Thị trường kinh doanh theo chuỗi dường như đang chứng kiến sự "sa lầy" của hàng loạt tên tuổi lớn. Nhiều đơn vị tiềm lực tài chính mạnh cũng không ngăn được đà đóng cửa chi nhánh.
Các startup đang bùng nổ, nhưng đây là lý do khiến bong bóng dotcom sẽ không lặp lại
- Cập nhật : 28/03/2016
(Kinh doanh)
So với khi bong bóng dotcom đầu tiên bùng nổ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chi phí xây dựng một startups quá rẻ và do đó bản chất của startup cũng vì thế mà thay đổi. Thay vì là một “canh bạc” lớn, quá trình này chuyển thành một chuỗi các hoạt động mang tính thử nghiệm.
“Thậm chí chúng tôi đã từng phải đặt hệ thống máy chủ ở ngay tại văn phòng”, Naval Ravikant cười lớn khi nhớ lại năm 1990, khi mà anh và một vài người bạn thành lập startup đầu tiên mang tên Epinions – một website để các khách hàng phản hồi về mọi sản phẩm. Họ phải huy động 8 triệu USD, mua máy tính từ Sun Microsystems, phần mềm cơ sở dữ liệu của Oracle và thuê 8 lập trình viên. Gần 6 tháng sau, phiên bản đầu tiên của trang web mới có thể đi vào hoạt động.
Trở về thực tại, startup mới nhất của Ravikant là AngelList – một mạng xã hội dành cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư – đã được triển khai rất nhanh chóng và dễ dàng. Anh có thể tự bỏ ra chi phí chỉ vào khoảng mấy chục nghìn USD. Hầu hết các phần mềm cần thiết đều có thể được tải về miễn phí từ Internet. Chi phí lớn nhất là tiền lương dành cho 2 lập trình viên chỉ mất vài tuần để thiết lập mọi thứ.
Ravikant không phải là doanh nhân duy nhất có một câu chuyện như vậy để kể. So với khi bong bóng dotcom đầu tiên bùng nổ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chi phí xây dựng một startups quá rẻ và do đó bản chất của startup cũng vì thế mà thay đổi. Thay vì là một “canh bạc” lớn, quá trình này chuyển thành một chuỗi các hoạt động mang tính thử nghiệm.
Không phải tất cả các công ty mới được thành lập đều là startup. Steve Blank, một chuyên gia trong lĩnh vực này, định nghĩa startup là những công ty đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh đem lại tăng trưởng nhanh với mục tiêu trở thành một “công ty đa quốc gia siêu nhỏ” đi ra toàn cầu mà không cần phải có quy mô lớn. Rất nhiều trong số đó đơn giản là một công ty nhỏ sử dụng công nghệ để vươn ra thế giới. Đồng thời ngày càng có nhiều startup là những “doanh nghiệp xã hội” với sứ mệnh phục vụ xã hội rõ ràng.
Trong quá khứ, startup gần như đều bắt nguồn từ ý tưởng về một sản phẩm mới. Giờ đây, startup thường bắt đầu bởi một nhóm – thường là hai người biết khá rõ về nhau và có những kỹ năng bổ sung cho nhau. Các nhà sáng lập làm việc với một vài ý tưởng trước khi chọn lấy một ý tưởng tâm đắc nhất.
Đây là điều mà người ta không thể nghĩ tới trong những năm 1990. Để xây dựng startup phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt nhất, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghệ. Ngày nay, từ các phần mềm mã nguồn mở đến các dịch vụ giá rẻ, tất cả các “nguyên liệu” đều có sẵn để xây dựng một website mới hoặc một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Một hình mẫu có thể được lan truyền nhanh chóng chỉ trong vài ngày, điều giúp lý giải sự thành công đáng ngạc nhiên của những tổ chức như Startup Weekend. Kể từ khi được thành lập năm 2007, các tình nguyện viên đã tổ chức hơn 1.000 cuộc thi lập trình với hơn 100.000 người tham gia ở gần 500 thành phố, trong đó có cả những nơi xa xôi như Ulaanbaatar ở Mông Cổ hay Perm ở Nga.
Có lẽ sự thay đổi lớn nhất nằm ở chỗ mọi thứ đều trực tuyến. Ở Amazon Web Services, nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất, gói dịch vụ cơ bản được cung cấp miễn phí với thời gian cho máy chủ lên tới 750 giờ. Nếu website hoặc ứng dụng tỏ ra thành công, Amazon ngay lập tức cung cấp thêm server thực tế chỉ với một khoản phí nhỏ.
Toàn bộ ngành dịch vụ hỗ trợ cho các startup đang bùng nổ. Để thử phản ứng của khách hàng, các startup có thể ký hợp đồng với những dịch vụ như usertesting.com. Khách hàng được trả tiền để thử các website hoặc ứng dụng mới và quay lại video. Từ đó các công ty có thể cung cấp chính xác những gì khách hàng muốn (thậm chí chuyên biệt hóa cho từng nhóm tuổi, thu nhập và giới tính). Chỉ sau vài giờ họ đã thu được kết quả.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nói ngày nay khởi nghiệp là quá dễ. Họ phải chạy đua theo cách hoàn toàn khác. Triết lý “cứ làm đi, khách hàng và nhà đầu tư sẽ tìm đến” không còn dúng nữa. Các startup phải tìm ra khách hàng muốn gì. Họ đo lường người dùng muốn gì để điều chỉnh cho phù hợp. Các cuộc thử nghiệm liên tục diễn ra, và sản phẩm cũng liên tục bị điều chỉnh.