Mục tiêu trước mắt của GrabPay là để khách hàng thanh toán GrabCar nhưng trong tương lai là dịch vụ để họ mua các mặt hàng hằng ngày.
5 cách giúp công ty nhỏ đánh bại gã khổng lồ
- Cập nhật : 15/11/2015
(Kinh doanh)
Nhờ quy mô nhỏ, doanh nghiệp có thể trả lời email khách hàng chỉ sau vài phút, hàng mẫu giao trong vài tuần thay vì vài tháng và nhân viên được phép tự quyết định.
Một trong những khó khăn đáng sợ nhất với doanh nghiệp hiện nay là đối thủ của họ toàn là những công ty tỷ USD. Đôi khi kẻ yếu lại thắng, như trong câu chuyện của David và Goliath vậy. Nhưng ở thế giới thực, người khổng lồ thường (nếu không muốn nói gần như luôn luôn) là kẻ chiến thắng.
Đó chính là thực tế Ravin Gandhi phải đối mặt khi thành lập GMM Nonstick Coatings năm 2007, chuyên sản xuất lớp phủ chống dính cho các loại dụng cụ nhà bếp. Họ khởi đầu với 3 không – không khách hàng, không nhân viên, không sản phẩm.
Đối thủ của họ là DuPont, với thương hiệu tỷ đôla - Teflon đã tồn tại hàng thập kỷ. Những đối thủ khác là công ty con của các tập đoàn toàn cầu với trang bị đồ sộ. Trên Entrepreneur, Gandhi chia sẻ anh vẫn nhớ như in cảnh đứng bơ vơ giữa triển lãm thương mại với một chiếc va-li, không có nổi một cái hẹn làm ăn và tự hỏi chẳng biết mình đang nghĩ gì.
Thế nhưng, sau 8 năm, công ty của họ đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất lớp chống dính lớn nhất thế giới. Dưới đây là 5 bí quyết giúp họ qua mặt những gã khổng lồ cùng ngành.1. Tốc độ
Công ty lớn đương nhiên có nguồn lực lớn. Nhưng họ cũng có nhiều thủ tục kèm theo, có nghĩa họ làm việc chậm hơn. Và khách hàng hoàn toàn không thích những dịch vụ chậm chạp.
Công ty của Gandhi hoạt động dựa trên văn hóa "nhanh như chớp": trả lời email khách hàng chỉ sau vài phút hoặc vài giờ, hàng mẫu giao trong vài tuần thay vì mất tới vài tháng và một đội ngũ nhân viên được phép tự ra quyết định ngay tại chỗ. Các tập đoàn lớn không thể vận hành nhanh, vì vậy hãy tận dụng điểm yếu này để tạo nên sự khác biệt.
2. Không ngại khó
Hãy làm quen với việc bị từ chối, nhưng đừng vì thế mà chùn bước. Tiếp tục tìm lý do để liên lạc và gặp gỡ khách hàng. Các lãnh đạo công ty đối tác đủ thông minh để kể cả khi nói "không", họ vẫn bị ấn tượng bởi doanh nghiệp của bạn.
Ngoài ra, các công ty lớn đôi khi còn mắc lỗi không coi trọng khách hàng. Khi ấy, hãy tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất để giành mối làm ăn của họ.
3. Đừng sợ hãi
Là doanh nghiệp nhỏ không có nghĩa là bạn yếu. Chỉ vì các đối thủ chi cả núi tiền cho hoạt động R&D và marketing không có nghĩa là họ sẽ đạt kết quả tốt hơn bạn. Hãy tuyển dụng nhân tài mà bạn biết có thể cho ra những sản phẩm tuyệt vời và sẵn sàng cống hiến cho công ty. Điều đó sẽ chứng tỏ bạn thực sự là một nhà lãnh đạo tài ba.
Hãy khiêm tốn, khôn ngoan và tin tưởng vào khả năng của bản thân. Nếu bạn tin là những công ty lớn hơn không có cơ hội đánh bại bạn, chắc chắn là họ sẽ không có.
4. Lắng nghe
Những ông lớn thường không quan tâm tới ý kiến khách hàng. Đôi khi, sản phẩm của họ đã lỗi thời nhưng họ thậm chí không thèm cải tiến. Nếu là doanh nghiệp nhỏ, hãy làm ngược lại. Hãy lắng nghe khách hàng và điều chỉnh sản phẩm theo phản hồi của họ. Họ sẽ cho bạn biết họ cần gì và bạn chỉ cần đáp ứng đúng nhu cầu đó. Khách hàng luôn tin tưởng những nhà sản xuất có thể giúp họ giải quyết vấn đề. Và muốn giải quyết được vấn đề thì phải lắng nghe trước đã.
5. Hiểu rằng thành công không thể đến sau một đêm
Gandhi phải mất 8 năm để đưa GMM lên vị trí như ngày hôm nay. Ngay từ đầu, anh đã phải tự xác định hướng đi cho mình. Đừng nản lòng khi bạn chưa có doanh thu trong những ngày đầu tiên. Bạn chỉ cần một bước đột phá để thay đổi tất cả, và không ai biết trước được khi nào thì điều đó xảy ra.
Vì thế, khi thời cơ đột phá đến, hãy làm việc chăm chỉ hơn. Đừng chủ quan. Khi đã có được thành công nhất định, bạn sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác. Bạn không còn là doanh nghiệp nhỏ nữa, và phải học cách mở rộng quy mô. Nhưng đó là câu chuyện sau này.