Jollibee hiện là công ty kinh doanh nhà hàng lớn nhất ở Philippines với hơn 3.000 cửa hàng, trong đó có Burger King Philippines.
Cuộc chiến xe đạp tại Trung Quốc
- Cập nhật : 07/05/2017
Chỉ bỏ ra khoảng 0,14 USD, cô Cao Dachui có ngay một xe đạp để di chuyển từ một ga tàu điện ngầm đến chỗ làm ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc trong hành trình dài khoảng 800 m.
Cô có thể để xe tại bất kỳ đâu, chỉ cần khóa bánh sau mà không lo mất xe. Người phụ nữ 27 tuổi này cho biết dịch vụ mang tên Mobike nói trên giúp cuộc sống mình trở nên dễ dàng hơn bởi nếu đi bộ, cô có thể mất gấp đôi thời gian so với đi xe đạp. Sau khi tải ứng dụng xuống điện thoại thông minh, cô Cao dùng nó để tìm xe đạp ở gần vị trí mình nhất và thanh toán cho mỗi lần thuê với mức phí khoảng 0,07 USD/nửa giờ.
Các nhà phân tích cho rằng có 3 yếu tố đứng sau sự tái xuất hiện của xe đạp tại đất nước từng được mệnh danh là "Vương quốc xe đạp" này: nhiều tiền đầu tư, ý tưởng hay và sự ủng hộ của chính quyền. Kể từ tháng 3-2015, 2 dịch vụ chia sẻ xe đạp hàng đầu - Mobike và Ofo - đã thu hút được khoản tiền đầu tư 750 triệu USD từ trong và ngoài nước.
Lý giải về sức hút nói trên, bà Angela Cai, phát ngôn viên của Ofo, cho biết mô hình chia sẻ xe đạp có thể là một giải pháp thân thiện với môi trường cho bài toán dân số gia tăng và tình trạng ùn tắc giao thông ngày một tồi tệ. Dịch vụ loại này được thiết kế để giúp người sử dụng sau khi rời phương tiện giao thông công cộng nhanh chóng đến nơi làm việc hoặc vui chơi giải trí. Mô hình này còn có tiềm năng thay đổi cuộc sống ở đô thị hoặc tác động đến quyết định sống và làm việc ở đâu của khoảng 20 triệu người dân tại Bắc Kinh.
Không có gì lạ khi một cuộc chiến tranh giành thị phần trong ngành công nghiệp đang tăng trưởng nóng này. Theo trang Bloomberg, Didi Chuxing, dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng lớn nhất nước, vào cuối tháng 4, đã tích hợp Ofo vào ứng dụng điện thoại di động của mình. Sự hợp tác này cho phép Ofo có thể tiếp cận khoảng 400 triệu người đang sử dụng dịch vụ của Didi để gọi xe, taxi tại 400 thành phố khắp Trung Quốc.
Trước đó một tháng, ứng dụng truyền thông xã hội WeChat của hãng Tencent cũng tích hợp dịch vụ Mobike vào giao diện ví điện tử của mình. Bản thân Ofo và Mobike đang ấp ủ tham vọng mở rộng ra toàn cầu. Ofo đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tại 20 quốc gia và khoảng 200 thành phố tại Trung Quốc trong năm nay. Không thua kém, Mobike hứa hẹn mở rộng thị trường sang châu Âu và phát triển dịch vụ tại 100 thành phố ở Trung Quốc trong năm nay.
Dĩ nhiên là không phải ai cũng hoan nghênh sự phát triển của dịch vụ chia sẻ xe đạp tại Bắc Kinh. "Trong vài tháng qua, cơn sốt xe đạp trở nên điên rồ. Chúng giống như những con quái vật đang chiếm giữ thành phố. Đôi khi tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ đậu xe vì xe đạp ở khắp mọi nơi" - nhà thiết kế Huang Linwei, 29 tuổi, lái xe hơi từ ngoại ô Bắc Kinh đến thành phố làm việc mỗi ngày, phàn nàn với tờ The New York Times (Mỹ). Trong khi đó, một số người lại lo sợ dịch vụ chia sẻ xe đạp đe dọa sinh kế của họ. Ông Xu Jianmin, 56 tuổi, tâm sự thu nhập từ công việc chở khách sụt giảm kể từ khi hàng chục ngàn chiếc xe đạp của các dịch vụ chia sẻ bắt đầu xuất hiện trên đường phố.
Một nỗi lo còn lớn hơn là nguy cơ cuộc chiến giành thị phần lĩnh vực chia sẻ xe đạp trở nên quá khốc liệt và tốn kém khi các công ty khởi nghiệp đua nhau trợ giá hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí để lôi kéo người sử dụng. Nỗi lo này không phải không có cơ sở bởi ít nhất 25 công ty đang cung cấp loại hình dịch vụ này ở Trung Quốc.
Xuân Mai
Theo nld.com.vn