Tại hội thảo 'Hàng giả, hàng lậu và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để hội nhập và phát triển bền vững' do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM phối hợp với Công ty CP phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) tổ chức tại TP.HCM ngày 26.11, nhiều chuyên gia đã cảnh báo như vậy.
Cà phê sạch loay hoay tìm lối ra
- Cập nhật : 19/11/2015
(Kinh doanh)
Hiện nay, nhiều chủ quán cà phê thích mua cà phê bột nhiều loại khác nhau (bao trắng không nhãn), rồi về pha lẫn lại với nhau để kinh doanh, hòng thu lợi nhuận cao hơn.
Cà phê sạch “khó” được chấp nhận
Trên thị trường hiện nay, một số DN tung ra các dòng sản phẩm cà phê sạch, tức cà phê 100% nguyên chất, nhà sản xuất cam kết sản phẩm không độn bắp, đậu nành, ngũ cốc, không dùng chất tạo màu caramel, chất tạo đậm đặc, không chất bảo quản... (TBNH đã có bài phản ánh).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một thời gian ra mắt sản phẩm này, thị trường có vẻ vẫn chưa mấy hào hứng đón nhận.
Cụ thể, tại cửa hàng tiện lợi Satrafoods trên đường Nguyễn Huệ (Q1, TP.Hồ Chí Minh), nơi có gian hàng kinh doanh các sản phẩm V.coffeeE của Công ty cà phê rang xay nguyên chất Võ Gia, lượng khách ghé thăm thật thưa thớt, mặc dù, DN này cũng đã tích cực quảng bá sản phẩm cà phê sạch thông qua các triển lãm, hội chợ, song sự đón nhận sản phẩm chưa đạt kỳ vọng. Hiện Võ Gia đang phải tìm thêm hướng đi mới để giải quyết đầu ra sản phẩm, đó là xuất khẩu.
Tại Đắk Lắk, sản phẩm 100% cà phê nguyên chất rang xay, định vị phân khúc cao cấp của Công ty TNHH cà phê Cao Nguyên Việt cũng đang bí đầu ra. Cuối tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc công ty này cho biết, đang thiết lập cuộc hẹn với đối tác ở Nha Trang để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Đức.
“Giờ cứ làm cà phê sạch theo kiểu truyền thống thì không sống nổi. Không phải là mình không cạnh tranh được với những “ông lớn”, mà là không lại với những đơn vị … làm lậu!”, ông Hòa than thở.
Theo tiết lộ của ông Hòa, hiện nay, nhiều chủ quán cà phê thích mua cà phê bột nhiều loại khác nhau (bao trắng không nhãn), rồi về pha lẫn lại với nhau để kinh doanh, hòng thu lợi nhuận cao hơn.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến DN tung ra sản phẩm mới có bao bì nhãn mác, có thương hiệu khó được các chủ quán cà phê chấp nhận bao tiêu. Dẫn đến việc tiêu thụ cà phê sạch gặp khó khăn.
Cà phê “bẩn” lấn át cà phê sạch
Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở chế biến cà phê bột tại xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. Tại đây, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột. Ông Nguyễn Đình Quang - chủ cơ sở này thừa nhận, cơ sở của ông chế biến cà phê bột bằng “công nghệ” trộn cà phê với hóa chất theo tỷ lệ 10% cà phê, 90% còn lại là các nguyên liệu: đậu, bắp và hóa chất đen kịt không rõ nguồn gốc.
Mỗi ngày, cơ sở chế biến khoảng 100kg cà phê, sau đó đóng gói thành từng bao loại 50kg rồi chở đi bỏ mối cho các cơ sở bán lẻ ở tỉnh Đắk Nông với giá 60.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là, những sản phẩm bao loại 50 kg như cơ sở của ông Quang kể trên được sản xuất khá phổ biến ở các tỉnh Tây Nguyên. Bằng chứng là, trong năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông -lâm - thủy sản Đắk Lắk (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk), phát hiện 5 cơ sở sản xuất cà phê bột vi phạm và xử phạt hành chính hơn 61 triệu đồng.
Con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng quá nhiều “con sâu”, tức còn nhiều đơn vị sản xuất cà phê bẩn thì cũng dễ hiểu khi những DN sản xuất cà phê sạch kể trên chưa thể “ngóc đầu lên được”.
Bên cạnh đó, thực tế là tâm lý người tiêu dùng vẫn còn quá dễ dãi, vô tình tiếp tay cho cà phê “bẩn” có đất sinh sôi. Hơn thế, việc xử lý của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính, các cơ sở sản xuất cà phê “bẩn” chấp nhận nộp phạt, rồi sau đó lại tiếp tục làm bình thường!
Những năm trước một số DN cà phê quy mô lớn như Trung Nguyên đã từng tuyên chiến với cà phê “bẩn”, nhưng nay thì họ đã có vẻ như quá chán nản với việc này. Trao đổi với phóng viên, bà Đoàn Thị Mỹ Hạnh, phụ trách truyền thông Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho biết, hiện tại, Trung Nguyên chỉ muốn tập trung vào chất lượng chứ không muốn tranh luận vấn đề cạnh tranh giữa cà phê sạch với cà phê “bẩn”.
“Cả thị trường rộng lớn, nếu mình làm tốt, người tiêu dùng hiểu ra thì cái kia (cà phê bẩn) sẽ tự mất đi, chứ Trung Nguyên không muốn tuyên chiến với việc này nữa”, bà Hạnh nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, hiện đang có thực trạng là người tiêu dùng khi vào quán sẽ không hỏi “ly cà phê” đơn thuần nữa, mà họ sẽ gọi “một ly cà phê Cao Nguyên Việt”, hoặc “cà phê Trung Nguyên”, nghĩa là gọi chính xác tên nhãn hiệu. Và chủ quán phải “pha tại trận” cho khách thưởng thức.
Cũng theo ông Hòa, để chứng minh sản phẩm cà phê sạch, chất lượng thật thì cách tốt nhất vẫn là tự thân DN đi phát triển hệ thống cơ sở bán hàng của riêng mình. Nhưng muốn làm được điều này, đòi hỏi DN phải có tiềm lực về tài chính. “Chúng tôi đang kêu gọi hợp tác bên ngoài để sắp tới mở một số quán cà phê riêng biệt, giúp giải quyết đầu ra một cách bền vững”, ông Hòa nói thêm.