Để đạt được sự đơn giản nhưng cuốn hút, logo của nhiều thương hiệu nổi tiếng đã trải qua quá trình biến đổi ngoạn mục theo thời gian.
Cuộc chiến doanh nghiệp gia đình: Quyền lực hòa giải của các bà mẹ
- Cập nhật : 02/07/2017
Khi các doanh nghiệp gia đình rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn, ít có ai có đủ quyền lực hòa giải như các bậc mẫu thân.
Vào hôm thứ Năm vừa qua, đương kim chủ tịch Lotte Group là ông Shin Dong-bin, đã gặp gỡ anh trai mình là Shin Dong-joo, cựu Phó Chủ tịch Lotte Holdings. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa 2 anh em nhà Shin trong vòng 2 năm qua, sau một cuộc đấu đá quyết liệt nhằm tranh giành quyền kiểm soát tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc.
Điều gì đã khiến họ ngồi lại với nhau? Như những đứa trẻ ngoan, họ quyết định lắng nghe mẹ mình. Và mặc dù 2 anh em không đạt được thoả thuận, họ đã thừa nhận rằng "cần phải hòa giải."
Đó là một sự khởi đầu tốt, nhất là nếu anh em nhà Shin muốn thực tâm cứu vãn tập đoàn Lotte, vốn đã rơi vào tình trạng rối loạn sau khi ông anh Dong-joo nắm quyền kiểm soát, lật đổ người cha Shin Kyuk-ho và sa thải em trai Dong-bin. Gia đình này cũng phải đối mặt với các cáo buộc về hành vi biển thủ, và bị cuốn vào vụ bê bối hối lộ đã dẫn đến việc truất phế cựu tổng thống Park Geun-Hye.
Tuy thế, thay vì cố gắng hợp tác, xem ra 2 anh em này đang muốn chia đôi tập đoàn. Bằng cách đó, mỗi người đều có được một phần của đế chế mà cha mình đã gầy dựng mà không phải hợp tác với nhau.
Lotte Group hiện đã bắt đầu chia tách thành những công ty đại chúng khác nhau như Lotte Shopping, Lotte Chemical và Lotte Confectionery. Dù Lotte đã hủy bỏ vụ IPO có trị giá tiềm năng 4,5 tỷ USD của đơn vị chuyên kinh doanh khách sạn, việc chia tách đế chế này thành nhiều phần nhỏ sẽ giúp việc phân chia gia tài giữa 2 anh em nhà Shin trở nên dễ dàng hơn.
Bài học từ Ấn Độ
Một thập kỷ trước, gia tộc tỷ phú hàng đầu Ấn Độ là nhà Ambani cũng có một cuộc chiến đầy gay gắt, sau khi người cha Dhirubhai Ambani qua đời mà không để lại di chúc, dẫn tới cuộc chiến giữa 2 anh em Mukesh và Anil Ambani để tranh giành quyền kiểm soát tập đoàn Reliance Industries. May mắn thay, bà mẹ Kokilaben Ambani đã đứng ra làm trung gian hòa giải thành công.
Theo đó, Mukesh và Anil chia tập đoàn này làm 2: người anh Mukesh tiếp quản nhà máy lọc hóa dầu và bộ phận kinh doanh dầu khí, còn người em Anil tiếp quản các công ty điện và viễn thông. Anh em nhà Ambani cũng ký thỏa thuận không cạnh tranh với nhau trong vòng 5 năm. Từ đó, giá cổ phiếu các công ty của họ tăng mạnh: Công ty Reliance Industries của Mukesh đã tăng giá cổ phiếu từ khoảng 160 rupee trong năm 2005 lên mức cao nhất mọi thời đại là 1.649 rupee trong năm 2008.
Tuy nhiên, xem ra một cuộc chiến mới lại chuẩn bị khơi ngòi. Công ty của Anil Ambani đang ngập trong nợ nần, hiệp ước không cạnh tranh đã chấm dứt, và công ty viễn thông của Mukesh đang lấn vào sân của em trai.
Kinh nghiệm từ nước Đức
Chiến lược chia tách lãnh thổ tỏ ra có hiệu quả hơn trong trường hợp của chuỗi siêu thị Đức Aldi.
Hai anh em Karl và Theo Albrecht đã thành lập chuỗi cửa hàng này vào năm 1946 sau khi tiếp quản cửa hàng tạp hóa của mẹ minh, và sau đó đã tách thành 2 công ty riêng biệt vào năm 1960, sau một cuộc tranh cãi về việc có nên bán thuốc lá hay không. Họ đã chấp nhận chia đôi thị trường Đức, tạo ra 2 công ty Aldi Nord (chuyên phục vụ phía Bắc) và Aldi Sud (Nam).
Cả 2 hệ thống Aldi này đã mở rộng ra toàn cầu một cách thành công, làm đau đầu các chuỗi siêu thị lớn khác. 2 anh em nhà Albrecht đều trở thành tỷ phú, trước khi lần lượt qua đời vào năm 2010 và 2012. Cả hai đều rất khôn ngoan: ngay từ đầu họ đã sử dụng các nhà quản lý chuyên nghiệp chứ không phải người thân để ngăn chặn các vụ tranh chấp gia đình tiềm ẩn.
Có lẽ Lotte nên làm theo cách này. Thay vì cố lật đổ em trai của mình nhằm chiếm trọn doanh nghiệp, người anh Shin Dong-joo nên xuống nước. Về phần mình, Shin Dong-bin nên chia sẻ lại một mảng kinh doanh cho anh trai mình điều hành. Và cả hai anh em đều nên nhớ lại lời khuyên muôn đời: hãy nghe lời mẹ của mình.
Bá Ước
Theo Nhipcaudautu.vn