Hãng đồng hồ nổi tiếng Fossil đã chi 260 triệu USD mua Misfit Wearables - công ty chuyên sản xuất thiết bị đeo theo dõi sức khỏe dựa trên công nghệ cảm ứng di động.
Có sợ “gà đẻ trứng vàng” rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài?
- Cập nhật : 19/11/2015
(Kinh te)
Chủ trương bán vốn Nhà nước ở hàng loạt DN lớn như Vinamilk, FPT… nhận được sự ủng hộ của dư luận. Song, vẫn có ý kiến băn khoăn liệu những thương hiệu Việt, vốn ít ỏi, có rơi vào tay nước ngoài nếu nhà đầu tư “ngoại” tham gia mua trọn phần vốn Nhà nước.
Theo văn bản của Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ được phép thoái hết vốn tại các DN lớn là: Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia; Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; Công ty Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam; Công ty Nhựa Bình Minh; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam; Công ty Cổ phần FPT; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty Viễn thông FPT. Nhiều DN trong số này được đánh giá đang kinh doanh tốt, giá trị vốn hóa cao, tỷ lệ chia cổ tức thuộc top đầu.
Ngay khi “đường lớn đã mở”, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị phương thức bán cổ phần vốn Nhà nước tại Vinamilk. Trong văn bản do bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk ký, Công ty này cho rằng: Việc SCIC thoái toàn bộ 45,1% vốn nắm giữ tại Vinamilk là chủ trương được cộng đồng nhà đầu tư rất quan tâm theo dõi.
Đặc biệt, Vinamilk mạnh dạn kiến nghị Chính phủ nên cho phép nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Bởi theo Vinamilk, mở cửa cũng là xu hướng chung của thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand, đến năm 2017 thuế suất thuế NK các mặt hàng sữa thành phẩm, bột sữa nguyên liệu từ khu vực này sẽ giảm về mức 0%. Thuế suất thuế NK sữa thành phẩm và nguyên liệu theo AJCEP (ASEAN - Nhật Bản) và VJEPA (Việt Nam – Nhật Bản) cũng đang giảm dần.
“Việc các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đa số cổ phần tại Vinamilk không đồng nghĩa với việc "xóa sổ" thương hiệu Việt” – Vinamilk giải thích.
Theo quá trình phát triển của DN, việc mở rộng cổ đông là điều bình thường. Một ví dụ có thể kể đến là Công ty Alibaba. Đây là một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử do người Trung Quốc thành lập và hoạt động chủ yếu tại Trung Quốc, nhưng 3 trong số 5 cổ đông lớn nhất là Softbank, Yahoo và Silver Lake Affiliated Entities đều là cổ đông nước ngoài và nắm giữ tổng cộng 50,9% vốn điều lệ của Công ty này.
Vinamilk cho rằng: Hiện nay, thương hiệu Vinamilk đã được khẳng định và có vị trí vững chắc không chỉ tại thị trường trong nước và cả ở thị trường quốc tế, sản phẩm của Vinamilk đã được XK đến hơn 30 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài thông qua XK, Vinamilk đã và đang đầu tư vào các DN ngoài nước. Vinamilk đã có các khoản đầu tư tại Mỹ, Ba Lan, New Zealand, Campuchia và hiện đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mua bán và sáp nhập khác tại các thị trường mới.
“Vì vậy, việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk sẽ tạo thuận lợi hơn cho Công ty trong việc mở rộng thị trường và khi Vinamilk cần huy động thêm vốn để đầu tư ra nước ngoài” – Vinamilk khẳng định sự cần thiết phải có sự tham gia của nhà đầu tư “ngoại”.
Không phải ngẫu nhiên, Vinamilk lại nhấn mạnh việc phân tích yếu tố “nhà đầu tư nước ngoài” và “thương hiệu Việt” trong bản kiến nghị của mình. Bởi lẽ, khi thông tin bán vốn Nhà nước ở các DN được đưa ra, một số ý kiến bày tỏ nỗi băn khoăn trước khả năng DN Việt thuộc về một nhà đầu tư nước ngoài.
Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đề cập vấn đề này. Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng: Chúng ta cần hết sức cẩn thận trong quá trình bán vốn Nhà nước ra thị trường cho tư nhân nắm giữ bởi thật sự tư nhân hiện nay phần lớn là người nước ngoài. Do đó nếu không có cơ chế thì nhiều phân khúc sản phẩm, tiêu dùng quan trọng sẽ nằm trong tay DN nước ngoài, lúc đó các vấn đề về kiểm soát giá như lũng đoạn, cấu kết thị trường sẽ nảy sinh. Dĩ nhiên cái lợi của cổ phần hóa là thấy rồi nhưng rất cần chính sách đi liền để làm sao tránh tình trạng các công ty lũng đoạn thị trường và phải có cơ chế giám sát.
Nhà đầu tư nào cũng cần làm lợi cho nhân dân, đất nước
Không ngại nhà đầu tư nước ngoài mua vốn Nhà nước, song Vinamilk nêu quan điểm: Nhà đầu tư cần được lựa chọn phù hợp với triết lý kinh doanh mà Vinamilk đang theo đuổi, cùng hướng tới việc gia tăng lợi ích cho cổ đông và cho tập thể người lao động, từ đó đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Việc thoái vốn hay cổ phần hóa đều vì mục tiêu cuối cùng là giúp cho DN đó hoạt động tốt hơn sau này. Không có chuyện bán bằng mọi giá, bán xong DN sập sệ và kém hơn, nếu vậy thì kiên quyết không làm. Trong trường hợp này, như với Vinamilk, dù bán hay thoái vốn cho ai thì DN đó vẫn phải phục vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam. Không có chuyện bán rồi bắt tay với nước ngoài thực hiện độc quyền trong ngành sữa.
Chia sẻ quan điểm với phóng viên, chuyên gia Đinh Tuấn Minh (Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ) cho rằng: Bản thân Việt Nam cũng đang muốn thu hút đầu tư nước ngoài. Khi có sự cạnh tranh, giá cổ phần bán được sẽ cao hơn, tiền thu về nhiều hơn, đây là điều rất tốt. Khi một DN vận hành có lợi nhuận, DN nước ngoài mới bỏ tiền vào mua giá cao, điều đó giúp nhà đầu tư trong nước có nguồn tiền để đầu tư vào lĩnh vực phù hợp, tối ưu hơn. Mặt khác, DN trong nước cũng hoàn toàn có thể mua lại cổ phần đó từ DN nước ngoài. Người Việt đã mua lại khách sạn Hilton, Daewoo… đấy thôi.
“Dù DN Việt hay DN nước ngoài thì đều đóng thuế cho Chính phủ Việt Nam, tài sản, thị trường của họ vẫn trên đất nước chúng ta. Vì thế, tôi nghĩ không nên lo lắng vấn đề bị thâu tóm” – ông Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.
Thông qua việc rút vốn Nhà nước khỏi DN, chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng: Ở nhiều nước trên thế giới, Nhà nước điều hành nền kinh tế chủ yếu thông qua hệ thống chính sách chung, không cần trực tiếp tham gia điều hành, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Quan điểm của tôi là Nhà nước nên thoái vốn nhiều hơn nữa, để tư nhân vận hành. Khi đó, Nhà nước sẽ tập trung vào điều hành chính sách. Như thế mới tăng được hiệu quả quản lý, điều hành nền kinh tế.
Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, tình hình sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011 - 2015 về cơ bản đã đạt được một số kết quả. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN có nhiều cải thiện; vốn chủ sở hữu tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu đạt 10 - 15%, nộp NSNN tăng 27%/năm, đóng góp khoảng 30% thu NSNN, 32% GDP.
Trên 80% DNNN có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ. Vốn chủ sở hữu năm 2012 tăng 26% so với năm 2011, năm 2013 tăng 4,1% so với năm 2012; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu so tương ứng là 16,37% (trong đó các tập đoàn, tổng công ty là 16,94%; năm 2013 là 15,4%). Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần (TĐKT, TCTNN là 1,46 lần, năm 2013 là 1,58 lần), nằm trong giới hạn cho phép (3 lần).
(Báo cáo của Chính phủ về thực hiện tái cơ cấu kinh tế, ngày 17-10-2015)