tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Rào cản mang tên dán nhãn năng lượng và hiệu suất năng lượng tối thiểu

  • Cập nhật : 14/05/2016

(Tin kinh te)

Những bất cập trong quy định về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng đã được cơ quan Hải quan và nhiều DN kiến nghị trong thời gian dài nhưng Bộ Công Thương (Tổng cục Năng lượng) chậm thay đổi. Theo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), rào cản hành chính này đang gây nên sự thiếu hiệu quả trong hoạt động XNK của Việt Nam.

dan nhan nang luong de nguoi tieu dung nhan biet duoc nhung san pham tiet kiem nang luong. anh: q.tan.

Dán nhãn năng lượng để người tiêu dùng nhận biết được những sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Q.Tấn.

Bộ Công Thương đang tạo rào cản hành chính?

AmCham nêu rằng, các nhà sản xuất và công ty NK sản phẩm tiêu thụ điện đang phải đối mặt với những thách thức lớn để đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về dán nhãn và chứng nhận tiêu chuẩn điện năng tối thiểu. AmCham đề nghị cơ quan chức năng phải minh bạch những thủ tục. Theo Thông tư 07/2012/TT-BCT, các nhà sản xuất có thể áp dụng dán nhãn hàng hóa thông qua kiểm tra cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về mặt thủ tục, đặc biệt đối với trường hợp cơ sở sản xuất ở ngoài nước. Cụ thể là thời gian kiểm tra và chi phí trong quá trình kiểm tra tại chỗ, thời gian kiểm tra khi nào là thích hợp, trường hợp miễn trừ kiểm tra tại chỗ nên được xem xét một cách tích cực và áp dụng cho nhà sản xuất với chất lượng tiêu chuẩn quốc tế như 9001.

AmCham cho rằng, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị điện tử nổi tiếng trên toàn thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung… đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng. Sản phẩm của các hãng trên đã được kiểm tra bởi các đơn vị được thế giới công nhận, trước khi được đưa ra thị trường. Do đó, quy định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp, đặc biệt là trong hoàn cảnh hạn chế về năng lực và nguồn lực tại các đơn vị tại Việt Nam.

AmCham cũng kiến nghị nên chấp nhận kết quả kiểm tra của các lô hàng của cùng một mặt hàng. Hàng điện tử được sản xuất theo quy trình được kiểm soát chặt chẽ và chắc chắn không thể có sự khác nhau về các chỉ số hiệu suất năng lượng giữa các sản phẩm cùng loại. Do đó, kiểm tra mẫu hàng của từng lô hàng cùng sản phẩm là không cần thiết và gây ra sự chậm chễ đáng kể trong quá trình thông quan và làm tăng chi phí cho nhà sản xuất hoặc công ty NK. AmCham cho rằng, đây là yêu cầu vô lý và đang “biến” Việt Nam thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới yêu cầu kiểm tra đối với từng lô hàng.

Bất cập vẫn hoàn bất cập

Gần đây nhất (sau khi nhiều lần có văn bản gửi Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương nêu lên toàn bộ những bất cập trong thực hiện quy định dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu nhưng không có sự thay đổi trong cách quản lý của đơn vị này), Tổng cục Hải quan đã mời trực tiếp các cán bộ của Tổng cục Năng lượng để “giãi bày” về những khó khăn mà DN đang gặp phải. Tại cuộc họp này, ông Âu Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, cần phải thống nhất cách hiểu về quản lý hoạt động dán nhãn năng lượng trước khi thông quan hay trước khi lưu thông. Và việc Tổng cục Năng lượng sử dụng khái niệm tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử phạt vi phạm hành chính để áp dụng cho các quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chưa chính xác.

Theo ông Âu Anh Tuấn, pháp luật quy định hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan thì cơ quan Hải quan phải kiểm tra, nếu pháp luật quy định kiểm tra trước khi lưu thông cơ quan Hải quan không kiểm tra. Vì vậy, nếu hiểu phải kiểm tra dán nhãn năng lượng trước thông quan là sai. Lý giải cụ thể cho vấn đề trên, tại Quyết định 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định việc không được phép NK đối với các sản phẩm, thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn hiệu suất tối thiểu, không quy định việc dán nhãn năng lượng thực hiện trước khi thông quan. Điều 39 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng nêu rõ “phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường”. Văn bản này cũng không quy định việc dán nhãn năng lượng phải được thực hiện trước khi thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc Tổng cục Năng lượng sử dụng khái niệm tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử phạt vi phạm hành chính “hàng hóa lưu thông trên thị trường gồm hàng hóa bày bán, vận chuyển trên đường, để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm khác” để áp dụng hiểu theo quy định tại Điều 39 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chưa chính xác, do khái niệm “lưu thông trên thị trường” chỉ được hiểu trong phạm vi của Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Một nội dung quan trọng cũng cần các đơn vị giải quyết là có được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm của lô hàng này để áp dụng cho các lô hàng khác có cùng tên hàng, số model, xuất xứ, nhà sản xuất hay không? Trả lời cho vấn đề này đang có hai ý kiến khác nhau của hai cơ quan quản lý. Tổng cục Năng lượng trả lời Công ty HP châu Á-Thái Bình Dương cho biết, Nhà nước chưa có văn bản nào quy định giới hạn có hiệu lực của phiếu kết quả thử nghiệm mức hiệu suất năng lượng tối thiếu, vì vậy DN được phép sử dụng nhiều lần kết quả thử nghiệm đối với một chủng loại sản phẩm do Quatest cung cấp để làm thủ tục hải quan và lưu thông đối với những sản phẩm đã kiểm nghiệm cho đến khi có yêu cầu thử nghiệm mới. Nhưng Tổng cục Năng lượng lại yêu cầu không sử dụng giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm của lô này để áp dụng cho các lô hàng khác nhau. Có nghĩa là không sử dụng lại phiếu thử nghiệm của lô hàng trước để thực hiện kiểm tra cho lô hàng tiếp theo.

Trước vấn đề chưa cụ thể trong quản lý kiểm tra nhà nước về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng, ngày 11-3, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục có văn bản gửi Tổng cục Năng lượng. Trả lời những vấn đề trên, Tổng cục Năng lượng tiếp tục bảo lưu quan điểm các phương tiện, thiết bị thuộc danh mục dán nhãn năng lượng cần phải được đăng ký dán nhãn năng lượng trước khi thông quan mới đủ điều kiện NK vào Việt Nam. Đồng thời đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp trong việc quản lý, giám sát việc tuân thủ quy định dán nhãn năng lượng tại thời điểm DN thực hiện thủ tục NK hàng hóa tại cửa khẩu. Như vậy nếu việc quản lý hoạt động dán nhãn năng lượng phải được kiểm soát bởi hai cơ quan quản lý (như yêu cầu của Tổng cục Năng lượng) thì gánh nặng của DN rõ ràng đang nhân lên gấp đôi.

Liên quan đến thời hạn hiệu lực, giá trị sử dụng của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu, Tổng cục Năng lượng cho rằng, nếu sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng của một sản phẩm để áp dụng cho tất cả các lô hàng hóa NK đối với sản phẩm đó sẽ dẫn đến tình trạng DN có khả năng gian lận thương mại khi chọn các sản phẩm tốt, các hiệu suất cao để đăng ký chứng nhận hiệu suất năng lượng nhưng không đảm bảo chất lượng cho các lô hàng tiếp theo.

Trong khi đó, Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ, các bộ cần đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan. Đặc biệt là nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành như xác suất hoặc kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa có xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển, hàng hóa của DN tuân thủ tốt pháp luật. Với yêu cầu đó thì cách làm của Tổng cục Năng lượng cần đổi mới để tránh Việt Nam bị… mang tiếng là có nhiều rào cản hành chính gây nên sự thiếu hiệu quả trong hoạt động XNK như AmCham nêu.

Theo Điều 8 Thông tư 07/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng, để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu chuẩn điện năng tối thiểu, các nhà sản xuất hay công ty NK phải có mẫu hàng hóa và được kiểm tra bởi một đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định.

Qua tìm hiểu trên website nhannangluong.com của Tổng cục Năng lượng có 8 cơ sở thử nghiệm; mỗi đơn vị có danh sách sản phẩm được chỉ định kiểm nghiệm. Mỗi đơn vị chỉ thử nghiệm một hoặc một số loại sản phẩm khác nhau.

AmCham cho rằng, trong hoàn cảnh hạn chế về số lượng và năng lực của các đơn vị này, yêu cầu mẫu hàng hóa phải được kiểm tra với từng lô hàng và kết quả kiểm tra chỉ sử dụng một lần đã gây ra tình trạng chậm trễ nghiêm trọng khi thông quan đối với các sản phẩm cần được dán nhãn năng lượng và áp dụng tiêu chuẩn điện năng tối thiểu. Hàng nghìn sản phẩm vẫn đang tồn kho hàng tháng vì đợi kết quả kiểm tra, gây tổn thất đáng kể cho các nhà sản xuất và công ty NK.

 



Ngọc Linh
(Theo Báo Hải Quan) 
Trở về

Bài cùng chuyên mục