Gần đây, khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc thuê ngoài dịch vụ luật sư thay vì vận hành một bộ phận pháp chế tại doanh nghiệp. Vậy đâu là giải pháp?
Bí quyết vượt qua vòng phỏng vấn ở các công ty lớn
- Cập nhật : 28/08/2015
(Tin kinh te)
Để vượt qua được vòng phỏng vấn của những doanh nghiệp lớn như Unilever, AIG và Ernst & Young, bạn không những phải có sự chuẩn bị kỹ càng mà còn phải có khả năng ứng biến với nhiều câu hỏi bất ngờ.
Đối với những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn, việc tuyển dụng một nhân sự thường diễn ra rất khắt khe. Thông thường mỗi một ứng viên sẽ phải trải qua 3 vòng chung: xét tuyển CV, làm bài test (đối với một số vị trí cần nghiệp vụ chuyên môn cao) và phỏng vấn.
Trong một thời đại chia sẻ và các doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, các câu hỏi và mô típ trả lời quen thuộc sẽ nhanh chóng bị loại bỏ vì nhàm chán – điều này đúng đối với cả nhà tuyển dụng và với ứng viên có cá tính.
Bà Mai Thúy Hằng – Trưởng ban phát triển nhân sự nguồn của Navigos Search khuyên, các ứng viên nên kể kinh nghiệm của mình thông qua những câu chuyện, thay vì trả lời về thành tích của mình ở vòng phỏng vấn. Khi mọi thứ được diễn đạt qua những câu chuyện nhỏ, công việc, kinh nghiệm của bạn sẽ trở nên thuyết phục và tạo hứng thú hơn đối với nhà phỏng vấn.
"Biết rõ mình muốn gì khi trả lời phỏng vấn" – là lời khuyên của bà Cồ Thị Hoa – Trưởng ban nhân sự tập đoàn Vingroup. Bà Hoa cho biết, khi phỏng vấn, bà không quá quan trọng rằng bạn đã làm được những gì trong quá khứ. Thay vào đó, bà quan tâm hơn tới việc ứng viên muốn đạt được gì ở vị trí mới nếu được nhận.
“Tại sao một người lại chuyển tới một công ty khác để làm cùng một công việc như thế, cái họ muốn là gì? Tiền hay muốn gì khác? Quan trọng là ứng viên phải thể hiện được mong muốn phát triển nghề nghiệp, có mục tiêu rõ ràng và quyết tâm thực hiện nó” – bà Hoa đánh giá.
Sau đây là những gì mà các nhà tuyển dụng lớn cần để chuyển một “ứng viên tiềm năng” thành một “nhân viên mà công ty thật sự cần”.
Unilever
Chia sẻ về kinh nghiệm tuyển dụng, ông Lê Gia Thăng thuộc Unilever Việt Nam cho biết, sau vòng xét hồ sơ, làm bài test (tùy vị trí), mỗi ứng viên thường phải trải qua ít nhất 3 vòng phỏng vấn với phòng nhân sự, quản lý đơn vị muốn tuyển và quản lý ở cấp cao hơn.
Trong đó, các câu hỏi phỏng vấn thường sẽ tập trung 3 vấn đề chính: "Can do?", "Will do?", và "Will fit?".
Trong đó, “Can do?” là để xem ứng viên có khả năng bắt nhịp tốt được với yêu cầu công việc hay không. “Will do?” để xác định “motivation” – động lực làm việc của ứng viên (có rất nhiều ứng viên có khả năng, kỹ năng tốt nhưng lại không hoàn toàn muốn cống hiến hết mình cho công việc, một số người muốn dành thời gian lo cho gia đình hoặc những công việc khác của bản thân). “Will fit?” để xem ứng viên có thật sự phù hợp với vị trí công việc hay không (ví dụ như với một công việc đòi hỏi phải làm việc ở Bình Dương nhưng ứng viên lại chỉ muốn làm việc ở Hà Nội hoặc TP.HCM thì chắc chắn sẽ không phù hợp).
Ernst & Young
Một Kiểm toán viên của Ernst & Young (E&Y) cho biết, với lượng nhân sự tuyển mới hàng năm của công ty khoảng từ 20 - 40 người, Ernst & Young đòi hỏi khắt khe khâu đầu vào, bởi vì khách hàng của Ernst & Young đều là những tập đoàn, ngân hàng lớn.
Quy trình tuyển dụng của E&Y thường gồm 3 vòng: vòng 1 để lọc hồ sơ và tìm những ứng viên có tố chất, vòng 2 là phần làm bài test kiểm tra khả năng tiếng Anh, logic, viết luận và vòng 3 là phỏng vấn cùng bộ phận nhân sự và quản lý cấp cao.
Trong đó, nếu như vòng lọc CV xét toàn diện các yếu tố điểm số, thành tích học tập, hoạt động xã hội, kinh nghiệm làm việc… thì tới vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng E&Y sẽ đánh giá các ứng viên nhiều về khả năng xử lý tình huống.
Những câu hỏi tình huống bất ngờ sẽ được đưa ra để xem ứng viên xử lý thế nào, có tốt và hợp lý hay không. Được biết, các câu hỏi tình huống như thế này không có khuôn mẫu và ít khi lặp lại để phân tích khả năng ứng biến của ứng viên.
Tuy nhiên, bí quyết ở đây là muốn làm kiểm toán viên, bạn phải tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực. Đây sẽ là chìa khóa giúp bạn tạo được ấn tượng với 1 trong nhóm 4 “ông lớn” của thị trường kiểm toán (Big Four).
Do công việc của kiểm toán có đặc tính là “team work” (làm việc theo nhóm), một nhân viên kiểm toán được đánh giá cao là người làm việc hết trách nhiệm, hoàn thành công việc đúng hạn và đúng chuẩn mực của kiểm toán viên, đúng với chất lượng thương hiệu của hãng.
AIG
Không tiết lộ nhiều về quy trình phỏng vấn, bà Võ Thị Bích Ngọc – Chuyên viên nhân sự AIG Việt Nam (thuộc tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG) cho biết, các ứng viên sẽ trải qua 3 vòng phỏng vấn nhân sự sau khi hồ sơ được xét tuyển.
Trong quá trình phỏng vấn, các nhà tuyển dụng AIG sẽ đánh giá cao nếu ứng viên thể hiện được kỹ năng quản lý công việc và 3 yếu tố quan trọng nhất: năng động, tinh thần trách nhiệm cao và khả năng làm việc nhóm.