Boon Rawd Brewery là hãng bia đầu tiên của Thái Lan, thành lập từ năm 1933. Trước thương vụ hợp tác cùng Masan Group, Tập đoàn này cùng với Thai Beverage cũng từng bày tỏ sự quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco.
Những mảnh ghép tham vọng của Grab
- Cập nhật : 17/05/2017
Mục tiêu trước mắt của GrabPay là để khách hàng thanh toán GrabCar nhưng trong tương lai là dịch vụ để họ mua các mặt hàng hằng ngày.
Từ GrabTaxi, GrabCar, GrabBike, GrabPay và mới đây là GrabShare, Grab không giấu tham vọng đang mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến dù đã cố gắng hạn chế thông tin hết mức có thể ở Việt Nam.
Năm 2014, Grab ra mắt dịch vụ đầu tiên ở Việt Nam ngay một quán cà phê nhỏ, xinh xắn ở trung tâm quận 1. Ông Anthony Tan, Tổng Giám đốc kiêm đồng sáng lập Grab, lúc ấy rất thân thiện và cởi mở thông tin với báo chí. Ông đem lại cảm giác một doanh nghiệp công nghệ non trẻ đang cố gắng thay đổi cách đặt xe taxi của nhiều người Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Trải qua gần 3 năm, Grab đạt tốc độ tăng trưởng thần tốc, trở thành một trong những “kỳ lân” của Đông Nam Á khi được định giá đến 3 tỉ USD. Tại TP.HCM, những tài xế mang áo nón màu xanh xuất hiện dày đặc ở các tuyến phố và cả các ngõ hẻm. Các buổi ra mắt tính năng của Grab ở Việt Nam vì thế cũng ngày càng quy mô hơn nhưng thông tin cũng kín đáo hơn.
Hôm ra mắt dịch vụ GrabShare ở TP.HCM cũng không ngoại lệ. Đây là tính năng mới nhất của Grab cho phép người đi chung một quãng đường có thể chia sẻ chi phí với nhau, giúp tiết kiệm 30% so với cách đi truyền thống. Tại đây, ông Jerry Lim, Tổng Giám đốc Grab Việt Nam, nhấn mạnh: “Grab muốn giữ chân người sử dụng càng lâu càng tốt”.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm với tờ The Economist, ông Anthony Tan cho rằng bị quyến rũ bởi Tencent (Trung Quốc) đơn vị sở hữu WeChat - ứng dụng nhắn tin di động nhiều người sử dụng nhất Trung Quốc và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Grab muốn mô phỏng sự thành công của WeChat trong việc phổ biến thanh toán thông qua điện thoại di động thông minh.
Do đó, phần lớn khoản tiền 1 tỉ USD mà Grab đang nắm giữ sẽ được đầu tư vào hệ thống thanh toán GrabPay, được đưa vào hoạt động đầu năm 2016. Đến gần cuối năm 2016, GrabPay được cập nhật lại, chuyển từ dịch vụ được sử dụng chủ yếu cho những người có thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thông qua ví điện tử. Mục tiêu trước mắt của GrabPay là để khách hàng thanh toán GrabCar nhưng trong tương lai là dịch vụ để họ mua các mặt hàng hằng ngày.
Tính đến tháng 3.2017, Grab có 36 triệu lượt tải về ở 6 nước gồm Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Theo thống kê, Grab hiện có 630.000 tài xế tại khu vực Đông Nam Á với hơn 30 triệu người dùng. Người sử dụng Grab dùng ứng dụng này ít nhất 2 lần/ngày cho việc đi lại và đây là hành động mang tính thường xuyên nên có thể nói là lợi thế rất lớn của Grab so với các ứng dụng Fintech khác.
Chưa dừng lại ở đó, Grab còn cho thấy tham vọng lấn sang thương mại điện tử. Tháng 4 vừa qua, Grab đã mua lại nền tảng thương mại điện tử Kudo của Indonesia với mức giá được dự đoán là 100 triệu USD. Trong kế hoạch tổng thể của Công ty ở thị trường Indonesia đến năm 2020, Grab sẽ đầu tư 700 triệu USD vào thị trường này, tương đương 70% lượng tiền mặt mà Công ty đang sở hữu.
Kudo là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến, có hơn 400.000 đại lý ủy quyền tại 500 tỉnh, thành ở Indonesia. Sau khi được đầu tư, Kudo sẽ đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới đại lý, lấn sang lĩnh vực bảo hiểm và cho vay tiêu dùng. Tất nhiên, GrabPay sẽ được sử dụng làm nền tảng thanh toán chính.
Tại sao Grab không đẩy mạnh mảng Fintech và thương mại điện tử ở Việt Nam? Có 2 giả thiết được đưa ra. Thứ nhất, Indonesia còn nhiều dư địa phát triển hơn. Theo thống kê của website TechinAsia, tính đến cuối năm ngoái, Indonesia có 15 công ty gọi vốn công bố, giá trị thấp nhất là hơn 1 triệu USD và cao nhất 100 triệu USD, trải dài ở 6 lĩnh vực: thương mại điện tử, giải pháp doanh nghiệp, truyền thông, dữ liệu lớn, nền tảng công nghệ và dịch vụ ẩm thực. Chưa có doanh nghiệp Fintech nổi trội. Trong khi đó, ở Việt Nam có hơn 30 doanh nghiệp Fintech, dẫn đầu bởi những cái tên MoMo, Payoo... Ở lĩnh vực thương mại điện tử là cuộc chiến của Lazada (Alibaba Group), Tiki (VNG), Shopee (Garena).
Thứ hai, Indonesia là một thị trường lớn. Với 257 triệu dân, chiếm gần 1/3 dân số của thị trường Đông Nam Á, Indonesia được xem là chiến trường quan trọng nhất của nhiều doanh nghiệp công nghệ. Theo Bloomberg, Grab từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng tới 600% tại thị trường này. Tuy nhiên, trong lĩnh vực Grab đang tham gia ở Indonesia, Go-jek, một doanh nghiệp địa phương được định giá 3 tỉ USD đang tạm dẫn đầu. Đó là chưa kể đối thủ Uber, sau khi từ bỏ cuộc đua tốn kém ở Trung Quốc, đã cơ cấu lại nguồn lực và đeo đuổi các thị trường mà Grab đang hiện diện.
Dù là giả thiết nào đi nữa, Grab cho thấy không đơn thuần sẽ dừng chân là một doanh nghiệp đặt xe. Chỉ sau một tuần mua lại Kudo, Grab đã phát đi thông báo sẽ huy động hơn 1,5 tỉ USD trong đợt tài trợ mới với sự hậu thuẫn của SoftBank (Nhật). Cũng cần nói thêm SoftBank của tỉ phú Masayoshi Son luôn có khẩu vị đầu tư vào công nghệ. Tỉ phú này năm ngoái công bố quỹ đầu tư công nghệ Vision Fund với đối tác Ả Rập lên tới 100 tỉ USD. Mục tiêu chính của Grab không phải dùng GrabPay để thanh toán cước xe, mà người sử dụng có thể vay tiền, chuyển khoản qua Grab. Một phần tham vọng nói trên được thể hiện khi Grab đặt thêm các trung tâm kỹ thuật tại Jakarta, Bangalore và TP.HCM để hỗ trợ các trung tâm khác ở Singapore, Bắc Kinh và Seattle.
Ông Tan cũng luôn phủ nhận xây dựng cứ điểm của Grab tại Đông Nam Á là để đối đầu với Uber. Đối với Grab, ông Tan trả lời The Economist rằng, những thành phố đông dân tại khu vực này “là nhà của chúng tôi”. Rõ ràng Grab sẽ làm rất nhiều thứ để xây dựng và chu cấp cho một ngôi nhà vững chãi.
Công Sang
Theo Nhipcaudautu.vn