Khi những người khổng lồ gục ngã, những khoảng trống tại các nước đang phát triển được các ngân hàng trong nước lấp đầy trong khi những tổ chức phi tài chính sẽ là người thay thế ở các nước phát triển.
Smartphone tầm trung bước vào vòng đấu loại khốc liệt
- Cập nhật : 27/07/2016
Năm 2016, doanh thu smartphone dự kiến đạt 65-70% tổng số điện thoại bán ra trên toàn thị trường.
Ở thị trường Việt Nam, nếu điện thoại thông minh (smartphone) có thương hiệu đã xác định vị trí dẫn đầu của Samsung và Apple, thì ở phân khúc giá thấp hơn, đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hơn chục hãng điện thoại, phần lớn đến từ Trung Quốc, Ấn Độ. Hồi giữa tháng 7 vừa qua, hãng điện thoại Elephone (Trung Quốc) đã ghi danh trong bảng xếp hạng smartphone phân khúc từ giá rẻ đến tầm trung ở Việt Nam, vốn đã dày đặc hơn chục thương hiệu như ZTE, Xiaomi, Gionee, Coolpad, Wiko, Obi, Intex, Alcatel và Vivo...
Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường GfK, trong năm 2016, doanh thu smartphone dự kiến sẽ chiếm khoảng 65-70% tổng số điện thoại bán ra toàn thị trường. Vì vậy, không khó hiểu vì sao Việt Nam luôn có sức hút mạnh mẽ đối với các thương hiệu điện thoại mới. Do kém hơn về độ nhận diện thương hiệu nên các hãng điện thoại mới thường dùng chiến lược giá rẻ để cạnh tranh. Theo đó, giá của smartphone Trung Quốc thường thấp hơn ít nhất 40% so với các mẫu smartphone có thương hiệu, cùng cấu hình.
Đặc biệt, đối với các đại diện đến từ Trung Quốc, ngoài giá rẻ, họ còn có một lợi thế mà nhiều hãng sản xuất smartphone mong muốn chính là khả năng cung ứng nguồn hàng trong thời gian ngắn. Bởi vì, đa phần các hãng điện thoại giá rẻ này đặt đại bản doanh ở Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi cách Việt Nam chỉ 2 giờ bay, với nguồn hàng rất phong phú về mẫu mã cũng như chất lượng.
Chị Ngọc Thủy, nhân viên văn phòng ở quận 3, đã từ chối mua smartphone không có thương hiệu dù cấu hình và mức giá khá cạnh tranh vì không tin tưởng vào chất lượng của chúng. Lựa chọn của chị Thủy là bài toán khó của các thương hiệu smartphone giá rẻ nếu muốn bán được hàng ở thị trường Việt Nam. Đây cũng là lời cảnh báo đã có từ 4 năm trước, khi nhiều thương hiệu smartphone giá rẻ phải rút lui.
Nhìn chung, phần lớn thương hiệu smartphone Trung Quốc và Ấn Độ vẫn dùng chiến lược giá rẻ, bán độc quyền ở một chuỗi số cửa hàng và kết hợp với trang web thương mại điện tử Lazada Việt Nam, bỏ lại sau lưng những hoài nghi về việc bảo hành của người mua. Xu hướng này cho thấy các thương hiệu này dường như chỉ đang dò sức mua thị trường Việt Nam với chi phí thấp nhất, hơn là đầu tư lâu dài.
Nhưng thực tế, theo đuổi chiến lược này cũng chịu rủi ro. Đầu tiên là vị trí không bền vững, rất dễ bị lung lay khi các hãng smartphone có thương hiệu lớn ra sản phẩm mới, giảm giá mẫu cũ hoặc đưa ra sản phẩm cùng phân khúc. Thứ 2 là khi bán với giá rẻ, lấy doanh thu trừ đi chi phí hoa hồng cho chuỗi cửa hàng, nhà nhập khẩu, chi phí tiếp thị và bảo hành ở Việt Nam, rất khó có được lợi nhuận. Kể cả đại diện đến từ công xưởng thế giới là Trung Quốc.
Có thể lấy Xiaomi làm ví dụ. Doanh nghiệp này thành công vì chọn chiến lược bán hàng trực tuyến và thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, giảm chi phí cho các chuỗi cửa hàng, chương trình tiếp thị giúp Công ty duy trì giá rẻ và cạnh tranh. Nhưng ở các thị trường như Việt Nam, thương mại điện tử chưa phát triển, chiến lược của Xiaomi xem như phá sản. Thực tế sau nhiều lần hứa hẹn, doanh nghiệp này vẫn chưa chính thức đặt chân vào Việt Nam.
Quan trọng hơn, ở thị trường Trung Quốc, các dịch vụ liên quan đến Google đều không truy cập được, Google Play cũng không ngoại lệ. Chính vì thế, doanh nghiệp Trung Quốc bán thiết bị với giá rất rẻ, bù lại họ có thể thu phí từ các kho ứng dụng do họ tự phát triển. Nhưng ở các nước như Việt Nam, doanh thu từ kênh này bằng không. Để có được lợi nhuận ngoài thị trường Trung Quốc, các hãng điện thoại Trung Quốc phải bán được các dòng điện thoại trung và cao cấp, từ 7 triệu đồng trở lên.
Câu hỏi đặt ra là ai sẽ bỏ tiền mua smartphone ít tên tuổi với giá như vậy? “Nâng cao hình ảnh, đầu tư quảng cáo và truyền thông là cách để đạt được mục tiêu”, ông Shawn Shu, Tổng Giám đốc Huawei CBG Việt Nam, cho biết. Huawei đang đi khá sát với chiến lược đã công bố từ sau khi ra mắt mẫu Honor 4C ở thị trường Việt Nam hồi năm ngoái. Theo đó, Công ty đã giữ giá cho các mẫu điện thoại Huawei trong 1 năm và bắt đầu tung ra smartphone cao cấp. Sau 1,5 năm gia nhập thị trường, ông Shawn Shu cho biết, Huawei hiện có 2,5% thị phần ở Việt Nam và hướng tới con số 5% vào cuối năm nay.
Không thua kém đồng hương, hãng điện thoại Lenovo cũng đẩy mạnh thương hiệu đến giới trẻ bằng việc công bố ca sĩ Soobin Hoàng Sơn làm đại sứ thương hiệu một số dòng smartphone của Hãng hồi giữa tháng 4. Theo một thống kê không chính thức, doanh nghiệp này hiện chiếm khoảng 5% thị phần smartphone ở thị trường Việt Nam.
Mobiistar, một cái tên của doanh nghiệp Việt Nam, cũng góp mặt với 6% thị phần trong bảng thống kê của IDC quý I vừa qua. Không xuất hiện rầm rộ trên truyền thông, nhưng theo ông Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc Công ty, Mobiistar thận trọng chọn các kênh truyền thông phù hợp với sản phẩm của mình, chăm sóc khách hàng chu đáo và giữ quan hệ mật thiết với các đối tác bán lẻ.
Tuy nhiên, thành công nhất trong 4 năm qua chính là Oppo. Theo báo cáo quý I/2016 của hãng nghiên cứu thị trường Mỹ IDC, Oppo đang chiếm 23% thị phần smartphone Việt Nam. Theo thông tin từ Công ty, dù phân khúc từ 2-4 triệu đồng vẫn chiếm phần lớn sản lượng bán ra, khoảng 60%, nhưng phân khúc 4-6 triệu đồng đang tăng dần, hiện đạt hơn 30%.
Oppo cũng là thương hiệu đầu tư nhiều cho marketing, giới thiệu hình ảnh sản phẩm gắn liền với các ca sĩ trẻ như Sơn Tùng MT-P, Tóc Tiên, Tiên Tiên... qua việc tài trợ cho chương trình The Remix, The Voice.
Tuy nhiên, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Tiếp thị Oppo Việt Nam và Thái Lan, chia sẻ, yếu tố quyết định thành công của Oppo đến từ việc đầu tư vào hệ thống bảo hành toàn quốc gồm 40 trung tâm do chính Công ty tuyển dụng và quản lý. Trong thời gian tới, Oppo sẽ không mở rộng cửa hàng bảo hành mà tập trung tiếp nhận và rút ngắn thời gian bảo hành cho khách hàng, từ 60 phút đến một ngày.
Rõ ràng, thị trường smartphone tầm trung giờ đây đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Các thương hiệu mới không thể trông mong vào mỗi chiến lược giá rẻ, đầu tư nhận diện thương hiệu một cách hời hợt. Họ phải làm hơn thế hoặc ra về tay trắng.
Huy Vũ
(Theo Nhịp cầu đầu tư)