Ngày càng nhiều doanh nghiệp tỷ đô nhập cuộc chơi Nông nghiệp nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp rời khỏi cuộc chơi. Việc ra đi, theo chuyên gia Trần Hải Yến, là phản ứng nhất thời của một vài doanh nghiệp trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản thế giới giảm sâu, chưa chắc chắn về thời điểm tăng trở lại.
Hành trình đến Mỹ của bia Sài Gòn hơn 20 năm trước
- Cập nhật : 22/11/2015
(Kinh doanh)
Sau chuyến công tác sang Việt Nam, một chuyên gia của Apple quyết định cùng những người bạn lập công ty chuyên nhập khẩu bia Sài Gòn về bán tại Mỹ.
Công ty quản lý quỹ SAM - một doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM vừa thông báo mua lại toàn bộ cổ phần của Heritage Beverage, hãng phân phối độc quyền Bia Sài Gòn tại Bắc Mỹ. Việc mua lại này được lãnh đạo hai bên cho biết sẽ giúp hãng bia chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam tiếp cận nhiều hơn tới các vùng tiêu thụ lớn thế giới.
Nhìn lại lịch sử, Bia Sài Gòn đã có hơn 20 năm thậm nhập vào Mỹ, xuất phát từ chuyến công tác của một chuyên gia hãng máy tính Apple. Năm 1993, ông William Lee đã tới Hà Nội và TP HCM để giới thiệu về dòng máy tính để bàn Macintosh của thương hiệu "Quả táo khuyết". Trong thời gian ở Việt Nam, vị này phát hiện ra sản phẩm bia 33 nổi tiếng (sau này là 333) được sản xuất bởi tập đoàn BGI trước năm 1975 đã được đổi thành Sài Gòn. Hãng BGI không còn tồn tại nữa, thay bằng Công ty Bia Sài Gòn.Trở về San Jose (California) cuối năm 1993, ông Lee mang theo 6 chai bia Sài Gòn tặng bạn - Mike Fox, chủ một hãng phân phối đồ uống lớn tại địa phương. Sau một hồi nếm thử vị của chai bia, Lee cùng Fox đã bị thuyết phục và liên hệ với một người bạn khác để cùng thành lập nên công ty Heritage Beverage vào tháng 2/1994, chuyên về nhập khẩu bia.
Đến giữa năm 1994, lô hàng bia Sài Gòn đầu tiên đã cập cảng Mỹ, được đóng trong các chai thể tích 450 ml. Tờ Los Angeles Times cho hay lô hàng bia Sài Gòn đầu tiên sang California có số lượng 3,2 triệu chai, trị giá 1,2 triệu USD. Tuy nhiên, do quy định của địa phương, sau này hãng phải chuyển sang đóng vào chai 335 ml để tương đương với 12oz, một chuẩn lưu hành các loại đồ uống tại Mỹ. Một năm sau đó, bia Sài Gòn được giới thiệu ở Vancouver, Canada.
Cùng với sự kiện Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, sau hai thập niên, bia Sài Gòn đã trở thành thức uống thường thấy với người dân tại các thành phố thuộc California, nơi có đông người dân gốc Việt sinh sống nhất như San Jose, San Francisco, Oakland, hay Orange County và sang cả các bang khác gồm Oregon, New York, New Jersey, Florida, Texas...
Hiện nay, ông Lee đóng vai trò là cố vấn cao cấp của Heritage Beverage, giúp điều phối việc kinh doanh giữa thị trường Mỹ và Việt Nam. Và sau khi bị SAM mua lại, chức Chủ tịch công ty được giao cho ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của quỹ. Vị này cũng là Việt kiều Mỹ và từng có thời gian dài học tập và làm việc tại San Jose, California. Trước khi dấn thân vào nghề quản lý tài chính, ông từng làm việc cho nhà máy sản xuất của Apple cũng như bộ phận bán hàng - marketing của hãng tại Cupertino, California.
Theo Heritage, hãng kỳ vọng thương vụ mua bán - sáp nhập này sẽ giúp tăng được doanh số và mở rộng thị phần ở Bắc Mỹ. Trong khi đó, ông Louis Nguyễn nhận định ngành công nghiệp bia nhập khẩu ở Mỹ và Canada đang phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu đồ uống vào Bắc Mỹ ngày càng lớn. Dự thảo văn kiện cho biết sau khoảng 10-11 năm, doanh nghiệp Việt sẽ được miễn thuế nhập khẩu bia vào Mỹ, Canada.
“Thương vụ này gắn liền với chiến lược dài hạn của chúng tôi, trở thành động lực đầu tiên trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt - Mỹ", đại diện SAM khẳng định.
Báo cáo của Brewersassociation cho hay thị trường bia Mỹ có giá trị 101,5 tỷ USD trong năm ngoái, tiếp tục tăng so với một năm trước. Quốc gia này đứng thứ hai thế giới về sản lương tiêu thụ bia, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, tại đây, bia nội vẫn chiếm ưu thế khi tổng sản lượng gấp 5 lần bia nhập khẩu. Bởi vậy, áp lực cạnh tranh đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam nói chung và bia Sài Gòn trước mắt rất lớn.
Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, đơn vị sở hữu thương hiệu bia Sài Gòn tiền thân là một xưởng bia nhỏ do ông Victor Larue, một người Pháp tại Đông Dương sáng lập vào năm 1875. Năm 1910, xưởng phát triển thành một nhà máy hoàn chỉnh, sản xuất bia, nước ngọt và nước đá. Tháng 9/1927, nhà máy được chính thức sát nhập vào hệ thống hãng BGI của Pháp, và năm 1977 được công ty Rượu Bia miền Nam quản lý. Từ đó, nhà máy được đổi tên thành Bia Sài Gòn.
Ngoài Mỹ và Canada, bia Sài Gòn còn có mặt ở 10 quốc gia khác trên thế giới, với sản lượng xuất khẩu không ngừng tăng. 6 tháng đầu năm, các thương hiệu như Saigon Export, Saigon Special, Saigon Lager... đạt gần 1,6 triệu lít xuất ngoại, tăng 43% so với cùng kỳ 2014. Trong nước, công ty chiếm gần 40% thị phần với sản lượng năm ngoái đạt gần 1,4 tỷ lít.