tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Những doanh nghiệp "nhỏ mà có võ" của thị trường

  • Cập nhật : 15/11/2015

(Doanh nghiep)

Một đặc điểm chung của các công ty chúng tôi vừa đề cập là "lười" tăng vốn - trái ngược hẳn với xu hướng chung của thị trường hiện nay.

 

Như những mạch nước nhỏ chảy ngầm trong khu rừng rộng lớn, các doanh nghiệp nhỏ với các chỉ số tài chính lành mạnh, “ăn nên làm ra” tuy không thu hút được sự chú ý nhiều như các cổ phiếu Blue-chips hay các cổ phiếu “có sóng”, nhưng lại là những nhân tố không thể thiếu – đặc biệt đối với các nhà đầu tư giá trị.

Là một doanh nghiệp ít tên tuổi, Công ty cổ phần Quốc tế Gốm sứ Việt (VietCeramics) có vốn điều lệ vỏn vẹn 22 tỷ đồng. Sẽ ít nhà đầu tư biết đến VietCeramics cho đến khi công ty này công bố Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2015 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Văn bản này hé lộ kết quả kinh doanh đáng ngưỡng mộ của công ty với LNST 2015 (niên độ 1/7/2014 – 30/6/2015) đạt 36,8 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 15.171 đồng/cổ phiếu.

Kế hoạch kinh doanh nửa năm tiếp theo tiếp tục được đề xuất với chỉ tiêu lợi nhuận 28,8 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ của công ty.

VietCeramics kín tiếng đến mức, nhà đầu tư hầu như không có thông tin về công ty ngoài những sản phẩm tương đối nổi tiếng trên thị trường xây dựng – nội thất.

Khác với VietCeramics, CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Trasas – TRS) được đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM nên thông tin có phần minh bạch và đầy đủ hơn.

Trasas có vốn điều lệ cũng vỏn vẹn 22,1 tỷ đồng, chưa đạt mức tối thiểu để niêm yết trên sàn Hà Nội HNX. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Trasas khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác không khỏi mơ ước. LNST năm 2014 của Trasas đạt 26,1 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với kết quả thực hiện năm 2013. EPS năm 2014 đạt 12.376 đồng/cổ phiếu.

Trasas có vẻ như đã tìm được thị trường ngách khi với quy mô nhỏ bé, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn có thể “sống khỏe” trong khi các ông lớn trong ngành không ngừng phô trương thanh thế.

Thú vị ở chỗ, chỉ sau chưa đầy 2 tháng giao dịch trên UpCOM (từ 18/9/2015), cổ phiếu TRS có vẻ tăng không ngừng nghỉ. Từ mức giá 21.000 đồng chào sàn, hiện cổ phiếu TRS đã đạt mức giá 68.000 đồng, tăng hơn gấp 3 lần. Đồ thị giá của TRS bắt đầu đi ngang trong nửa tháng trở lại đây. Tuy nhiên với mức giá tương đối cao này, cổ phiếu TRS có vẻ không bị lãng quên, cho dù khối lượng giao dịch chưa thực sự lớn – chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên.

Một trường hợp khác, cho dù thị trường biến động tăng giảm thế nào, cổ phiếu WCS của Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây vẫn luôn ở mức cao so với thị trường. Trong 1 năm trở lại đây, chưa bao giờ cổ phiếu WCS giao dịch dưới mức giá 120.000 đồng.

Từ khi niêm yết đến nay (năm 2010), WCS chưa một lần phát hành thêm cổ phiếu. Có lẽ chính vì vậy, giá trị cổ phiếu WCS được “cô đặc”, tích lũy kết quả kinh doanh khả quan của công ty. 9 tháng đầu năm 2015, Bến xe Miền Tây lãi ròng 35,3 tỷ đồng, tương đương mức EPS đạt được 14.114 đồng/cổ phiếu.

Vốn điều lệ Bến xe Miền Tây là 25 tỷ đồng, khoản lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối quý 3 của công ty lên tới 88 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị vốn điều lệ. Về lý thuyết, đây là khoản tiền có thể dành hoàn toàn cho cổ đông công ty.

Mức giá cao, cổ phiếu WCS giống như một phương tiện cất giữ giá trị hơn là một hàng hóa giao dịch trên sàn chứng khoán. Không nhiều phiên giao dịch có trên 1.000 cổ phiếu WCS được trao tay.

Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2015 của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (LHC), một trong những vấn đề cổ đông quan tâm là tính thanh khoản của cổ phiếu. Theo đó, mặc dù không thể phủ nhận kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu LHC vẫn tương đối “vô danh” trên thị trường. Vấn đề đặt ra là, LHC phải phát hành thêm cổ phiếu.

Cuối cùng, ĐHCĐ cũng đã thống nhất thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ của công ty từ mức 20 tỷ đồng lên 36 tỷ đồng. Hiện mỗi phiên giao dịch, số lượng cổ phiếu LHC trao tay ở vào khoảng vài chục nghìn đơn vị - tương đối lạc quan so với trước khi tăng vốn. EPS 9 tháng đầu năm 2015 của LHC đạt 6.305 đồng/cổ phiếu – không thực sự cao so với các doanh nghiệp kể trên. Suy cho cùng, tính thanh khoản cổ phiếu LHC đã là một lợi ích mà cổ đông mong mỏi.

Một đặc điểm chung của các công ty chúng tôi vừa đề cập là "lười" tăng vốn - trái ngược hẳn với xu hướng chung của thị trường hiện nay. Với đặc điểm này, điều đáng lưu ý nhất khi đầu tư vào các doanh nghiệp này là tính thanh khoản. Có lẽ cũng chính vì vậy mà các cổ phiếu nói trên vẫn ít được chú ý đến vậy.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục