Chiếm 50% thị phần sữa đậu nành của cả nước vào năm 2010, đến năm 2016 tăng lên 85% thị phần. Thế nhưng nhãn hàng sữa đậu nành Fami vẫn gần như mất hút trong bảng xếp hạng thương hiệu trong lĩnh vực đồ uống ở khu vực thành thị.
Toutiao được định giá 20 tỷ USD: Trung Quốc đang có bong bóng startup?
- Cập nhật : 16/08/2017
Liệu thương vụ tỷ đô của Toutiao có phải là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang có bong bóng startup?
Liệu thương vụ tỷ đô của Toutiao có phải là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang có bong bóng startup?Nguồn ảnh: Reuters
Theo các nguồn tin của Reuters, ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao (Trung Quốc) có thể huy động thêm ít nhất 2 tỷ USD vốn đầu tư, đạt mức định giá hơn 20 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới nhất.
General Atlantic, quỹ đầu tư vốn sở hữu tư nhân hàng đầu của Mỹ, sẽ là một trong những nhà đầu tư tiềm năng mới, cũng theo nguồn tin của Reuters cho biết. Cả Toutiao và General Atlantic đã từ chối bình luận về vòng gọi vốn này.
Liệu thương vụ tỷ đô của Toutiao có phải là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang có bong bóng startup?
Định giá tăng 40 lần
Toutiao được thành lập bởi doanh nhân 34 tuổi Zhang Yiming (cựu nhân viên Microsoft) vào tháng 3/2012. Công ty này chuyên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tổng hợp tin tức từ 4.000 nguồn tin cho người dùng di động tại Trung Quốc, với nội dung được tùy biến cho phù hợp với từng cá nhân.
Mức định giá của Toutiao đã nhảy vọt khoảng 40 lần chỉ trong vòng 3 năm. Hồi tháng 6/2014, start-up này còn được định giá là 500 triệu USD. Đến cuối năm 2016, startup này đã gọi vốn được 1 tỷ USD từ các quỹ nổi tiếng như Sequoia Capital và CCB International, với mức định giá 11 tỷ USD. Và mới đây nhất, nếu nguồn tin của Reuters là đúng sự thực, thì Toutiao vừa nhận được định giá hơn 20 tỷ USD.
Toutiao cùng với hãng dịch vụ trực tuyến Meituan-Dianping và dịch vụ gọi xe Didi Chuxing thường được gọi là bộ ba "TMD", xem như thế hệ startup mới của Trung Quốc để kế tục bộ ba Baidu, Alibaba và Tencent.
So sánh lượng người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU) và hàng ngày (DAU) của các ứng dụng đọc tin tại Trung Quốc. Ảnh: Business Insider
Theo các nhà phân tích, công nghệ AI của Toutiao là rất mạnh và có nhiều tiềm năng ứng dụng bên ngoài Trung Quốc. Hồi tháng 2, công ty mẹ của Toutiao là ByteDance đã mua lại một startup của Mỹ là Flipagram. ByteDance cũng đang sở hữu ứng dụng chia sẻ tin giải trí tiếng Anh TopBuzz, và được cho là đang có kế hoạch mở rộng sang Brazil và Nhật Bản.
Với khoảng 100 triệu người sử dụng hàng ngày trong quý I/2017, Toutiao đang nhắm mục tiêu doanh thu hàng năm là 2,5 tỷ USD trong năm 2017, theo một nguồn tin thân cận với công ty. Trong năm ngoái, doanh thu của hãng đã đạt 870 triệu USD, hầu hết là từ quảng cáo.
Theo đánh giá của tạp chí Fortune, do Facebook không được hoạt động ở Trung Quốc nên Toutiao có một lợi thế rất lớn là không sợ phải cạnh tranh với chức năng newsfeed của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nói cách khác, Toutiao "không có thiên địch tự nhiên", theo bình luận của Fortune. Còn theo Reuters, hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Toutiao trên thị trường nội địa là Tian Tian Kuai Bao của Tencent và chức năng newsfeed (dòng tin) của công cụ tìm kiếm Baidu.
"Kỳ lân" Trung Hoa khác gì "kỳ lân" Mỹ?
Điểm qua các số liệu cơ bản về Toutiao, có thể thấy rằng đây là một công ty có nền tảng và tiềm năng phát triển rất tốt. Nhưng liệu nó có thực sự đáng giá 20 tỷ USD? Và hãy nhìn qua các công ty startup lớn khác của Trung Quốc: Liệu Didi Chuxing có thực sự xứng đáng là công ty startup trị giá lớn thứ nhì thế giới với mức định giá 50 tỷ USD? Liệu các ứng dụng chụp selfie và thông tin nhà hàng của Meituan-Dianping có xứng đáng với mức định giá 30 tỷ USD?
Theo bình luận của Reuters Breakingviews, khi so sánh các công ty "kỳ lân" (startup được định giá hơn 1 tỷ USD) của Mỹ và Trung Quốc, có thể nhận thấy một sự khác biệt khá rõ rệt. Các "kỳ lân" của Trung Quốc thường phục vụ người dùng cuối trên di động, và thường chỉ hoạt động ở duy nhất thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, các "kỳ lân" Mỹ có hoạt động kinh doanh đa dạng hơn nhiều, phục vụ cả khối người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, và có tầm phủ sóng trên toàn cầu.
Việc các startup Trung Quốc có mức định giá cao ngất ngưởng cũng là điều dễ hiểu, vì quy mô quá lớn của thị trường này. Trung Quốc có 695 triệu người dùng Internet trên di động và tần suất mua sắm online cao nhất thế giới, với tổng doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) được ước tính đạt 1,1 nghìn tỷ USD trong năm nay (theo eMarketer). Theo Goldman Sachs, một người dùng TMĐT tại Trung Quốc bình quân mỗi năm chi ra 1.300 USD, và sẽ có thêm 200 triệu người dùng TMĐT tại nước này vào năm 2020.
Tuy nhiên, cũng theo Reuters Breakingviews, các "kỳ lân" Trung Quốc đang đối diện với những rủi ro không thể bỏ qua. Việc chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất, dù là thị trường rất lớn, là cực kỳ rủi ro. Đó là chưa kể việc chính phủ Trung Quốc có thể thực thi những biện pháp khá mạnh tay làm ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh doanh, đơn cử gần đây là việc xiết lại hoạt động cho vay ngang hàng (p2p lending) và các sản phẩm tài chính cá nhân trực tuyến đã làm ảnh hưởng tới kế hoạch IPO của Ant và Lufax.
Ngoài ra, việc tạo ra lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc cũng không phải là bảo đảm. Các dòng vốn đầu tư dồi dào đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong đủ các lĩnh vực, dẫn tới chạy đua gay gắt về giá cả. Hãng điện thoại Xiaomi, vốn từng một thời được định giá 46 tỷ USD, nay đang bán điện thoại với biên lợi nhuận vỏn vẹn vài phần trăm so với 30% của iPhone, theo ước tính của các nhà phân tích. Didi Chuxing thì từng báo lỗ 1,8 tỷ USD trong năm 2015, dù khi đó đã nắm 80% thị trường dịch vụ gọi xe tại Trung Quốc.
Tuy vậy, những yếu tố kể trên cũng không ngăn cản các nhà đầu tư rót tổng cộng 57,5 tỷ USD vào các startup Trung Quốc trong nửa đầu năm 2017 (theo số liệu từ Zero2IPO), không mấy khác biệt so với cùng kỳ năm ngoái.
Mạnh Đức
Theo Nhipcaudautu.vn