Các thương hiệu thể thao danh tiếng phương Tây như Adidas, Nike đang hưởng lợi lớn từ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cửa hàng Adidas ở Bắc Kinh. REUTERS
Với anh Alex He, 29 tuổi, làm việc trong ngành tài chính ở Bắc Kinh, một chuyến đi đến trung tâm mua sắm có thể dễ dàng khiến anh mất 3.000 USD. He chia sẻ mình không thường xuyên mua sắm, nhưng khi đã mua thì mua rất nhiều. Mặt hàng gần đây anh chọn là vài đôi giày Adidas, quần và áo Under Armour.
“Tôi từng mua rất nhiều thương hiệu cao cấp nhưng từ năm ngoái hay khoảng đó, tôi mua nhiều thương hiệu thể thao hơn vì chúng thoải mái và thời trang hơn”, anh He nói.
Người tiêu dùng Trung Quốc như anh He - những người muốn thể hiện mình khi đi mua sắm - đang ngày càng ưu ái các thương hiệu thể thao phương Tây. Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng cách giảm mức tiêu thụ hàng xa xỉ làm ảnh hưởng đến doanh thu của những cái tên như Pernod Ricard, Hugo Boss và BMW.
Dù doanh số thời trang sang trọng, ô tô và các sản phẩm đắt đỏ khác giảm, đồ thể thao vẫn “bán chạy như tôm tươi”. Doanh số Nike ở Đại lục vẫn mạnh mẽ với các đơn hàng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái tăng từ 27% lên 35%.
Hôm 6.6, thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng vừa tuyên bố sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục Trung Quốc để đào tạo đến 7.000 giáo viên thể dục. “Thế hệ hôm nay là thế hệ ít vận động cơ thể nhất trong lịch sử, và chúng tôi có thể giúp thay đổi điều này”, Chủ tịch kiêm CEO Nike Mark Parker cho biết.
Cửa hàng Adidas ở Bắc Kinh. REUTERS
Tương tự, doanh số Adidas ở Đại lục cũng tăng 38%, lên mức 2,79 tỷ USD, hồi năm ngoái và hiện chiếm khoảng 15% doanh thu toàn cầu. Năm 2015, thương hiệu đồ thể thao lớn thứ nhì thế giới mở hơn 500 cửa hàng ở Trung Quốc, nâng tổng số chi nhánh lên thành 9.000. Họ có ý định mở thêm 500 cửa hàng nữa trong năm nay.
“Chúng tôi đang làm ăn tốt ở Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc thật sự đánh giá cao những gì họ nhận được từ chúng tôi”, CEO Adidas Group Herbert Hainer nói trên kênh Bloomberg vào tháng 5. Doanh số Adidas ở Đại lục tăng 22% trong quý đầu năm 2016.
Hiện tại, các thương hiệu thể thao lớn nước ngoài là sự lựa chọn an toàn hơn cho nhiều người tiêu dùng còn lấn cấn về tính chính trị trong mỗi quyết định mua sắm. Người Hoa lo ngại về việc chi tiêu lớn, phô trương muốn tậu những sản phẩm rõ ràng là đắt tiền, nhưng không quá hào nhoáng.
Thêm vào đó, người Trung Quốc cũng đang quan tâm hơn đến sức khỏe. Ngành công nghiệp thể dục - thể thao đạt doanh số 127,2 tỷ USD hồi năm 2014, tăng 84% so với năm 2009, theo tờ China Daily. Có 3.650 câu lạc bộ fitness hoạt động trong năm 2014, nhiều hơn so với con số 2.930 câu lạc bộ hoạt động vào năm 2009.
Chính phủ Đại lục cũng đang khuyến khích xu hướng này, hy vọng nó khiến người dân hứng thú hơn với thể thao trước kỳ Thế vận hội mùa đông diễn ra ở Bắc Kinh năm 2022. “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đột biến của người tiêu dùng, những người vừa bắt đầu chạy bộ hoặc chơi các môn thể thao khác”, giám đốc quản lý Đại lục Colin Currie của Adidas cho biết.
Ngành công nghiệp thể thao ở Trung Quốc vẫn còn kém phát triển. Tại Mỹ, ngành này chiếm 3% GDP nhưng ở Trung Quốc, nó chỉ chiếm 0,7% GDP. Dù vậy, sự bùng nổ fitness vẫn chưa đem lại nhiều lợi ích cho một số nhãn hiệu “cây nhà lá vườn” Đại lục.
Sự cạnh tranh từ Adidas, Nike và các thương hiệu ngoại đang làm tổn thương nhiều thương hiệu Trung Quốc. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho hay lợi nhuận các nhà sản xuất trong nước sẽ chịu áp lực trong 5 năm tới vì cạnh tranh gia tăng, khiếm khuyết trong phân phối, giá cả và chi phí lao động đi lên. Nhiều người Hoa trung lưu quan tâm đến sức khỏe có thể đánh giá cao độ nhận diện thương hiệu và nét khác biệt trong sản phẩm - những gì vốn là điểm yếu của các thương hiệu nội.
Theo Báo Thanh Niên