Ngành bán lẻ dược phẩm là mục tiêu tiếp theo của Thế Giới Di Động (MWG). Phúc An Khang là đích ngắm M&A đầu tiên trong tham vọng này.
Tỷ phú Jack Ma tham vọng 'định hình lại' ngành bán lẻ Trung Quốc
- Cập nhật : 09/11/2017
Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc đang nhắm tới 6 triệu cửa hàng nhỏ lẻ tại Trung Quốc với mục tiêu "định hình lại" ngành bán lẻ truyền thống tại Trung Quốc...\
Gã khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma đang thử nghiệm chiến lược mới và thử nghiệm vào ngày lễ mua sắm trực tuyến - còn gọi là ngày Độc thân 11/11 - lớn nhất tại Trung Quốc.
Theo CNBC, kết nối cửa hàng tiện lợi thân thiện gần nhà với Internet là chiến lược mới nhất của Alibaba nhằm thực hiện tham vọng "định hình lại" thị trường bán lẻ truyền thống trị giá 4.000 tỷ USD của Trung Quốc.
Chiến lược này cũng nhằm tiếp thêm sức mạnh cho mảng kinh doanh thương mại điện tử đã phát triển lớn mạnh của gã khổng lồ này. Ý tưởng kết nối thế giới thực và thế giới ảo sẽ giúp thu hút thêm khách hàng lên các sàn thương mại điện tử của Alibaba, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến và thu thập thêm nhiều dữ liệu mua sắm giá trị.
Theo chiến lược này, chuẩn bị cho ngày lễ mua sắm Độc thân 11/11, Alibaba đã lọc ra 10% cửa hàng tiện lợi tại Trung Quốc - khoảng 600.000, để "săn" hàng và nhận hàng chuyển tới cho khách hàng trên khắp cả nước.
Đội ngũ của Alibaba đã gấp rút giúp các cửa hàng này nâng cấp hệ thống để theo dõi tồn kho tốt hơn. Những cửa hàng nhỏ lẻ này, nằm ở các vị trí đắc địa của thành phố, sẽ trở thành trung tâm giao vận và lưu trữ hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử của Alibaba.
"Với chiến lược bán lẻ này, Trung Quốc đang thực sự đi tiên phong" thay vì chỉ sao chép lại mô hình từ nước ngoài, John Choi, nhà phân tích tại Daiwa Securities Group Inc. có trụ sở tại Hồng Kông nhận định. "Ngày lễ Độc thân là cơ hội tốt để thử nghiệm chiến lược mới này và cho khách hàng thấy trực tuyến và ngoại tuyến có thể kết hợp như thế nào".
Để chuẩn bị cho sự kiện này, chủ các cửa hàng tiện lợi bắt đầu dùng một ứng dụng di động có tên Ling Shou Tong (nghĩa là "kết nối bán lẻ") để nhập hàng theo gợi ý về các danh mục bán chạy. Hàng sẽ được chuyển thẳng tới đây từ các nhà kho chuyên dụng của Alibaba, bỏ qua khâu trung gian. Về lý thuyết thì mô hình này sẽ giúp tăng lợi nhuận của các cửa hàng bán lẻ.
Alibaba cung cấp hệ thống này miễn phí, nhưng đổi lại sẽ thu thập dữ liệu về những mặt hàng nhiều người mua, thúc đẩy doanh số của các nhãn hàng đang bán trực tuyến, đồng thời sử dụng các cửa hàng này như một trung tâm giao vận và lưu trữ hàng hóa.
Trong một chương trình khác, gã khổng lồ này cũng chuyển đổi 100.000 cửa hàng bán lẻ thành các cửa hàng thông minh và đã thu hút được 1.000 thương hiệu lớn từ Levis cho đến L’Oreal. Nếu một nơi thiếu hàng bán, khách hàng có thể kiểm tra tại các cửa hàng khác. Họ cũng có thể đặt giao hàng về tận nhà.
Hiện kế hoạch này mới đang trong giai đoạn bước đầu, nhưng nếu thành công, Alibaba có thể sẽ "qua mặt" gã khổng lồ Amazon trong phân khúc bán lẻ truyền thống. Công ty của Jack Ma đã chi hàng tỷ USD để mua các cửa hàng thực phẩm, trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa nhiều năm trước khi Amazon tuyên bố mua lại Whole Foods Market Inc. với giá 13,7 tỷ USD mới đây.
Đến nay, Alibaba đã bắt đầu "hái quả" khi doanh thu từ mảng bán lẻ truyền thống - chủ yếu từ siêu thị Hema và bác hóa Intime - đã tăng gấp 5 lần trong quý 3/2017. Đối với cửa hàng tiện lợi, hãng này đang nhượng quyền mô hình Hema kết hợp với siêu thị, nhà hàng và trung tâm lưu trữ tại cùng một điểm dựa trên nền tảng công nghệ.
"Các công ty thương mại điện tử hàng đầu đang nhanh chóng mở rộng độ bao phủ của mình từ trực tuyến sang ngoại tuyến. Tương tác giữa các sàn thương mại điện từ và cửa hàng truyền thống sẽ tạo ra hiệu ứng lớn trong ngày 11/11", nhóm phân tích của ICBC International Research cho biết trong một báo cáo mới đây.
Năm ngoái, ngày này mang về doanh Alibaba doanh thu kỷ lục 17,79 tỷ USD. Năm nay, hãng này được dự báo sẽ thu về 24 tỷ USD, vượt qua cả ngày Black Friday và Cyber Monday đình đám tại Mỹ và châu Âu.
Ngày lễ Độc thân 11/11 trở thành cái cớ để thu hút khách hàng mua sắm khi Alibaba bắt đầu tung đợt khuyến mại khủng trên các trang thương mại điện tử của mình vào năm 2009, tiếp đó là sự vào cuộc của nhiều trang bán hàng khác từ JD.com Inc. cho đến VipShop Holdings Ltd.
Theo Ngọc Trang
VnEconomy