Việc xuất khẩu và buôn bán đồ cũ của người Nhật có thể phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD tại Đông Nam Á.
Cận kề khủng hoảng, Samsung đi tìm tương lai mới
- Cập nhật : 24/10/2017
Việc Phó Chủ tịch Kwon Oh-hyun, người phụ trách bộ phận bán dẫn, bất ngờ tuyên bố từ chức đã đặt ra nhiều mối quan ngại về tương lai của Samsung.
Việc Phó Chủ tịch Kwon Oh-hyun, người phụ trách bộ phận bán dẫn, bất ngờ tuyên bố từ chức đã đặt ra nhiều mối quan ngại về tương lai của Samsung.Nguồn ảnh: Getty Images
Khi Samsung Electronics trở thành hãng công nghệ sinh lời nhất thế giới mùa hè này thì đó cũng là thời điểm bước ngoặt trong lịch sử của Công ty: đánh dấu một cuộc chuyển mình dài hàng thập niên từ một nhà cung cấp hàng tiêu dùng giá rẻ trở thành một thương hiệu hộ gia đình toàn cầu. Giữa tháng 10 vừa qua, Công ty gửi lời nhắn rằng sức sống mãnh liệt của Samsung sẽ tiếp tục kéo dài, ước tính mức lợi nhuận kỷ lục cho quý III lên tới 14.500 tỉ won (12,8 tỉ USD), gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng ngay sau đó lại dấy lên mối quan ngại về tương lai của Samsung trước sự thay đổi thế hệ lãnh đạo theo sau sự kiện tuyên bố từ chức đầy bất ngờ của Phó Chủ tịch Kwon Oh-hyun, cũng đồng thời đang dẫn dắt bộ phận thành công nhất của Công ty: chất bán dẫn.
“Khi chúng tôi đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ cả bên trong lẫn bên ngoài, tôi tin rằng thời khắc đã điểm để Công ty bắt đầu lại một lần nữa, với tinh thần mới và dàn lãnh đạo trẻ trung”, Kwon nói. Ông đang đề cập đến những vấn đề quản lý nội bộ bắt nguồn từ vụ nhà lãnh đạo công ty là Lee Jae-yong gần đây bị bắt giam do bị cáo buộc tham nhũng, cũng như các thách thức bên ngoài khi Samsung “chưa tìm ra những động cơ tăng trưởng mới bằng cách nắm bắt các xu hướng tương lai ngay từ bây giờ”.
Samsung đã cho thấy tham vọng của mình ở những công nghệ có lợi thế cạnh tranh như trí tuệ nhân tạo, hệ thống xe không cần người lái cũng như các thiết bị và ngôi nhà thông minh được kết nối internet. Nhưng giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng. Nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng của nhà sản xuất smartphone này trong việc đưa ra các quyết định dài hạn quan trọng sau sự kiện Lee Jae-yong bị bắt giam. “Có một câu hỏi lớn về triển vọng phát triển dài hạn của Samsung. Các nhà đầu tư hoàn toàn không biết về các động cơ tăng trưởng mới của Samsung khi Công ty không hề đưa ra các kế hoạch nào, đặc biệt kể từ khi Lee Jae-yong ngồi tù”, Kim Young-woo, nhà phân tích tại SK Securities, nhận xét.
Kỳ vọng ở sản xuất chip
Mặc dù nổi tiếng hơn với những chiếc smartphone Galaxy nhưng có công nhiều nhất trong việc đem lại mức lợi nhuận kỷ lục cho Samsung lại là những khoản đầu tư khôn ngoan cách đây nhiều năm vào lĩnh vực sản xuất chip do Lee Kun-hee thực hiện (Lee Kun-hee là cha của Lee Jae-yong và là Chủ tịch Samsung trên danh nghĩa).
Hiện ngành sản xuất chip đang trong “siêu chu kỳ” khi chứng kiến nhu cầu tăng mạnh đối với ngày càng nhiều thiết bị kết nối internet và di động. Mùa hè này, Samsung đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ trị vì suốt 25 năm của Intel ở vị thế là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhờ giá tăng mạnh đối với chip nhớ Dram và NAND của Công ty. Nhiều người tin rằng ít nhất trong trung hạn Samsung có thể tiếp tục đà đi lên này và sử dụng thế mạnh sản xuất chip của mình để bước vào các lĩnh vực tăng trưởng mới.
“Mảng chip nhớ của Samsung rất tốt. Doanh nghiệp này có thể tiến quân vào các lĩnh vực mới, sử dụng sức mạnh trong mảng chip hiện tại khi chúng ta đang trong một thời đại mới nơi mà năng lực chip sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng”, Marcello Ahn, một nhà quản lý quỹ tại Quad Investment, nhận xét.
Ahn nói thêm: “Các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Google, Amazon và Facebook sẽ cần ngày càng nhiều chip được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng từ Samsung khi họ xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn có công suất mạnh. Họ sẽ rất cần đến sự giúp đỡ của các nhà sản xuất chip nhớ để có công suất lưu trữ cao hơn và các dịch vụ đám mây đa dạng”.
Thế mạnh của Samsung trong mảng sản xuất chip cũng có thể tiếp sức cho tham vọng của Công ty trong lĩnh vực xe không người lái. Lee Seung-woo, chuyên gia phân tích tại Eugene Investment & Securities, ước tính đến năm 2020, ngành xe không người lái sẽ cần đến 4.000 gigabyte dữ liệu mỗi ô tô mỗi ngày, đồng nghĩa với “năng lực chip nhớ khổng lồ”.
Samsung cho biết không có ý định sản xuất xe không người lái của riêng mình. Tuy nhiên, Công ty đang thử nghiệm phần mềm xe không người lái dùng cho những chiếc xe Hyundai chạy trên các con đường ở Hàn Quốc và California (Mỹ). Năm ngoái, Samsung đã mua lại nhà cung cấp linh kiện ô tô Mỹ Harman International, nhằm mang lại cho Công ty lợi thế về các công nghệ ô tô kết nối internet.
“Trong tương lai, một chiếc ô tô sẽ là máy chủ có chức năng cao, chỉ khác là máy chủ này có bánh xe. Samsung đang chuẩn bị để trở thành người chơi chính trong thời đại xe không người lái, dù lĩnh vực kinh doanh mới này có thể sẽ không mang lại doanh thu ngay tức thì”, Peter Yu, chuyên gia phân tích tại BNP Paribas, nhận xét. “Xe không người lái sẽ đòi hỏi năng lực xử lý dữ liệu khổng lồ và Samsung có thể cung cấp các thành phần cần thiết bao gồm các cảm biến, chip lưu trữ, camera và màn hình”, ông nói thêm.
Theo Yu, việc các hệ thống thông tin giải trí ngày càng phổ biến sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các màn hình cong OLED của Samsung. Công ty cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), với mức chi tiêu lên tới hơn 12 tỉ USD vào năm ngoái, trong khi thực hiện các khoản đầu tư để tăng cường các năng lực mới.
Trông chờ vào M&A
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích vẫn rất hoài nghi liệu Samsung có năng lực để theo đuổi một lĩnh vực kinh doanh dựa trên phần mềm, như xe không người lái hay các thiết bị gia đình kết nối internet. “Để phát triển trí tuệ nhân tạo và các công nghệ Internet of Things, Samsung cần phải thâu tóm các nhà sản xuất phần mềm có năng lực cạnh tranh để bù đắp vào sự yếu kém của mình trong lĩnh vực nói trên. Nhưng rất khó mà trông đợi bất kỳ thương vụ M&A quy mô lớn nào khi ông Lee vẫn còn ở trong tù”, Kim thuộc SK Securities nhận xét.
Cũng như Kim, nhiều người tin rằng vụ việc của ông Lee Jae-yong có thể tác động đến quá trình ra quyết định ở một công ty nổi tiếng với mô hình quản lý “kiểu đế vương”. “Đây hẳn là một thời khắc cực kỳ đáng sợ đối với các nhà điều hành Samsung. Họ giờ chỉ có một mình”, Kim Woo-chan, Giáo sư Kinh doanh tại Đại học Hàn Quốc, nói đến thái độ do dự của dàn lãnh đạo Samsung khi ra các quyết định điều hành.
Ông Lee, Phó Chủ tịch Samsung, hồi tháng 8 vừa qua đã bị kết án 5 năm tù giam vì hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Vài ngày sau khi bị kết án, một nhà điều hành cấp cao đã thừa nhận “các vấn đề khác nhau liên quan đến việc đưa ra các hoạt động đầu tư cho tương lai”.
Thách thức của Samsung không chỉ có thế. “Ngành công nghệ sẽ thay đổi rất nhanh trong những năm tới. Những thách thức trong các năm tới sẽ đến nhanh hơn và quyết liệt hơn so với những thách thức của thập niên vừa qua. Vì thế, Samsung sẽ rất khó đối phó với những thay đổi nhanh chóng như vậy chỉ bằng con đường tăng trưởng hữu cơ. Sẽ cần có nhiều thương vụ M&A hơn và “nhanh tay lẹ mắt” hơn, thì mới có thể thích ứng với môi trường đang thay đổi nhanh. Và Samsung cần một “đài kiểm soát” để lãnh đạo và điều phối… quá trình phát triển công nghệ”, Yu thuộc BNP Paribas nhận định.
Samsung cũng cho biết ông Lee Jae-yong không “can thiệp vào hoạt động điều hành hằng ngày nhưng lại đóng vai trò chủ chốt trong việc ra các quyết định mang tính chiến lược liên quan đến tăng trưởng tương lai và các mối liên minh hợp tác trong kinh doanh”.
Trong một diễn biến khác, mảng di động của Samsung đã khôi phục nhanh chóng kể từ cú tụt dốc vào năm ngoái khi buộc phải khai tử thiết bị Note 7 sau sự cố lỗi pin gây phát nổ. Bộ phận này được các chuyên gia phân tích dự báo sẽ đạt lợi nhuận hoạt động 3.100 tỉ won trong quý III năm nay, so với chỉ 100 tỉ won cách đây 1 năm (do vụ thu hồi và hủy các thiết bị Note 7). Samsung ghi nhận lợi nhuận hoạt động 3,5 tỉ USD trong quý II/2017 nhờ doanh số bán mạnh của chiếc smartphone S8, trong khi chiếc Note 8 mới tung ra gần đây cũng cho kết quả lạc quan, dự kiến có thể bán được 10 triệu chiếc trong năm nay. Dù sao đây cũng là tin phấn chấn cho Samsung trong bối cảnh có quá nhiều câu hỏi về tương lai của công ty này.
Ngô Ngọc Châu
Theo Nhipcaudautu.vn