả đội cúi gập xuống đáp lễ tôi. Báo hại làm tôi lại phải làm y hệt, gật như bổ củi cũng phải tới 2 phút sau đó.

 

Theo Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt
Nhịp Sống Kinh tế, CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục