Oppo Việt Nam gửi thông báo khẳng định nguồn hàng từ FPT là "không chính thức". Công ty này tuyên bố hỗ trợ đại lý thu mua lại tất cả smartphone Oppo do FPT phân phối.
Công nghệ tạo bước nhảy vọt trong bán lẻ
- Cập nhật : 15/04/2016
(Tin kinh te)
Ông Pano Anthos, Giám đốc điều hành Công ty XRC Labs (DN Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về ngành bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng) cho biết, khảo sát mới nhất của công ty (năm 2015) đã chứng minh, cách mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới đã không thay đổi nhiều trong vòng 100 năm qua.
Đến nay, cách mua sắm thông thường vẫn là bước vào quầy, xem, thử sản phẩm, chọn mức giá phù hợp và mua. Sự thay đổi nhiều nhất là tiêu dùng theo điều kiện kinh tế của đất nước, của thời kỳ hiện tại (ví dụ, kinh tế suy thoái, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm hơn, chuyển mua sắm tiêu xài xa xỉ sang tiêu dùng thiết yếu). Và hiện nay, mặc dù có sự tham gia tích cực của công nghệ và thương mại điện tử, thì hành vi mua sắm cũng không mấy thay đổi.
Tuy nhiên, nhìn vào những lĩnh vực kinh doanh bán lẻ trên thế giới có thể thấy, nhiều thương hiệu công nghệ như Uber, AirBnB… đã tăng trưởng vượt trội trong vòng 100 năm trở lại đây. Nhờ vào công nghệ kết nối, giúp thông tin có được nhiều hơn, giúp các giao dịch, kinh doanh dễ dàng hơn.
Nếu trước khi có internet, việc mua sắm, thuê chỗ ở hay thuê xe thường khá khó khăn và ở quy mô nhỏ, giờ thì các dịch vụ như Airbnb, Uber và SnapGoods đã cho phép các bên cung và cầu dễ dàng gặp gỡ, mua sắm trao đổi.
Điện thoại thông minh với hệ thống định vị GPS cho phép người ta tìm thấy chiếc xe cho thuê ở gần đó, địa chỉ siêu thị gần nơi người mua nhất. Hay mạng xã hội cung cấp phương thức kiểm tra và hệ thống thanh toán trực tuyến xử lý việc thanh toán… Tất cả những ứng dụng công nghệ này sẽ là trợ thủ đắc lực để nhà bán lẻ tạo ra những sản phẩm dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng.
Tại thị trường Việt Nam, rất dễ nhận thấy những thương hiệu bán lẻ như Thế giới di động, Nguyễn Kim, Phong Vũ, Viễn Thông A… đã rấ́t thành công khi ứng dụng công nghệ vào kinh doanh. Các DN này đã làm tốt việc cung cấp dịch vụ cộng thêm, giúp cho khách hàng có những trải nghiệm dễ dàng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm thích hợp.
Bắt đầu từ khâu giới thiệu sản phẩm phù hợp với tiêu chí khách hàng về giá tiền, thương hiệu, chất lượng… trên trang website, để khách hàng có thể có một số chọn lựa trước khi quyết định đến mua tại cửa hàng. Tiếp đến là việc trở thành đại lý bảo hành cho các thương hiệu hàng đầu thế giới trong nhóm hàng kinh doanh của DN mình… đã giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và trở lại thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, hiện tại, người tiêu dùng ngày càng muốn biết sản phẩm họ sử dụng được làm từ nguyên vật liệu gì, từ đâu… Việc cung cấp nguồn lực và sự chỉ dẫn này chính là cung cấp dịch vụ, bên cạnh những sản phẩm đơn thuần.
Trong tương lai, khách hàng Việt Nam còn có thể tận hưởng sự linh động của nhà bán lẻ khi ứng dụng công nghệ, như cách thương hiệu Starbucks đang thực hiện tại những quốc gia phát triển. Đó là Starbucks tạo ra dịch vụ để khách hàng tự pha chế món uống theo công thức của mình. Và nhờ công nghệ, đã biến sở thích của khách hàng thành hiện thực vào thời điểm họ muốn.
Ông Pano Anthos khẳng định, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao những trải nghiệm mua sắm. Tại thị trường các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), 75% người tiêu dùng mong muốn có những trải nghiệm mua sắm thú vị. Và kỳ vọng của người tiêu dùng liên tục thay đổi theo thời gian, sẽ tác động đến cách các nhà bán lẻ tạo ra những trải nghiệm này.
Ví dụ, hãng xe hơi hàng đầu của Mỹ General Motors có lĩnh vực kinh doanh chính là xe hơi, nhưng gần đây hãng này đã đầu tư vào Công ty Lyft chuyên kinh doanh về vận tải chia sẻ. Bởi General Motors nhận ra, nhu cầu sở hữu xe hơi của người tiêu dùng ngày càng giảm, họ chỉ đơn giản là muốn di chuyển. Do vậy dịch vụ kinh doanh vận tải chia sẻ mang lại lợi nhuận đáng kể.
Thanh Trà
(Thời báo Ngân hàng)