Nhiều mặt hàng của Việt Nam đang tìm đường vào Thái để lập lại thế cân bằng thương mại giữa hai nước.
Nội chiến gia đình làm lung lay giới tài phiệt Hong Kong
- Cập nhật : 09/06/2017
Bất hòa giữa người nhà vì tranh chấp tài sản đang trở thành mối họa cho việc kinh doanh và chuyển giao thế hệ của các gia đình tài phiệt giàu có nhất Hong Kong.
Khi các gia đình tài phiệt ở Hong Kong chia rẽ vì vấn đề thừa kế, họ trở thành đề tài khai thác màu mỡ của truyền thông.
Đối với các công ty đại chúng, hiềm khích trong gia đình có thể ảnh hưởng tới các cuộc họp ban giám đốc và làm biến động thị trường, khi hàng tỷ USD cổ phiếu có khả năng rơi vào tay các nhà đầu tư.
Joseph Fan, chuyên gia về doanh nghiệp gia đình của Đại học Trung Văn Hương Cảng, cho rằng các doanh nghiệp gia đình sẽ "duy trì phổ biến và hiệu quả" ở Trung Quốc trong 30 năm tới.
“Vấn đề của các gia đình Trung Quốc là họ không chuyển giao tài sản cho đến khi người đứng đầu qua đời”, ông nói.
Huynh đệ tương tàn
Gia đình họ La, một trong những nhà phát triển bất động sản giàu có nhất Hong Kong, vẫn chưa hóa giải được thù hận giữa các thành viên thuộc thế hệ thứ 2.
Được vợ chồng La Ưng Thạch sáng lập vào những năm 60, Great Eagle Holdings nắm giữ hai công ty đại chúng trị giá hơn 60 tỷ đô la Hong Kong (7,7 tỷ USD).
Trước khi qua đời vào năm 2009, người đứng đầu gia tộc đã chỉ định con trai thứ 3 của ông là La Gia Thụy làm chủ tịch tập đoàn và thành lập quỹ tín thác gia đình được giám sát bởi Tổ chức Tín thác Quốc tế HSBC.
Sóng gió bắt đầu vào tháng 12/2016, khi bà La Đỗ Lê Quân, 97 tuổi, nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao để chấm dứt vai trò của HSBC và giành quyền phân chia tài sản thừa kế cho các thành viên trong gia đình.
Sáu con trai và ba con gái trong gia đình đã chia thành 2 phe: con trai cả, con trai thứ hai và con trai út ủng hộ mẹ chấm dứt quyền điều hành quỹ của HSBC, trong khi Chủ tịch Tập đoàn Great Eagle, La Gia Thụy, liên kết với em trai thứ tư và thứ năm chống lại việc chuyển đổi.
Theo ông La Khang Thụy, sự chia rẽ trở nên công khai vào Ngày của Mẹ (14/5), khi 3 người con ủng hộ bà La được dự tiệc cùng mẹ trong khi những người khác bị cấm tham dự.
“Niềm tin giữa 2 bên đã mất hoàn toàn”, ông La Khang Thụy, con trai thứ tư của gia đình, chủ tịch của Shui On Land, cho biết. Cùng với anh và em trai, ông Thụy phản đối việc chấm dứt vai trò giám sát quỹ tín thác của HSBC. “Tới lúc này, tôi không biết phải làm sao mới dàn xếp được tình hình”, ông nói.
Về phần mình, bà La Đỗ Lê Quân phản đối việc công khai cuộc xung đột gia đình, đồng thời bác bỏ thông tin bà bị thao túng.
“Tôi cảm thấy tiếc cho HSBC”, John Ashwood, giám đốc điều hành Zedra tại Hong Kong, chuyên gia về dịch vụ tín thác, nói. “Những chuyện đang diễn ra không liên quan gì tới hoạt động của quỹ tín thác mà là một cuộc tranh chấp trong gia đình họ La”, Ashwood nhận xét.
Khó khăn khi chuyển giao thế hệ
Theo chuyên gia Joseph Fan của Đại học Trung Văn Hương Cảng, mối thù hằn trong gia đình họ La cho thấy các quỹ tín thác, một phương thức thừa kế phổ biến trong các gia đình tài phiệt Hong Kong, có thể khiến những người thụ hưởng bị chia rẽ như thế nào.
Các khách hàng tiềm năng và nhân viên môi giới bất động sản xếp hàng bên ngoài văn phòng kinh doanh của Park Yoho Venezia, khu căn hộ do Sun Hung Kai Properties Ltd. phát triển, ngày 25/6/2016. Sun Hung Kai là nhà phát triển lớn nhất Hong Kong về giá trị thị trường. Ảnh: Bloomberg.
“Vấn đề của quỹ tín thác là khi có bất đồng, họ không thể trực tiếp mua lại phần tài sản của người kia vì họ không phải là chủ sở hữu thực sự của tài sản gia đình. Tài sản thuộc về quỹ tín thác gia đình. Họ chỉ là người thụ hưởng”, ông Fan nói với South China Morning Post.
Ông Fan cho biết hòa giải nội bộ là điều không thể trong hoàn cảnh này vì quỹ tín thác gia đình là một cấu trúc pháp lý, thứ rất khó thay đổi.
“Cách tốt nhất để lên kế hoạch thừa kế là chuẩn bị về mặt con người trước khi chuyển giao tài sản. Việc này sẽ mất nhiều thời gian, có thể là khoảng 20 năm, để các thành viên trong gia đình học cách hợp tác, yêu thương và hòa hợp lẫn nhau”, ông bình luận.
Trước vụ xung đột ở nhà họ La, không ít gia đình giàu có khác ở Hong Kong cũng vướng vào tranh chấp. Đáng chú ý là trường hợp của Tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai vào năm 2008 và Tập đoàn Nan Fung vào năm 2012.
Năm 2008, chủ tịch Tập đoàn Sun Hung Kai là Quách Bính Sương, người lãnh đạo công ty trong 18 năm sau khi kế vị người cha quá cố, đã bị các anh chị em và người mẹ 80 tuổi lật đổ. Đến năm 2014, vị trí của ông mới được khôi phục.
Năm 2012, sau khi Trần Đình Hoa, người sáng lập của Nan Fung, qua đời, vợ cũ của ông đã kiện cô con gái út, Vivien Trần, do tranh chấp về việc chia tài sản. Người mẹ đã thắng kiện và nhận được 1/3 khoản tiền, tương đương khoảng 1,5 tỷ đô la Hong Kong.
Hà Hồng Sân, ông trùm sòng bạc Macau, trong bức ảnh chụp ở Hong Kong năm 1993. Năm 2011, ông Hà đã nộp đơn kiện một số thành viên trong gia đình do tranh chấp cổ phần. Ảnh: Getty.
Gia đình của ông trùm sòng bạc Hà Hồng Sân, gồm 16 người con và 4 bà vợ, cũng không tránh khỏi nội chiến. Ông trùm sòng bạc, hiện 95 tuổi, đã nộp đơn kiện một số thành viên trong gia đình vào năm 2011 do tranh chấp cổ phần trong đế chế casino Macau trị giá khoảng 1,6 tỷ USD.
Ông đã bỏ vụ kiện sau khi các thành viên trong gia đình đạt được thỏa thuận chung về cổ phần. Tuy nhiên, chuyện lục đục trong nhà của ông vua sòng bạc đã được thiên hạ tỏ tường trước đó.
“Di chúc, quỹ tín thác và kế hoạch thừa kế là những việc làm cần thiết để chuyển giao tài sản nhưng điều này có thể vẫn chưa đủ để ngăn những bất hòa nảy sinh trong quá trình chuyển giao thế hệ, đặc biệt đối với khoản tiền và tài sản lớn”, Thomas Ang, trưởng phòng dịch vụ gia đình, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Credit Suisse, nhận định.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng UBS, các tỷ phú ở Đức và Thụy Sỹ là những người giỏi nhất trong việc chuyển giao tài sản cho người kế nhiệm.
Hong Kong xếp thứ 9 trong số 14 vùng lãnh thổ được khảo sát, sau Singapore và Ấn Độ.
Theo Zing news