tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Công nghệ đang làm thay đổi chuỗi cung ứng ra sao?

  • Cập nhật : 20/10/2017

Các tiến bộ công nghệ đang làm thay đổi hệ thống tài chính chuỗi cung ứng (SCF), mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cung cấp lẫn doanh nghiệp mua hàng.

nguon anh: economist

Nguồn ảnh: Economist

Năm 2015, Kiddyum, một công ty nhỏ tại Manchester (Anh) chuyên cung cấp các bữa ăn đông lạnh sẵn cho trẻ em, đã giành được hợp đồng với chuỗi siêu thị lớn Sainsbury's. Người sáng lập Kiddyum là Jayne Hynes đã rất vui mừng trước thành quả này.

Tuy nhiên, điều này có thể khiến dòng tiền của Kiddyum gặp khó khăn. Bởi Sainsbury's thường trả tiền cho các nhãn hàng trong 60 ngày, trong khi Kiddyum phải thanh toán cho các nhà cung cấp của họ trong vòng 30 ngày.

May mắn thay, Kiddyum đã nhận được tiền từ Sainsbury's chỉ trong vòng vài ngày. Một khi các hóa đơn đã được Sainsbury chấp thuận, dữ liệu sẽ được nạp vào hệ thống tài chính chuỗi cung ứng (supply-chain finance - SCF) của hãng, vốn được vận hành bởi một công ty của Mỹ là PrimeRevenue. Từ đây, thông tin sẽ được chuyển sang ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS), và RBS sẽ thanh toán cho Kiddyum sớm. Để được thanh toán nhanh, Kiddyum chỉ phải trả một khoản phí rất thấp so với chi phí đi vay thông thường. Về phần Sainsbury's, chuỗi siêu thị này sẽ trả tiền lại cho RBS một khi các hóa đơn tới hạn thanh toán.

Thay đổi luật chơi

Từ xưa đến nay, các nhà cung cấp thường xuyên gặp khó khăn trong việc bảo đảm tài chính trong giai đoạn giữa lúc sản xuất và lúc nhận thanh toán. Thông thường, họ có thể đi vay tiền, hoặc bán lại khoản phải thu - hóa đơn chưa thanh toán - với mức chiết khấu, được gọi là bao thanh toán (factor).

Hệ thống SCF hiện đại, vốn ra đời cách đây khoảng 25 năm, mang lại một điểm hay là cho phép các nhà cung cấp được hưởng lợi từ mức đánh giá tín dụng (và chi phí đi vay thấp hơn) từ các khách hàng lớn của họ. Từ đó, tiền mặt thay thế khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán, và những doanh nghiệp mua hàng có thể kéo dài thời hạn thanh toán (từ 60 đến 90 ngày), vì biết rằng các nhà cung cấp sẽ ít bị kẹt tiền hơn. Các ngân hàng cũng được hưởng lợi vì có thể tiếp cận được các nguồn tài sản chất lượng cao.

Hoạt động SCF đang phát triển rất mạnh mẽ. BCR Publishing ước tính rằng vào cuối năm 2014, các ngân hàng và hoạt động bao thanh toán có tổng quỹ khoảng 40-50 tỷ euro. Nhà tư vấn Thomas Olsen của Bain cho biết thị trường này đang tăng trưởng 15-25%/năm ở châu Mỹ và 30-50%/năm ở châu Á, trong đó thực phẩm và bán lẻ là những ngành hoạt động tích cực nhất. Naveed Sultan, người đứng đầu bộ phận tài chính thương mại của Citigroup, cũng nói rằng SCF là mảng phát triển nhanh nhất của ông.

Dư địa để tăng trưởng cho SCF vẫn còn rất lớn. Nghiên cứu mới của MIT và Harvard cho thấy các nhà cung ứng B2B (mua bán giữa doanh nghiệp với nhau) tại Mỹ đang mang lại việc làm cho 44 triệu người. Trong số đó, khoảng 26,8 triệu người đang tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính rằng nhu cầu chưa được đáp ứng trong lĩnh vực tài chính thương mại có trị giá lên tới 1,5 nghìn tỷ USD/năm.

Công nghệ lấn sân

Giờ đây, các công ty công nghệ đang lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực chuỗi cung ứng, chủ yếu thông qua các nền tảng kết nối người mua và nhà cung cấp với các nguồn tài chính. Ví dụ, PrimeRevenue đã kết nối được 70 công ty cho vay, bao gồm hơn 50 ngân hàng, với 25.000 nhà cung cấp, với tổng giá trị hóa đơn khoảng 7 tỷ euro mỗi tháng.

Innervation Finance (Mỹ) thì chuyên phục vụ các nhà cung cấp được điều hành bởi những người thuộc nhóm cần trợ giúp (dân tộc thiểu số, phụ nữ, cựu chiến binh, người tàn tật, người đồng tính...). CEO Mark Ferguson của Innervation cho biết chi phí đi vay của các công ty thuộc nhóm này có thể cao gấp 2-3 lần so với các doanh nghiệp nhỏ khác.

Nhiều ngân hàng cũng đang thiết lập các chương trình SCF. Ngân hàng quốc doanh Baroda của Ấn Độ, vốn là ngân hàng lớn thứ 5 nước này tính theo tổng tài sản, vừa khởi động chương trình SCF cách đây vài tháng. Người điều hành bộ phận này là Litesh Majethia thừa nhận rằng các ngân hàng đối thủ đã có chỗ đứng khá vững chắc trong lĩnh vực này. Nhưng khi xét rằng các công ty vừa và nhỏ ở Ấn Độ có nhu cầu vốn lên tới 400 tỷ USD, ông Majethia cho rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Tuy nhiên, các ngân hàng không phải lo lắng về việc bị lật đổ bởi các startup công nghệ, thay vào đó đôi bên có thể chung sống theo hình thức cộng sinh. Hai ngân hàng lớn là HSBC và Santander đã liên kết với nền tảng tài chính Tradeshift, hiện đang kết nối hơn 1,5 triệu người mua và nhà cung cấp trên toàn cầu. HSBC cũng đã hợp tác với nền tảng quản lý chuỗi cung ứng GT Nexus.

Thông qua các quan hệ đối tác này, phía ngân hàng có thể tìm được các nhóm khách hàng mới, còn các công ty tham gia vào các nền tảng công nghệ mới có thể tiếp cận nguồn vốn dễ hơn. Tuy nhiên, các ngân hàng địa phương cỡ nhỏ có thể bị thất thế, một khi các nhà cung cấp chuyển sang đi vay từ các ngân hàng lớn.

Công nghệ đang mở ra nhiều khả năng hơn. Công ty công nghệ tài chính C2FO chuyên đóng vai trò kết nối nhà cung cấp với người mua, dựa theo yêu cầu thanh toán và mức lãi suất mà nhà cung cấp mong muốn, và từ đó tìm những người mua sẵn sàng đáp ứng. Nhà sáng lập Sandy Kemper của C2FO cho biết nền tảng của ông có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà cung cấp cỡ nhỏ, và linh hoạt hơn nhiều so với hoạt động SCF truyền thống. Gần đây, C2FO cũng đã hợp tác với Citigroup theo quan hệ đôi bên cùng có lợi: Citi có thể cho vay nhiều hơn, còn C2FO có thể tiếp cận các khách hàng lớn của Citi.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang tìm hiểu khả năng ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) vào SCF. Nhà tư vấn Olsen của Bain cho rằng sân chơi này đang có rất nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, với thành phần tay chơi đa dạng: các ngân hàng đơn lẻ, những nhóm liên minh ngân hàng, các nền tảng công nghệ, và những đại gia thương mại điện tử như Amazon hay Alibaba.

D.T
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục