Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), năm 2019, trong khi mặt hàng thủy sản, đồ gỗ tiếp tục có nhiều lợi thế thì thị trường tiêu thụ cà phê, điều, tiêu, chè không mấy khả quan.
Lỗi không phải của ông tỉ phú Thái Lan
- Cập nhật : 14/05/2016
(Tin kinh te)
Sau sự kiện Tập đoàn Central (Central Group) của ông tỉ phú Thái, nhiều người cho rằng, người Thái là nguyên nhân khiến hàng Việt Nam đã, đang và sẽ rớt dần khỏi quầy kệ của kênh bán lẻ hiện đại. Vậy nhưng, quy luật thị trường không đơn giản như vậy!
Trong số những cái ly thủy tinh ở đây, có bao nhiêu cái là của Thái Lan? Câu trả lời là gần hết. Ảnh chụp tại siêu thị Big C Gò Vấp trước thời điểm ông tỉ phú Thái Lan mua lại rất lâu. Ảnh: Minh Tâm
Cuối tuần rồi, chúng tôi đi mua sắm ở Lotte Mart Nam Sài Gòn, Quận 7, TPHCM. Điều khiến tôi ngạc nhiên là hàng Thái ở nơi được xem là “đại bản doanh của hàng Hàn Quốc” này đã tăng lên rất nhiều so với cách đây chừng nửa năm. Từ quầy thực phẩm chế biến đến quầy bánh kẹo, bơ sữa hay chăn ga gối nệm, ngành hàng nào cũng có sản phẩm Thái. Đã vậy, hàng toàn nằm ở những vị trí đắt giá là đầu quầy, đầu kệ với diện tích trưng bày gấp đôi, gấp ba quầy tiêu chuẩn, bài trí đẹp mắt. Chưa biết chất lượng sản phẩm ra sao nhưng bao bì thì nhìn sang trọng như hàng châu Âu, hàng Mỹ…, giá khá tốt, lại khuyến mãi hấp dẫn…
Vậy, phải chăng ông chủ Hàn Quốc ưu ái hàng Thái Lan hơn hàng từ các nước khác? Tôi không tin vậy! Đơn giản chỉ vì họ đang làm đúng quy luật thị trường: bán những gì khách hàng cần và tất nhiên là hưởng lợi từ việc nhà cung cấp trả thêm phí dịch vụ khi muốn quầy kệ lớn, vị trí đẹp!
Lại nhớ cách đây chưa lâu lắm, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, khi đó còn là Tổng giám đốc của hệ thống Maximark, chuỗi siêu thị tư nhân đầu tiên và được nhà cung cấp đánh giá là rất mở với hàng hóa (ở chỗ chấp nhận tất cả các sản phẩm vào bày bán miễn là đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, không phân biệt quy mô doanh nghiệp), đã chia sẻ rằng, chẳng cần phải đợi đến khi Cộng đồng kinh tế ASEAN vận hành mới lo ngại hàng Thái Lan giá rẻ (nhờ không thuế) chiếm lĩnh thị trường, mà đã từ rất lâu, hàng Thái dù có cao giá hơn hàng Việt Nam vẫn được ưa chuộng. Nguyên nhân là chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp.
Bà Ánh Hồng đã từng khuyến cáo doanh nghiệp, cách duy nhất để chiến thắng là nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, khắc phục lỗi cố hữu là cứ sản xuất quy mô lớn là giảm chất lượng. Và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm được nên đã cạnh tranh tốt, chiếm được thị phần.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, một doanh nghiệp ở ngành thực phẩm đông lạnh, cũng từng chia sẻ, Sài Gòn Food có một sản phẩm chủ lực đã cạnh tranh ngang ngửa với hàng nhập khẩu Thái Lan cùng chủng loại, đó là lẩu Thái, gồm cả nước dùng lẫn các loại thực phẩm. Đây là thành quả của một quá trình từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến tiếp thị, quảng bá.
Bà Võ Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Mỹ phẩm Việt - nhà sản xuất của sản phẩm mặt nạ Vedette, Josto - thì kể, nếu như cách đây vài năm, doanh nghiệp bà phải vất vả đủ bề để đưa được hàng vào siêu thị thì nay, chính các siêu thị đã chủ động liên hệ để đặt hàng.
Kể vài chuyện nho nhỏ ra như vậy để nói, chẳng phải khi mấy ông tỉ phú Thái Lan mua lại Metro, Big C từ tay người Đức, người Pháp thì hàng Thái mới tràn ngập ở siêu thị Việt Nam.
Người tiêu dùng thích sản phẩm Thái Lan nên từ Lotte Mart đến Big C, Co.opmart đều bán hàng Thái. Người tiêu dùng thích sản phẩm lẩu Thái của Sài Gòn Food nên bà Lâm đã được tiếp thêm sức mạnh khi đàm phán với người thu mua của siêu thị về mức chiết khấu, về chương trình khuyến mãi hay chỉ tiêu doanh số thưởng. Sản phẩm Vedette của bà Thanh được người tiêu dùng muốn mua nên các chủ siêu thị dù thích hay không cũng phải mời bà vào bán. Và tất nhiên, khi được mời thì bà Thanh sẽ được ưu tiên nhất định.
Ngược lại, sẽ có những sản phẩm bị đào thải mà lý do thực sự không nằm ở chuyện nhà bán lẻ o ép, chiêu trò. Ai kinh doanh, nhất là làm ăn với siêu thị, đều biết những nhân viên thu mua được đào tạo một cách chuyên nghiệp để đàm phán sao cho lợi nhuận của siêu thị là tối đa. Chuyện họ mời làm việc lúc hai giờ chiều, bắt chờ cho mệt nhoài… như nhiều người từng phản ánh, suy cho cùng cũng là một kỹ năng, thủ thuật đàm phán. Chuyện chiết khấu tăng dần theo năm nhưng giá bán thì khó tăng, về bản chất cũng là chuyện cần làm, giống như nhà sản xuất thích mua được giá tốt từ người nông dân cung cấp nguyên liệu đầu vào vậy.
Vấn đề là, nhiều doanh nghiệp nhỏ, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, biên lợi nhuận chưa đủ rộng nhưng vì quá muốn đưa hàng vào siêu thị như một cách để nâng tầm tên tuổi, thương hiệu nên đã chấp nhận ký vào các hợp đồng, thậm chí chấp nhận thỏa hiệp với quyền lợi riêng của chính những người thu mua. Để rồi, khi gặp những biến động như nhà bán lẻ đổi chủ, chính sách thu mua thay đổi… thì không thể trụ lại, vì cũng không có quyền lực lớn nhất là sức mạnh thương hiệu mà người tiêu dùng dành tặng. Đó là lý do vì sao không ai có thể có một động thái pháp lý mạnh mẽ, chẳng hạn như khởi kiện nhà bán lẻ, dù cảm thấy ấm ức, bức xúc.
Tóm lại, trong câu chuyện hàng Thái đang tràn ngập thị trường Việt Nam (chứ không chỉ là kênh bán lẻ) này, không thể trách ông tỉ phú Thái Lan đã lắm tiền nhiều của và nhanh tay mua lại các hệ thống của người Đức, người Pháp và chắc còn của nhiều người nữa, rồi dùng chiêu trò đẩy hàng Việt ra. Cũng không thể đòi hỏi các cơ quan quản lý can thiệp, bảo vệ vì đó là một quan hệ dân sự thuận mua vừa bán và được quy định bằng hợp đồng thương mại.
Nhưng, có thể ước giá như các cơ quan quản lý biết hỗ trợ doanh nghiệp một cách bài bản và vô cùng khéo léo như Chính phủ Thái đã làm; có thể tiếc cho các doanh nghiệp Việt Nam đã không lượng đúng sức mình khi đưa hàng vào siêu thị nên cứ hoài thua thiệt, trách những ai đã không tranh thủ “nâng cấp” mình khi còn cơ hội…
Dẫu vậy, trễ vẫn còn hơn không!
Minh Tâm
Theo TBKTSG