tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Điều gì khiến Singapore trở thành một trung tâm khởi nghiệp

  • Cập nhật : 18/08/2016
Từ con số không vào khoảng mười năm trước, "đảo quốc Sư tử" Singapore đã vươn lên trở thành một trung tâm khởi nghiệp trong những năm gần đây. Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn này?

Câu trả lời nằm ở chỗ Singapore có những điều kiện sẵn có chín muồi cho một làn sóng khởi nghiệp như môi trường kinh doanh thân thiện, sự hỗ trợ của chính phủ và việc sử dụng quyền lực mềm để dỡ bỏ những rào cản vô hình đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là sự tham gia nghiêm túc của chính phủ vào cuộc chơi khởi nghiệp (startup).
 
Những điều kiện sẵn có cho khởi nghiệp

Vào khoảng năm 2010, khi Scott Anthony - đối tác quản lý của hãng tư vấn Innosight nổi tiếng toàn cầu, đồng thời là tác giả của cuốn Sách đen về sáng tạo - có kế hoạch chuyển đến Singapore để quản lý các hoạt động đầu tư và ươm mầm của Innosight tại Singapore, bối cảnh khởi nghiệp ở quốc đảo này không có gì hấp dẫn, nhưng những điều kiện sẵn có lại rất chín muồi cho một làn sóng khởi nghiệp.
 
Singapore, với các ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, Quan thoại, Malayu (Mãlai) và Tamil, có được khả năng tiếp nhận những người lao động có tay nghề từ nhiều nền văn hóa trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
 
Mặc dù chỉ là một đảo quốc với dân số 5,5 triệu người, Singapore tự hào khi có số công dân giàu nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người đạt 71.310 USD/năm, cho thấy sức chi tiêu lớn của người dân. Và điều quan trọng nhất là vị trí đía lý cho phép nước này trở thành cửa ngõ của Đông Nam Á, khu vực có dân số gần 600 triệu người.
 
Giống như Thung lũng Silicon (Mỹ), Singapore có những viện nghiên cứu tốt và ít hạn chế nhân viên sau khi nghỉ việc sử dụng kiến thức hoặc kỹ năng trong kinh doanh, điều mà các học giả cho rằng có thể là động cơ chính thúc đẩy sáng tạo.
 
Giống như Israel, Singapore rất nhỏ, với những nguồn lực tự nhiên hạn chế, đồng nghĩa với việc để tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phương pháp tiếp cận vĩ mô và sáng tạo.
 
Cả hai nước đều có chính sách nhập cư cởi mở với những nhân công lành nghề, và cả cùng có chế độ bắt buộc tòng quân với tất cả nam giới, và Dan Senor và Saul Singer (các tác giả của cuốn Quốc gia khởi nghiệp) đã cho rằng chế độ quân sự của Israel chính là nền tảng tạo ra sáng tạo cho quốc gia khởi nghiệp này.
 
Bên cạnh đó, nhập cư không chỉ là chủ đề nóng đối với các quốc gia phát triển phương Tây mà cả Singapore, nhưng Singapore tạo điều kiện cho những cá nhân có học thức và kỹ năng cao nhập cư và làm việc tại nước này.
 

Singapore được đánh giá là có môi trường kinh doanh thân thiện, thường xuyên được xếp là một trong số những thành phố dễ dàng nhất trên thế giới để bắt đầu công việc kinh doanh, dù có những quy định phải tuân theo, nhưng chúng được trình bày rõ ràng và dễ dàng thực thi.

singapore thuong xuyen duoc xep la mot trong so nhung thanh pho de dang nhat tren the gioi de bat dau cong viec kinh doanh. anh: channelnewsasia.com

Singapore thường xuyên được xếp là một trong số những thành phố dễ dàng nhất trên thế giới để bắt đầu công việc kinh doanh. Ảnh: channelnewsasia.com

 
Các công ty mới có thể được thành lập dễ dàng chỉ sau vài giờ, nếu không nói là vài phút, các tài sản sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo vệ, luật lệ của Singapore vô cùng minh bạch. Năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh hàng năm của Nhóm Ngân hàng Thế giới và đảo quốc Sư tử được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Á”.
 
Với những thế mạnh đó, Singapore có được vị thế độc nhất vô nhị ở châu Á để có thể mang đến sự thịnh vượng và phát triển cho các doanh nghiệp mới. Vào năm 2010, rất khó tìm ra những doanh nghiệp tốt để đầu tư ở Singapore, nhưng nước này đã chuyển mình hoàn toàn vào thời điểm năm 2015.
 
Hiện tại, có hơn 400 nhà đầu tư chủ động rót vốn khởi nghiệp ở Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và Singapore nằm trong danh sách các điểm đến mục tiêu, và với 12 doanh nghiệp gần đây đã bán được cổ phần và số lượng lớn doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá cao, hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore có điều kiện để phát triển hơn nữa.
 
Có hàng tá, nếu như không muốn nói là cả trăm doanh nghiệp khởi nghiệp, tập trung trong toà nhà “Block 71”, một toà nhà gần INSEAD, trường đại học kinh doanh hàng đầu, trường đại học quốc gia Singapore và các khu vực nghiên cứu và phát triển sáng tạo được chính phủ bảo trợ như Fusionoplis and Biopolis.
 
Tờ The Economist đã đánh giá Block 71 là “hệ sinh thái khởi nghiệp đông đúc nhất thế giới” và đây có thể được xem là một biểu tượng nổi tiếng nhất về sự phát triển của Singapore như một trung tâm khởi nghiệp.
 

Các bài báo về bức tranh khởi nghiệp của nước này trên truyền thông thế giới thường đề cao cộng đồng doanh nhân đầy hứng khởi đang làm việc trong hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp ở Block 71 và các tòa nhà gần kề mới hơn là 75 và 79 và có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore đã thay đổi mạnh mẽ trong thập niên qua, đặc biệt trong năm năm qua.

Và sự đồng hành của chính phủ

Vấn đề trước đây của Singapore là vài ba quỹ lớn có lợi nhuận ra đời cách đây vài chục năm thường chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp đã trưởng thành, hoạt động được vài năm và nhận đầu tư lớn 1-5 triệu USD, còn các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu chỉ cần vài chục đến vài trăm nghìn USD thì không mấy quan tâm.
 
Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore (NRF) đã đưa ra hai chương trình khắc phục điều này: Một là Early Stage Ventures Fund (ESVF), theo đó các quỹ tư nhân sẽ được chính phủ đầu tư đối ứng 10 triệu đôla Singapore (SGD) theo tỷ lệ 1:1 (tức là nếu nhận được 10 triệu SGD, họ sẽ phải gọi vốn được thêm 10 triệu SGD nữa, nâng tổng giá trị của quỹ là 20 triệu SGD) và hai là Technology Incubation Scheme (TIS) với lời “đề nghị” hấp dẫn hơn nữa, chính phủ đầu tư nửa triệu SGD vào một quỹ đầu tư theo tỷ lệ đối ứng 6:1, với điều kiện quỹ phải tích cực cung cấp người cố vấn và hướng dẫn cho doanh nghiệp.
 
ESVF và TIS đã góp phần tạo ra một chu kỳ hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhiều năm, với sự bổ trợ của các sáng kiến khác của Cơ quan phát triển công nghệ viễn thông và SPRING Singapore.
 

Số liệu từ NRF cho thấy, gần 100 triệu SGD được phân bổ cho các chương trình đầu tư như ESVF và TIS (tính đến tháng 3/02016) đã giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ thu hút được nguồn vốn đối ứng từ tư nhân khoảng 400 triệu SGD, tạo một đòn bẩy ấn tượng, gấp bốn lần khoản tiền hỗ trợ của chính phủ.

chinh phu singapore ho tro doanh nghiep khoi nghiep. anh: techinasia.com

Chính phủ Singapore hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: techinasia.com

 
TIS, chương trình hỗ trợ cho 16 vườn ươm khởi nghiệp được chọn, có một ảnh hưởng nổi bật nhất và nhà đầu tư Leslie Loh của Red Dot Ventures (một trong 16 vườn ươm này) gọi đó là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”. Người sáng lập ra nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Eddie Chau miêu tả TIS là động cơ của hệ sinh thái khởi nghiệp.
TIS dựa trên một chương trình tương tự được thực hiện ở Israel vào những năm 1990 mà nhờ đó Israel đã trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Trong số 145 doanh nghiệp khởi nghiệp được 16 vườn ươm của TIS đầu tư, khoảng 61 doanh nghiệp đã thu hút được vốn đối ứng, 34 đã bán được cổ phần và 29 (20%) dừng hoạt động, một kết quả không tồi cho một chương trình mới. Dù có thể sẽ có thêm các doanh nghiệp phá sản trong tương lai, con số 20% là rất thấp so với tỷ lệ thất bại chung là 70%.
 
Quan trọng hơn là TIS đã cung cấp một đòn bẩy đầu tư hào phóng và do đó, giảm rủi ro đầu tư và Chính phủ Singapore đã thành công trong việc thu hút một con số ấn tượng các nhà điều hành doanh nghiệp giàu kinh nghiệm và các nhà đầu tư tham gia vào TIS và trở thành một phần của cộng đồng khởi nghiệp.
 
Những cá nhân giàu có này đã đóng một vai trò quan trọng là những “nhà đầu tư thiên thần” và những người cố vấn trong các chương trình khởi nghiệp, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.
 
Mặc dù ưu tiên hình thức đầu tư đối ứng nhưng Chính phủ Singapore vẫn dành một khoản ngân sách để tài trợ cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, chẳng hạn như SPRING (thuộc Bộ Thương mại Singapore) tài trợ 70% kinh phí hoạt động cho các vườn ươm với mục đích tăng không gian làm việc chung và Action Community for Entrepreneurship, một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ tài trợ (trước đây là cơ quan nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thương mại điều hành) kết nối và tổ chức sự kiện cộng đồng startup.
 
Tin vui là vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tương lai của Singapore ngày càng được thừa nhận, khi nước này chuyển từ một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các công ty đa quốc gia tới một mô hình kinh tế khỏe khoắn hơn, với sự hiện diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng tăng trưởng nhanh.
 
Trong khi các chi tiết của các chương trình khởi nghiệp và sáng tạo trong kế hoạch RIE2020 trị giá 19 tỷ SGD vẫn chưa được công bố, cộng đồng khởi nghiệp ở nước này có thể lạc quan rằng sự hỗ trợ của chính phủ vẫn được duy trì, ngay cả khi chương trình TIS đã kết thúc tháng 6/2016 và cộng đồng khởi nghiệp ở Block 71 có thể chờ đợi một hệ sinh thái sung sức hơn trong những năm tới.


Nguồn: Lê Minh/Bnews.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục