Giá bất động sản “nóng” đẩy giá cho thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh ở một số nơi tăng, "ăn" hết vào lợi nhuận, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Nỗi buồn ngành bia: Mạnh tay chi đậm cho quảng cáo để lấy thị phần, doanh thu tăng vọt nhưng lợi nhuận giảm sút
- Cập nhật : 07/11/2017
Cả 2 doanh nghiệp đầu ngành bia là Sabeco và Habeco đều tích cực đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị, tuy nhiên kết quả kinh doanh chưa đạt mức tăng trưởng như mong muốn.
Theo báo cáo, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tiêu thụ bia tăng trưởng mạnh trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2014 với mức tăng trưởng 8,4% trên đầu người, xếp thứ 11 trên thế giới.
Theo thống kê trong nước, hiện Sabeco và Habeco đang thống lĩnh thị trường ngành bia, nắm giữ trên 50% thị phần bia trong cả nước. Đây cũng là 2 doanh ngiệp đầu ngành, Sabeco chiếm lĩnh thị trường miền Nam còn Habeco đang thống lĩnh thị trường bia miền Bắc.
Sabeco - Quý 3/2017 doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm sút
Kết quả kinh doanh quý 3/2017 của Sabeco, doanh thu thuần đạt 8.055 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với quý 3/2016. Trong khi đó, giá vốn tăng mạnh hơn, cộng với việc doanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh 65%, xuống còn hơn 134 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động của các công ty liên doanh liên kết mang lại cho Sabeco 83 tỷ đồng, tăng hơn 81 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, riêng quý 3 Sabeco lãi sau thuế 1.152 tỷ đồng, giảm 10% so với quý 3/2016.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 Sabeco lãi sau thuế 3.718 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành 83% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Hiện trên thị trường, cổ phiếu SAB đang tăng mạnh sau gần 1 năm đưa cổ phiếu lên sàn. SAB đã xác lập đỉnh mới ở mức giá 290.000 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 9/2017 Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) – một quỹ mở trực thuộc quản lý của Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF) đang sở hữu 15.970 cổ phiếu SAB của Sabeco. Đây cũng là cổ phiếu ngành bia duy nhất trong danh mục 34 cổ phiếu đầu tư của BVF thời điểm đó. Giá trị số cổ phiếu này đến 30/9/2017 là 4,15 tỷ đồng, tương ứng mức giá 260.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị này đã được tăng 10% vào ngày 31/10/2017 vừa qua, tương ứng mức giá 285.600 đồng trên mỗi cổ phiếu.
Habeco - Quý 3 cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút
Tổng công ty Bia Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco – BHN) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017 với doanh thu hợp nhất đạt 2.977 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm sâu đến 27% so với quý 3 năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 Habeco đạt 7.203 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận sau thuế thu về 631 tỷ đồng, giảm đến 16% so với cùng kỳ. Nguyên nhân lợi nhuận giảm sút, phần lớn do chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí quảng cáo tiếp thị.
Sau khi tăng mạnh lên vùng giá 138.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 10 vừa qua, nay BHN đã giảm về vùng giá 107.000 đồng/cổ phiếu.
Cả Sabeco và Habeco đều đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị
Quý 3 năm nay Habeco mạnh tay chi cho quảng cáo, tiếp thị, tăng 11 tỷ đồng so với cùng kỳ, nâng tổng chi phí quảng cáo, tiếp thị 9 tháng đầu năm lên 327 tỷ đồng, tăng đến 60% so với cùng kỳ.
Đây cũng là tình trạng chung của Sabeco, khi tổng chi phí cho quảng cáo tiếp thị 9 tháng đầu năm lên đến 870 tỷ đồng, tăng gần 27% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Những "đứa con" của Sabeco và Habeco hiện làm ăn ra sao?
Nhờ hiệu ứng tích cực từ việc 2 doanh nghiệp đầu ngành là Sabeco và Habeco đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn, những cổ phiếu ngành bia bất ngờ tăng mạnh. Đặc biệt, cùng với đó cả Habeco và Sabeco đã liên tục đưa các công ty con lên giao dịch trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó, việc nhận lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết cũng thay đổi nhanh chóng. 9 tháng đầu năm 2017 Sabeco nhận về hơn 274 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó Habeco cũng chỉ nhận về xấp xỉ 23 tỷ đồng như cùng kỳ.
Nhìn kết quả kinh doanh quý 3 của những "đứa con" của Sabeco đang giao dịch trên sàn chứng khoán cũng thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB), bia Sài Gòn Phú Thọ (BSP), bia Sài Gòn - Bạc Liêu (SBL), bia Sài Gòn Miền Trung (SMB)... Còn lợi nhuận cũng có mức tăng trưởng nhẹ, ngoại trừ lợi nhuận của Bia Sài Gòn Miền Tây giảm sút khá mạnh so với cùng kỳ. Mới đây, Sabeco quyết định sẽ góp 20% vốn để thành lập CTCP Bia Sài Gòn – Lâm Đồng có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Những "đứa con" của Habeco quý 3 vừa qua đều có kết quả kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế như CTCP Thương mại bia Hà Nội (HAT), Bia Hà Nội Hải Dương (HAD), bia Hà Nội - Thái Bình (BTB)...
Chờ thời điểm thoái vốn Nhà nước
Cả Sabeco và Habeco đang nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn trong năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những công việc cụ thể của quy trình thoái vốn tại 2 đơn vị này chưa được công bố.
Theo thông tin, trường hợp đến ngày 30-9, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco thì phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để bảo đảm tiến độ thoái vốn nhanh hơn. Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), đến nay vẫn chưa thấy Bộ Công Thương trình kế hoạch bán vốn tại 2 DN này.
Phương Chi
Theo Trí thức trẻ/CafeF