NHTW Trung Quốc vừa tung ra động thái mới nhất nhằm ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế: cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tức lượng tiền mặt mà các ngân hàng của nước này phải dự trữ hoặc gửi tại các NHTW.
"Mùa đông đang đến" với giới startup công nghệ Trung Quốc
- Cập nhật : 12/09/2016
(Dau tu)
Thị trường vốn mạo hiểm trong ngành công nghệ Trung Quốc đang trở nên nguội lạnh hơn bao giờ hết khi các nhà đầu tư thắt chặt hầu bao.
Trong nhiều năm qua, giới startup công nghệ Trung Quốc đã trở thành cục nam châm thu hút các nhà đầu tư. Nhưng hiện nay, môi trường đầu tư đã đi xuống đến nỗi những người trong nghề than thở rằng, họ đang phải sống trong “mùa đông băng giá”.
Bong bóng khởi nghiệp ở Trung Quốc chưa đến mức vỡ vụn, nhưng những con số cho thấy tình hình rất đáng báo động. Trong nửa đầu năm 2016, 173 quỹ đầu tư mạo hiểm mới ở Trung Quốc chỉ gọi được số vốn trị giá 11,8 tỷ USD. Số quỹ đầu tư và số vốn đã giảm tương ứng 42% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà đầu tư mạo hiểm chỉ thực hiện tổng cộng 1.264 khoản đầu tư, giảm 1/3 so với một năm trước.
“Chưa đến mức rơi khỏi vách núi, nhưng thị trường đang nguội lạnh thấy rõ”, Fan Bao, giám đốc ngân hàng đầu tư China Renaissance có trụ sở ở Bắc Kinh nói. Ông cho biết các start-up giai đoạn đầu đang gặp khó khăn nhiều nhất trong bối cảnh nguồn vốn suy giảm. Trong khi đó, các công ty ở giai đoạn sau đang phải thích nghi với môi trường mới bằng cách cắt giảm chi phí và kiểm soát dòng tiền chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng tưởng chậm chất trong 25 năm và lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác sụt giảm, nhà đầu tư đã rót tiền vào ngành công nghệ Trung Quốc trong năm ngoái nhằm tìm kiếm cơ hội kiếm lời cao hơn.
Theo pedata.cn, các nhà đầu tư thiên thần đã đổ 1,52 tỷ USD vào các start-up trong năm 2015, tăng gấp ba so với 2014. Nhiều công ty sinh ra trong cơn sốt đầu tư của vài năm qua được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh như ứng dụng gọi xe Didi Chuxing.
Song, áp lực đầu tư vào các start-up “hot” khiến các quỹ không có nhiều thời gian điều tra hoạt động của chúng trước khi đặt bút ký hợp đồng với nhà sáng lập. “Nếu bạn không nhanh chân, ngay khi bước ra khỏi cuộc họp, họ sẽ được các quỹ đầu tư mạo hiểm khác tới tấp gọi điện và giá trị công ty có thể ngay lập tức tăng từ 20% đến 50%”, Wu Shichun, nhà sáng lập của Plum Ventures nói.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của một năm trước. Các nhà đầu tư hiện nay đã không còn dễ dãi nữa. Wu và nhiều nhà đầu tư khác cho biết, điều họ sợ nhất bây giờ là chọn nhầm start-up và trả giá quá cao.
Các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn vì triển vọng thoái vốn ở start-up Trung Quốc đang trở nên mờ mịt. Các start-up đang xếp hàng dài để chờ chính phủ phê duyệt niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tình trạng này có thể còn kéo dài từ hai đến ba năm nữa.
“Không có nhiều cơ hội thoái vốn tốt. Điều đó làm các quỹ đầu tư mạo hiểm chùn tay hơn với các khoản đầu tư mới và không còn hào phóng định giá cao như trước nữa”, Wang Ran, chủ tịch ngân hàng đầu tư China eCapital có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết.
Chưa có dữ liệu chính thức về những thay đổi trong hoạt động định giá của các start-up công nghệ Trung Quốc. Nhưng nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và các ngân hàng đầu tư cho biết, việc định giá ở các vòng gọi vốn mới đang giữ nguyên hoặc giảm. Điều này có nghĩa là các start-up hiện nay chỉ gọi được số vốn bằng hoặc thấp hơn trước.
Theo Dow Jones VentureSource, Trung Quốc là nước sở hữu số kỳ lân, những start-up được định giá hơn 1 tỷ USD, nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ. Thế nhưng, sức sống của những chú kỳ lân này đang trở nên èo uột hơn bao giờ hết.
“Trong hai năm qua, nhà đầu tư nào cũng muốn thấy tên mình trên danh sách nhà đầu tư của các start-up kỳ lân. Giờ thì họ đang cầu nguyện mình không có tên trên danh sách nhà đầu tư của các chú kỳ lân chết”, Zeng Liqing, một nhà đầu tư thiên thần và là đồng sáng lập của đại gia Internet Trung Quốc Tencent nói.
Ví dụ điển hình của hiện tượng trên là Xiaomi. Trong vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 12/2014, Xiaomi đã được định giá tới 46 tỷ USD và trở thành start-up giá trị nhất Trung Quốc. Song, tăng trưởng doanh số điện thoại của Xiaomi đang tuột dốc không phanh trong bối cảnh trị trường smartphone bão hòa. Nhiều chuyên gia ước đoán, giá trị của Xiaomi bây giờ chỉ còn dưới 4 tỷ USD.
Beijing Beequick Internet Technology, một startup khác cũng đang trải qua tình trạng tương tự. Năm ngoái, công ty này vẫn còn là “cục cưng” của các nhà đầu tư. Ra mắt vào tháng 5/2014, công ty này đã gọi được số vốn 90 triệu USD trong hơn một năm. Nhưng đã một năm trôi qua kể từ vòng gọi vốn mới nhất, start-up này vẫn tỏ ra im hơi lặng tiếng. CEO của Beequick, Tony Zhang cho biết công ty đang trong tình trạng khó khăn và phải thắt lưng buộc bụng.
Zhang nói, để giúp công ty tồn tại, anh phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, cắt giảm chi tiêu và giảm số nhân viên từ 1.100 xuống 700. Mục tiêu của Beequick trong năm 2016 là đạt được lợi nhuận một nhân dân tệ sau khi trừ mọi chi phí. “Không dễ để làm được điều đó”, Zhang nói.