tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

'Sóng ngầm' cuộc chiến giành giật thị phần sữa đậu nành: Ai đang đứng đầu?

  • Cập nhật : 23/08/2017

Chiếm 50% thị phần sữa đậu nành của cả nước vào năm 2010, đến năm 2016 tăng lên 85% thị phần. Thế nhưng nhãn hàng sữa đậu nành Fami vẫn gần như mất hút trong bảng xếp hạng thương hiệu trong lĩnh vực đồ uống ở khu vực thành thị.

Theo bảng xếp hạng thương hiệu trong lĩnh vực đồ uống năm 2016 do Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Panel công bố, sữa đậu nành Fami đứng cuối bảng trong tốp 10 thương hiệu tại khu vực thành thị, lần lượt sau các thương hiệu: Vinamilk, Coca Cola, Dutch Lady, Milo, Sting, TH true Milk, Nestle, C2, và thương hiệu bia 333 của Sabeco.

Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, Fami lại vươn lên đứng thứ hai sau Vinamilk. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về những thương hiệu: Nestle, Halico, Dutch Lady, C2, Saigon Lager, Wake-up Café Saigon, Coca Cola, và Milo.

xep hang thuong hieu trong linh vuc do uong nam 2016. nguon: kantar world panel, ctck rong viet. 

Xếp hạng thương hiệu trong lĩnh vực đồ uống năm 2016. Nguồn: Kantar World Panel, CTCK Rồng Việt. 

Fami là thương hiệu được CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) phát triển từ năm 2003 sau khi công ty thất bại ở mảng sữa bò truyền thống. Tiếp theo đó, công ty tiếp tục đầu tư làm thương hiệu bằng cách đổi tên nhà máy Trường Xuân thành nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam vào năm 2004 và năm 2012 tung ra sản phẩm mới Vinasoy. Số liệu của Euromonitor cho thấy thị phần của công ty đã tăng dần từ 50% trong năm 2010 lên 85% trong năm 2016. Do đó, doanh thu từ mảng sữa đậu nành tăng trưởng bình quân 35,3% trong giai đoạn trên.

Số liệu năm 2016 của Euromonitor cho thấy doanh thu từ sữa đậu nành toàn thị trường Việt Nam chỉ bằng 21,6% so với sữa bò truyền thống. Thị trường chỉ có 4 doanh nghiệp chính cạnh tranh chủ yếu tại mặt hàng này gồm QNS, Vinamilk, Tân Hiệp Phát và Tribeco. Trong khi đó, phân khúc sữa bò là cuộc chơi của hơn 10 doanh nghiệp.

du bao muc tieu thu sua dau nanh giai doan 2017-2021 (nghin tan). nguon: euromonitor, ctck rong viet.

Dự báo mức tiêu thụ sữa đậu nành giai đoạn 2017-2021 (nghìn tấn). Nguồn: Euromonitor, CTCK Rồng Việt.

Theo nghiên cứu của A.S.Louken, người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng sản phẩm sữa đậu nành nhiều chỉ sau các sản phẩm nước trái cây. Ngành sữa đậu nành tăng trưởng 17% trong giai đoạn 2011-2016. Theo dự báo của Euromonitor, sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành tại Việt Nam vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng 10,1% trong 5 năm tới (2017-2021).

Dù Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều sữa đậu nành nhất thế giới theo số liệu của Tetra Pak, nhưng chỉ có 1/3 là sữa đậu nành có thương hiệu, phần còn lại chủ yếu là sữa tự nấu.  Mặc dù vậy, cạnh tranh trong phân khúc này được dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Thị trường sữa đậu nành Việt Nam trước đây chỉ có 4 nhà sản xuất chính nhưng năm 2016, Nutifood đánh dấu sự có mặt của mình tại phân khúc này với sản phẩm sữa đậu nành Nuti Canxi.

thi phan sua dau nanh co thuong hieu cua fami tai viet nam. nguon: euromonitor, ctck rong viet. 

Thị phần sữa đậu nành có thương hiệu của Fami tại Việt Nam. Nguồn: Euromonitor, CTCK Rồng Việt. 

So với Đường Quảng Ngãi, dù thị phần của Nutifood còn rất nhỏ nhưng công ty cũng sở hữu vùng nguyên liệu đậu nành tại Việt Nam. Ngoài các nhãn hiệu sữa đậu nành trong nước, các nhãn hiệu sữa đậu nành nước ngoài cũng đã xuất hiện như Vitasoy, Homesoy, Soy Secretz, đang được phân phối mạnh tại hệ thống các siêu thị, kênh bán hàng hiện đại.

Trong khi đó, danh mục sản phẩm hiện tại của Đường Quảng Ngãi chưa đủ đa dạng để tăng sức cạnh tranh. Đường Quảng Ngãi hiện chỉ có Fami Socola và Vinasoy mè đen bên cạnh hương vị truyền thống là đậu nành. Trong khi ở những thị trường khác, các doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành như Alpro, Vitaysoy có từ 5, 6 sản phẩm khác nhau liên quan đến sữa đậu nành.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi đạt 1.843 tỷ đồng, tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm còn 36,3% so với mức 33,3% cùng kỳ khiến lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành chỉ đạt 615 tỷ đồng, giảm 3,7%.

Bao bì và nguyên liệu đậu nành chiếm khoảng 80% giá thành sản phẩm, trong đó, nguyên liệu đậu nành có tỷ trọng khoảng 30%. Các chi phí nhân công, khấu hao, nguyên liệu phụ và dịch vụ mua ngoài nằm trong 20% còn lại.

Đường Quảng Ngãi đang sở hữu 3 nhà máy sữa đậu nành tại 3 miền (Tiên Sơn, miền Bắc – 180 triệu lít/năm), (Quảng Ngãi, miền Trung – 120 triệu lít/năm), (Bình Dương, miền Nam – 90 triệu lít/năm) với tổng công suất là 390 triệu lít/năm. Trong đó nhà máy tại Bình Dương đang vận hành giai đoạn 1 với 70% công suất thiết kế.

Tính đến cuối năm 2016, Đường Quảng Ngãi có 4 cổ đông lớn chiếm 33,7% tổng số cổ phần lưu hành. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm hiện tại chỉ ở mức 6,95%, khá thấp đối với một công ty lớn trong ngành F&B.

Theo báo cáo thường niên năm 2016 của CTCP Đường Quảng Ngãi, cơ cấu cổ đông của công ty gồm: Công ty TNHH MTV Thành phát 15,80%; Nhóm cổ đông Võ Thành Đàng 7,60%; Nhóm cổ đông Trần Ngọc Bàng 5,10%; Foremost Worldwide Limited 5,21%; cổ đông khác nắm giữ 66,30%. 


Hiền Anh
Theo Infonet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục