Trong báo cáo về doanh nghiệp gia đình toàn cầu vừa công bố, Credit Suisse đã đưa ra danh sách 920 công ty gia đình lớn nhất thế giới. Các công ty trong danh sách này đều là công ty đã niêm yết và có giá trị vốn hóa thị trường ít nhất là 1 tỷ USD, trong đó, cổ phần do một gia đình sở hữu ít nhất phải là 20%.
Điểm mặt chiêu “biến lỗ thành lãi”
- Cập nhật : 11/03/2016
(Tin Kinh Te)
Một chiêu “đánh bóng”, kích giá cổ phiếu, là công ty mẹ tuyên bố sẽ thanh lý công ty con trong thời gian ngắn với hàm ý họ chỉ kiểm soát công ty con tạm thời, từ đó để loại trừ công ty con ra khỏi BCTC hợp nhất.
Nhiều chiêu trò, mánh khóe làm đẹp báo cáo tài chính (BCTC) của DN nhằm che đậy sự thật kết quả kinh doanh, đánh lừa NĐT, tác động xấu đến tính minh bạch trên TTCK đã được giới chuyên môn chỉ mặt, điểm tên tại Hội nghị lưu ý các sai sót và vướng mắc thường gặp trong lập và kiểm toán BCTC của công ty đại chúng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) vừa tổ chức.
Theo lãnh đạo Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) chỉ ra, DN có một khoản nợ quá hạn thanh toán, họ liền ký với đối tác hợp đồng gia hạn khoản nợ để từ chỗ phải trích lập thành không trích lập dự phòng. Điều này dẫn đến không ít trường hợp đã bóp méo BCTC từ lỗ thành lãi. Tuy gia hạn nợ là quyền dân sự của DN, nhưng theo quy định kế toán, việc này không được phép thực hiện khi lập BCTC.
Theo bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó chủ tịch VACPA, việc các DN không hiểu do vô tình hay cố ý không trích lập dự phòng cho tài sản và nợ phải trả; không phản ánh đúng tài sản và nguồn vốn, doanh thu, chi phí; thuyết minh BCTC không đầy đủ các nội dung theo quy định… đã biến DN từ lỗ thành lãi, đã gây rủi ro cho các bên sử dụng BCTC.
Một chiêu “đánh bóng”, kích giá cổ phiếu, là công ty mẹ tuyên bố sẽ thanh lý công ty con trong thời gian ngắn với hàm ý họ chỉ kiểm soát công ty con tạm thời, từ đó để loại trừ công ty con ra khỏi BCTC hợp nhất.
Đại diện Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính khẳng định chiêu lách này là sai, bởi theo quy định hiện hành, quyền kiểm soát của công ty mẹ chỉ là tạm thời phải được xác định ngay tại thời điểm mua cổ phần của công ty con, chứ không phải khi lập BCTC.
Nếu tại thời điểm mua mà công ty mẹ đã phân loại khoản đầu tư là công ty con, sau đó công ty mẹ dự kiến thoái vốn trong thời gian dưới 12 tháng hoặc công ty con dự kiến phá sản, giải thể, sáp nhập, chấm dứt hoạt động trong thời hạn dưới 12 tháng, thì không được coi là quyền kiểm soát tạm thời…
Kết quả hoạt động kinh doanh của công ty con phải được đưa vào BCTC hợp nhất kể từ ngày công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con và chấm dứt vào ngày công ty mẹ thực sự chấm dứt quyền kiểm soát công ty con. Khoản đầu tư vào DN phải hạch toán theo chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” kể từ khi DN đó không còn là công ty con và cũng không trở thành công ty liên doanh, liên kết…
Từ kinh nghiệm của mình TS. Hà Thị Ngọc Hà chỉ ra những lỗi được xem là sơ đẳng trong BCTC của các công ty đại chúng như chưa phân loại đúng tài sản và nợ phải trả ngắn hạn, dài hạn; chưa ghi nhận và thuyết minh đúng quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán DN. Các DN còn hay mắc phải nhiều sai sót trong ghi nhận doanh thu như: chưa phân biệt doanh thu kế toán và doanh thu, thu nhập khác chịu thuế.
“Tôi đến làm việc với một DN niêm yết, thì phát hiện họ có tòa nhà cao tầng vừa sử dụng là trụ sở làm việc, vừa cho thuê đến 2/3 diện tích. Thế nhưng trong BCTC của DN này không có doanh thu từ hoạt động đầu tư bất động sản. Khi kiểm toán viên chỉ ra sai sót này, các DN cần tự giác điều chỉnh, để đảm bảo tính chuẩn xác”, bà Hà cho biết.
Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự thay đổi của chính DN, cũng như cần tăng sức ép từ nhà quản lý, các chuyên gia chứng khoán đề nghị UBCK, với tư cách là cơ quan chấp thuận cho các công ty kiểm toán được phép kiểm toán cho các công ty có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, cần yêu cầu các công ty niêm yết tuân thủ các đề xuất hợp pháp của kiểm toán viên.
Đây là giải pháp nhằm góp phần đảm bảo độ “sạch”, chuẩn xác cho các BCTC kiểm toán, tránh rủi ro cho các bên sử dụng.
Thái Hương
(Thời báo Ngân hàng)