Từng chiếm 15% thị phần cả nước, Hoàn Long Computer đang phải gánh khoản nợ lớn và nợ thuế 14 tỷ đồng, nhưng hiện công ty vẫn tiếp tục hoạt động sau khi chuyển đổi sang một pháp nhân mới.
Thị trường bán lẻ: Chiến thuật “làm chủ” của đại gia ngoại
- Cập nhật : 11/11/2015
(Kinh doanh)
Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central (Thái Lan) đang mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách liên doanh hoặc thâu tóm doanh nghiệp (DN) Việt Nam...
Tỷ đô cho thương mại
Tập đoàn bán lẻ Aeon vừa thông báo sẽ khai trương trung tâm mua sắm tại Hà Nội vào ngày 28/10. Đây là trung tâm thứ 3 và là trung tâm đầu tiên tại Hà Nội của nhà bán lẻ Nhật Bản này.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 phút lái xe, Aeon Long Biên sẽ là một trong những tổ hợp thương mại lớn nhất tại thủ đô với diện tích 96.000m 2 .
Ông Yukio Konishi - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam, cho biết: "Thị trường Việt Nam rất tiềm năng. Bằng chứng là trung tâm Aeon đầu tiên mở vào tháng 1/2014 tại TP.HCM thu hút 13 triệu lượt khách mỗi năm. Chúng tôi có thể mở thêm 20 trung tâm mua sắm tại Hà Nội và TP.HCM".
Vào thị trường Việt Nam từ năm 2008, nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc là Lotte Mart hiện đang có 10 siêu thị (ST) tại Việt Nam, trung bình mỗi ST có diện tích sàn không dưới 10.000m 2 và có vốn đầu tư khoảng 30 - 40 triệu USD.
Như vậy, tổng vốn đầu tư cho hệ thống Lotte Mart tại Việt Nam cũng lên đến vài trăm triệu Mỹ kim. Theo Tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam Hong Won Sik, kế hoạch đến năm 2020, Tập đoàn sẽ vận hành 60 ST Lotte Mart tại Việt Nam.
Đầu tháng 3/2015, trong cuộc gặp mặt với Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin, cho biết, DN này đã mua tới 70% cổ phần của tòa cao ốc Diamond Plaza ở quận 1, đồng thời sẽ đầu tư một dự án có quy mô lớn khác trong thời gian tới.
Cụ thể, dự án khu phức hợp sinh thái có tên gọi Eco Smart City với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD sẽ được Tập đoàn Lotte hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản gồm Mitshubishi và Toshiba phát triển tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ biến nơi đây thành khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp hiện đại.
Một "đại gia" đến từ Thái Lan là Tập đoàn Central Group cũng đã mở ST Robinson tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2014 với diện tích mỗi ST khoảng 10.000 m 2 . Robinson coi Việt Nam là một thị trường có tiềm năng tăng trưởng rất cao.
Ông Alan tin rằng thị trường Việt Nam có tiềm năng hơn cả Thái Lan nhờ dân số đông hơn và trung tâm mua sắm tại TP.HCM đang cho thấy kết quả rất khả quan.
Liên doanh và thâu tóm
Cùng với đầu tư mở rộng kinh doanh, các đại gia bán lẻ nước ngoài cũng tăng cường liên doanh và thâu tóm DN bán lẻ Việt Nam.
Cuối năm 2014, Aeon tuyên bố liên doanh với 2 chuỗi siêu thị lớn của Việt Nam, một ở phía Bắc, một ở phía Nam là Fivimart (tỷ lệ sở hữu 30%) và Citimart (tỉ lệ sở hữu 49%).
Chuỗi Citimart hiện có 30 ST tại các tỉnh phía Nam, sau khi thương vụ hoàn tất, Aeon tuyên bố mở thêm 500 ST Aeon Citimart trong vòng 10 năm và trước hết sẽ tăng lên con số 200 ST nhanh nhất có thể.
Chuỗi Fivimart hiện sở hữu 22 ST tại tất cả các quận ở Hà Nội, trong đó có 6 ST mang thương hiệu Aeon Fivimart.
Ngày 28/10 tới, cùng với việc khai trương Aeon Mall Long Biên, Aeon Fivimart Long Biên có diện tích 1.000m 2 cũng đi vào hoạt động tại tầng 1 của Aeon Mall, nâng tổng số ST mang tên Aeon Fivimart lên 7 ST và nâng tổng số ST trong hệ thống Fivimart lên con số 23 tại Hà Nội.
Trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, thương vụ nổi bật là Central Group mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Central Group tuyên bố liên doanh này sẽ có 50 ST Nguyễn Kim vào năm 2019, gấp đôi số ST hiện tại.
Sau thương vụ Nguyễn Kim, chuỗi điện máy Pico cũng đang được đưa vào tầm ngắm của Central Group.
Tuy Aeon hay Central Group vẫn chưa nắm cổ phần chi phối trong liên doanh với DN bán lẻ Việt Nam nhưng giới chuyên môn cho rằng đây chỉ là chiến thuật nhằm né quy định Economic Needs Test (ENT).
ENT là một trong những rào cản quan trọng khiến các DN bán lẻ ngoại khó khăn khi đặt chân tới Việt Nam. Dù Việt Nam đã bỏ dần các rào cản về thuế theo cam kết WTO nhưng không có lộ trình nào loại bỏ ENT.
Được áp dụng từ năm 2007, ENT đưa ra quy định các DN bán lẻ nước ngoài khi mở từ cơ sở thứ 2 (có diện tích trên 500m 2 ) trở đi sẽ phải kiểm tra nhu cầu kinh tế tại địa bàn theo các tiêu chí: Số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư và quy mô của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ.
Với những tập đoàn muốn nhanh chóng mở rộng chuỗi bán lẻ ST hay điện máy thì đây là một rào cản lớn vì việc xin giấy phép và thẩm định từng mặt bằng một sẽ mất nhiều thời gian.
Vì vậy, chiến thuật của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là liên doanh hoặc thâu tóm DN nội (sở hữu từ 49% cổ phần trở xuống) để có thể dễ dàng mở rộng quy mô kinh doanh.
Trên thực tế, các DN ngoại đang sở hữu với tỷ lệ 49% cổ phần trong các liên doanh nhưng vẫn có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên cao hơn nữa thông qua các quỹ đầu tư trung gian. Đến lúc đó, ngành bán lẻ của Việt Nam có thể bị chi phối hoàn toàn bởi các "đại gia ngoại".