Ngày 21/11, tại Singapore, gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cùng các hiệp hội ngành nghề nước sở tại đã gặp gỡ và tìm hiểu cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng nông-thủy sản và thực phẩm giữa hai bên.
“Đòn bẩy” cho xuất khẩu nông sản
- Cập nhật : 17/11/2015
(Thuong mai)
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam hướng tới các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để xuất khẩu nông sản “chạm tay” vào các cơ hội từ các FTA và TPP, cần có đòn bẩy từ cơ chế chính sách, sự nỗ lực của doanh nghiệp, người nông dân...
FTA, TPP chỉ là cơ hội…
Nhiều chuyên gia kinh tế ví von, xuất khẩu nông sản của nước ta hiện chỉ đang với tay để chạm vào cơ hội đến từ các FTA và TPP, và để hái được chùm “quả ngọt” cần không ngừng nỗ lực để vượt qua chính mình. Thực tiễn cho thấy, từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của nước ta như cà phê, ca cao, gạo… có xu hướng giảm cả về lượng và kim ngạch.
ĐBQH TRẦN QUỐC TUẤN (Trà Vinh):
“Chúng ta nên bắt đầu từ việc thiết kế xây dựng một khung chính sách hoàn chỉnh và thật thông thoáng. Bởi lẽ, có một khung thể chế chính sách phù hợp sẽ tạo động lực phát triển tốt cho nền kinh tế. Cần nhìn lại các chính sách nông nghiệp đã ban hành trong thời gian qua để thấy được những bất cập cần phải tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa hoặc ban hành mới mang tính đột phá để chắp thêm đôi cánh cho hàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thị trường thế giới”.
Không chỉ giảm mà lâu nay giá nông sản xuất khẩu còn luôn thấp hơn so với giá sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác, bởi kém lợi thế về chất lượng sản phẩm, hệ thống chế biến, hệ thống xuất khẩu.
Theo Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lưu Đức Khải, các FTA được kỳ vọng góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản tăng, nhưng thực tế xuất khẩu không đạt như mong đợi. Có thể thấy, các FTA chỉ là cơ hội, là điều kiện cần, điều kiện đủ là sự chuẩn bị của các tác nhân tham gia vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản sau khi thu hoạch thường chỉ dừng ở giai đoạn sơ chế. Vì thế, dù sản lượng xuất khẩu cao, nhưng giá trị kim ngạch lại tỷ lệ nghịch. Đây là thiệt thòi lớn cho ngành nông nghiệp nước ta. Khi tham gia các “sân chơi” FTA, TPP, bạn hàng là những đối tác có yêu cầu cao về chất lượng, quy tắc xuất xứ sản phẩm, khiến xuất khẩu nông sản trong nước đang và sẽ vấp nhiều rào cản.
Để có thể gặt hái được “mùa vàng” tại các sân chơi này, đòi hỏi Nhà nước cần có những quyết sách mạnh tay nhằm cải cách nền nông nghiệp nói chung và hoạt động xuất khẩu nông sản nói riêng. Muốn thành công phải trả giá bằng nỗ lực thực sự của người trong cuộc; bởi nếu không chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất và chế biến sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu thì rất khó tạo ra bứt phá.
Cải cách thể chế thực chất
Khi hiệu lực của các FTA và TPP đang cận kề, đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân phải dốc tâm, dồn lực đưa xuất khẩu nông sản đi qua vùng trũng để vươn ra biển lớn. Để làm được điều này, theo Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương, ngoài việc thu hoạch và bán trực tiếp, nông dân và doanh nghiệp cần tính đến cả khâu chế biến thành phẩm sau thu hoạch.
Đồng thời, triển khai khảo sát, cập nhật thông tin, dự báo nhu cầu thị trường… sát với thực tế hơn. Do các thị trường nước ngoài ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, cần quan tâm đầu tư nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Anh Dương cũng cho rằng, cùng một mặt hàng nông sản, nếu thấy lợi ích không tương xứng với chi phí bỏ ra, người nông dân sẽ có xu hướng chuyển sang các ngành nghề khác. Như thế, nước ta sẽ càng mất đi các lợi thế về sản xuất và xuất khẩu hàng nông nghiệp. Khi đó, các FTA, TPP sẽ không những không mang lại lợi ích mà còn các thách thức cho sản xuất nông sản. Lường trước được những thách thức đó và có cách ứng phó phù hợp sẽ giúp xuất khẩu nông sản nước ta chuyển mình mạnh mẽ thời gian tới.
Bởi theo chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Chi Lan, nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp dường như chưa được hưởng đối xử công bằng trong phát triển. Người nông dân vẫn thiệt thòi đủ điều, tuy sở hữu nguồn lực quan trọng nhất là đất đai nhưng không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng.
Trong khi, các thửa đất lại không tập trung, bị chia cắt một cách manh mún; làm cản trở việc cải thiện điều kiện tổ chức sản xuất của các hộ nông dân. Do hệ thống tổ chức sản xuất nông nghiệp về cơ bản vẫn phân tán nên khó có thể ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Đặc biệt khi nền kinh tế vươn ra biển lớn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần bảo đảm cho người nông dân, chủ thể sản xuất, thực sự được hưởng lợi từ hội nhập. Muốn vậy, TS. Phạm Chi Lan nhấn mạnh, cần có giải pháp cụ thể làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản.
Theo đó, Nhà nước cần cải cách thể chế một cách thực chất, làm cho hệ thống chính sách vừa bảo đảm lợi ích cho người nông dân nhưng phù hợp hơn với xu hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Và hơn hết, để xuất khẩu nông sản có thể “chạm tay” vào các cơ hội từ các FTA và TPP, cần có đòn bẩy từ Chính phủ, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, đặc biệt là từ doanh nghiệp, người dân để cùng thoát khỏi “vùng trũng” của ngành nông sản.