(Kinh te)
Câu chuyện Samsung (100% vốn Hàn Quốc) 'đòi' làm doanh nghiệp Việt nhằm hưởng lợi từ chương trình vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN và nhận được sự ủng hộ của Bộ Công thương đang gây ra làn sóng phản đối của các doanh nghiệp nội, các chuyên gia kinh tế.
Nhà máy Samsung ở Bắc Ninh - Ảnh: Ngọc Sơn
Sản xuất tại VN...
Theo lập luận của Samsung, hằng năm, công ty đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của VN, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong nước. Đặc biệt, các mặt hàng được xuất ra thế giới làm từ VN đều gắn mác “made in Vietnam”. Điều này chứng tỏ hoạt động đầu tư của tập đoàn tại VN là sự thể hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp (DN) quốc dân.
“Thân phận ai cứ thế mà làm”
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chương trình “Người VN dùng hàng VN” mục đích để khuyến khích, ủng hộ sản xuất trong nước, đặc biệt ưu tiên cho DN vừa và nhỏ trong tiêu thụ hàng hóa, tìm kiếm nguyên liệu đầu vào để tránh “chết” dưới tay các “ông lớn” ngoại chứ không phải hỗ trợ cho những DN lớn trong hay ngoài nước. “Nếu khái niệm “hàng Việt” được hiểu như hàng được sản xuất tại VN, vô hình trung mục đích ban đầu chính sách “người Việt dùng hàng Việt” bị phá vỡ. Tôi cho rằng, thân phận ai cứ thế mà làm", bà Lan nói.
Ủng hộ quan điểm này, GS Nguyễn Mại, chuyên gia kinh tế, nhận xét đây là “xu hướng tiến bộ” bởi công nhân người Việt, sản xuất hàng hóa tại VN, không kể cơ quan nào, coi như hàng Việt. “Hiện khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sử dụng 3,5 triệu lao động Việt. Thử đặt vấn đề nếu không có lực lượng này, VN có 3,5 triệu người đang thất nghiệp. Thế nên, không nên quá lăn tăn phân biệt nội hay ngoại. Vấn đề là DN đầu tư đó đang mang lại lợi ích gì cho VN. Thứ nữa, luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp 2015 quy định về DN trong và ngoài nước không có gì khác nhau, nên việc coi DN FDI như DN trong nước cũng là điều bình thường”, GS Nguyễn Mại phân tích.
Với cụ thể trường hợp của Samsung, ông Mại cho rằng tập đoàn đến từ xứ kim chi này đã tạo công ăn việc làm cho 130.000 lao động VN, kim ngạch xuất khẩu từ DN này đạt 30 tỉ USD/năm. “Điều mà chúng ta đáng tự hào là các sản phẩm chất lượng ấy do người Việt tạo ra”, ông Mại nhấn mạnh.
TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), cho rằng DN FDI là một trong 5 thành phần của nền kinh tế, vì vậy sản phẩm của khối này cũng nên được coi là sản phẩm VN. “Sự lớn mạnh của khối FDI càng thôi thúc DN trong nước nỗ lực hơn nữa để có thể tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của khu vực FDI. Đó mới là điều quan trọng”, ông Thắng nói.
Tỏ ra cẩn trọng hơn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng quan trọng là hàng hóa sản xuất trong nước đó người Việt đóng góp và hưởng lợi như thế nào. “Cần phải cụ thể hóa ra các giá trị gia tăng mang lại từ thương hiệu sản phẩm, không phân biệt ai sản xuất, mới có đánh giá toàn diện được”, ông Thành nói. Tuy nhiên, ông Thành vẫn cho rằng VN đang xây dựng luật theo hướng hội nhập sâu, nên yếu tố bình đẳng được đặt lên hàng đầu.
Doanh nghiệp FDI đầu tư trên lãnh thổ VN là sở hữu của nước ngoài, không phải sở hữu của VN. Đó là nguyên lý bất di bất dịch và không có quốc gia nào trên thế giới coi FDI là doanh nghiệp nội địa
TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế
...nhưng lợi nhuận chuyển về nước
Tuy nhiên, vấn đề “nội hóa” DN FDI gặp phản đối từ rất nhiều các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, bởi theo họ khái niệm “made in Vietnam” (sản xuất tại VN) chỉ là vấn đề thương mại. Vì với người tiêu dùng thế giới và ngay tại VN, những sản phẩm làm tại VN như chiếc điện thoại của Samsung (Hàn Quốc), đôi giày Adidas, Nike (Mỹ), các sản phẩm hóa mỹ phẩm của Unilever (Mỹ)… là hàng Hàn Quốc, Mỹ xuất khẩu từ VN chứ không phải hàng VN.
TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, phân tích: “DN FDI đầu tư trên lãnh thổ VN là sở hữu của nước ngoài, không phải sở hữu của VN. Đó là nguyên lý bất di bất dịch và không có quốc gia nào trên thế giới coi FDI là DN nội địa. Samsung, Unilever, Honda, LG… có đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của VN bằng thuế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhưng họ lại đóng góp vào tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của nước họ là Hàn Quốc, Nhật, Mỹ. Cụ thể là lợi nhuận họ chuyển về nước chứ không để lại VN. Hai khái niệm GDP và GNP là hoàn toàn khác nhau. Vì thế, không có một chút liên quan nào khi cho DN FDI là DN VN”.
Phân tích cụ thể hơn, TS Ngãi lưu ý sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia được ghi “Made in Vietnam” (sản xuất tại VN) ngoài bao bì, chứ không phải “Product of Vietnam” (sản phẩm của VN). “Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Nếu lập luận hàng làm tại VN là hàng VN là cơ quan quản lý muốn “vơ” thành tích do kim ngạch xuất khẩu của một số DN FDI thuộc hàng khủng. Chẳng hạn, Samsung dự kiến xuất khẩu đạt 30 tỉ USD trong năm nay”, ông Ngãi nói và cảnh báo: “Với bất kỳ lý do nào, việc quy đổi một DN FDI thành DN nội địa là không theo nguyên tắc quốc tế nào cả và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức sống của nền kinh tế VN. Không chỉ có sự cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước về chính sách, các nhà đầu tư FDI đến một quốc gia nào đó cuối cùng cũng chỉ dựa vào cái lợi. Nếu điểm đến đầu tư đem lại cho họ nhiều lợi ích, họ sẽ ở lại. Còn không, họ sẽ tìm kiếm điểm đến mới phù hợp hơn. Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc thời gian qua chuyển nhà máy đến các nước Đông Nam Á, trong đó có VN, vì chính sách lương không còn phù hợp với họ. Không có gì để đảm bảo các nhà đầu tư nước ngoài mãi gắn bó với chúng ta. Chỉ có DN trong nước mới có thể gắn bó với VN mà thôi”, ông Ngãi cảnh báo.
Hàng thuần Việt hết cửa
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng VN chất lượng cao, việc “vơ” hết sản phẩm của các công ty đa quốc gia thành hàng Việt rồi lấy đó là thành tích 80%, 90% hàng bán trong siêu thị và cả ở các chợ lớn đô thị đều là hàng Việt là điều không sòng phẳng và che lấp một thực tế: DN nhỏ VN đang hết sức khó khăn và ngày càng bị đẩy văng ra khỏi siêu thị, dạt về nông thôn.
“Thay vì vui mừng nêu cao thành tích 90% thì nên thật căn cơ tìm hiểu những cái khó, nỗi khổ của hàng Việt, DN nhỏ VN. Họ vốn yếu thế sẽ càng lao đao trong hội nhập sắp tới. Đó mới chính là lý do thực sự ra đời cuộc vận động “ưu tiên cho hàng Việt”. Chứ cứ say sưa với những điện thoại Samsung, dầu gội Pantene, kem đánh răng Colgate, nước rửa chén Sunlight, bột giặt Tide... là hàng Việt; ung dung 90% siêu thị phủ đầy hàng Việt rồi bỏ mặc cho DN nhỏ VN đổi nghề, phá sản, bán công ty... thì đâu phải là tầm nhìn của cuộc vận động?”, bà Hạnh đặt vấn đề.
Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm quốc tế ICC, cho rằng khi chưa có chính sách “nội hóa” DN FDI, đa số DN nội địa đã chịu nhiều thất thế, khó cạnh tranh nổi với DN nước ngoài, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng. Nếu cấp quản lý “bấm nút” thông qua chính sách coi hàng Việt cũng như hàng của FDI, thì phải tính sao với các chính sách, ưu đãi về thuế, giá thuê đất mà các DN ngoại đã hưởng khi vào VN? “Bịch xà bông hàng Việt lâu nay đã không thể nào chen chân vào ngay hệ thống siêu thị trong nước, với chính sách này coi như hàng Việt biến mất dạng luôn, ngay cả tại thị trường vùng sâu vùng xa”, ông Nhơn chua chát.
Chính sách người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là dành cho Doanh nghiệp nội
Sáng 27.9, hội thảo “Hàng Việt trước thềm TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015”, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam”, khai mạc tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM). Hội thảo do Ban Chỉ đạo trung ương Cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” cùng Bộ Công thương chủ trì. Nhiều ý kiến cho rằng cạnh tranh của DN trong nước với DN FDI còn rất yếu, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, hàng nông sản. Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TP.HCM, có nhiều thách thức cho hàng Việt khi nhiều quốc gia trong khối TPP tham gia đàm phán vẫn cương quyết bảo hộ một số mặt hàng được coi là thế mạnh của họ. Chính sách “người Việt ưu tiên dùng hàng VN” là tạo lực đẩy lớn cho DN vừa và nhỏ Việt tiếp tục giữ vững mình trong làn sóng hội nhập sâu đầy thách thức. Đã có hơn 330 gian hàng của nhiều DN trong nước có uy tín như Sabeco, May Việt Tiến, May 10, Saigon Coop, Vinamilk, Satra, May Nhà Bè, Maseco, Ba Huân, Dược phẩm OPC... tham gia hội chợ.
Ng.Nga
(Theo Báo Thanh Nien)