tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu nông sản khó “về đích”

  • Cập nhật : 20/11/2015

(Thuong mai)

Dường như Việt Nam đang mải miết với thành tích số lượng mà quên đi chất lượng và giá trị. Người làm ra hạt gạo thực sự được hưởng lợi bao nhiêu từ gạo xuất khẩu?

anh minh hoa

Ảnh minh họa

 

Xuất khẩu nông sản khó “về đích”

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tháng 9 ước đạt 2,15 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu toàn ngành 9 tháng năm 2015 lên 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều đáng nói, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng nông sản đều bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014 và giảm mạnh ở các mặt hàng: cà phê giảm 32%, cao su giảm 13,7% và gạo giảm 15,7%.

Đối với mặt hàng gạo, mặc dù là nước xuất khẩu thứ nhất, thứ 2 thế giới trong nhiều năm, nhưng giá chào bán gạo của Việt Nam luôn ở mức thấp trong số các quốc gia xuất khẩu gạo khác, thấp hơn 10-50USD giá bình quân thế giới. Điều đó khiến kim ngạch xuất khẩu gạo không đáp ứng kỳ vọng.

Đối với mặt hàng cà phê, do thói quen xuất khẩu cà phê thô nên từ trước đến nay, dù có sản lượng lớn nhưng các doanh nghiệp cà phê trong nước vẫn không làm chủ được giá xuất khẩu mà để cho nhà đầu cơ khống chế.

Với ngành cao su, khoảng 3 năm nay, giá liên tục giảm sâu, không ít doanh nghiệp lao đao vì khó tìm đầu ra mà giá xuất khẩu cũng kém so với mặt bằng chung.

Tương tự, xuất khẩu thủy sản cũng giảm mạnh. Giá các mặt hàng thủy sản chính như cá tra và tôm cũng không mấy khả quan nên giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, một vấn đề tồn tại lớn là nhóm hàng nông sản, thủy sản khi xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Australia, EU và nhiều thị trường khó tính khác thường xuyên gặp phải rào chắn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôm, cá tra, và nhiều loại nông sản khác đã từng bị Hoa Kỳ, Nhật Bản cấm nhập khẩu do tồn dư kháng sinh, hóa chất cao, không đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp dự báo xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2015 chỉ đạt khoảng 95% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các nhóm hàng chủ lực dự kiến chỉ đạt khoảng 90% kế hoạch.

Do “mải miết” chạy theo số lượng?

Nhận định về tình thế của ngành nông nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều ngành có thể phải hy sinh để Việt Nam hội nhập như ngành chăn nuôi, mía đường…

Theo bà Lan, trong những năm qua, Việt Nam luôn tự hào với thứ hạng cao về xuất khẩu gạo, hạt tiêu, hạt điều... trên thị trường thế giới. Nhưng thực tế, thứ hạng cao này mang lại những gì cho Việt Nam?

“Đơn cử, 3 tỷ USD xuất khẩu gạo chỉ tương đương với 3 tỷ USD tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam. Công sức của hơn 50 triệu nông dân lăn lội trên đồng ruộng cùng với bao nhiêu thứ trợ giúp vào cũng chỉ đổi lấy 3 tỷ USD đổ vào bia rượu. Như vậy, đầu tư ở đây có đáng hay không?” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn.

Đối với mặt hàng gạo, bà Lan cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam đang rơi vào nguy cơ bị thua thiệt ngay trước mắt khi phải cạnh tranh về gạo giá rẻ với Ấn Độ. Trong khi đó, dòng gạo chất lượng cao, rõ ràng Việt Nam đã thua Campuchia và Thái Lan.

"Dường như Việt Nam đang mải miết với thành tích số lượng mà quên đi chất lượng và giá trị. Người làm ra hạt gạo thực sự được hưởng lợi bao nhiêu từ gạo xuất khẩu. Nếu không thay đổi một cách căn bản, chắc chắn ngành gạo sẽ thua khi hội nhập" - bà Lan cảnh báo.

Tương tự như vậy, đối với các mặt hàng cà phê, tiêu, điều…, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, chúng ta mải miết chạy theo số lượng nhiều quá mà ít quan tâm đến các yếu tố khác.

Còn theo PGS.TS Vũ Trọng Khải - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM, nút thắt lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Nhiều nông dân không dám ăn sản phẩm của chính mình làm ra. Người trồng rau chỉ dám ăn cá, trong khi người nuôi cá chỉ dám ăn thịt gà, người nuôi gà lại chỉ dám ăn rau… dẫn đến hệ quả là nền nông nghiệp nước ta đang tự đầu độc chính mình một cách hợp pháp” – ông Khải chia sẻ.

Ngày 21/11/2015 tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm Làm sao để tăng sức trong cạnh tranh, chớp thời cơ mới khi cánh cửa TPP đang mở rộng, để ghi tên trong lĩnh vực nông nghiệp trị giá tới 40 tỷ USD…

Quý doanh nghiệp, nhà đầu tư, độc giả quan tâm có thể đăng ký tham dự tại http://event.cafef.vn

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục