Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết trái thanh long Việt Nam khi được đóng vào các loại thùng giấy xuất khẩu đều mang thương hiệu Trung Quốc...
Cơ hội nào cho thực phẩm sạch?
- Cập nhật : 06/11/2015
(Thuc pham)
Trước thực tế nhiều sản phẩm nông nghiệp độc hại ngày càng nhiều trên thị trường, người tiêu dùng có xu hướng tìm nguồn thực phẩm sạch hơn.
Nắm bắt nhu cầu này, nhiều mô hình sản xuất nông sản, thực phẩm sạch đang hình thành. Nhưng cũng có những mô hình đang tự khép lại khi không trụ nổi.
Khởi nguồn từ những ruộng rau sản xuất sạch, HTX rau an toàn Trường An được 8 hộ dân ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) thành lập. Được tỉnh hỗ trợ, HTX Trường An sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP từ ba năm nay.
Rau sạch, gạo sạch
18ha rau được trồng trong nhà lưới, hệ thống phun tưới tự động. Mô hình trồng rau này đã trở thành kiểu mẫu trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. Ông Vũ Văn Vương, Chủ nhiệm HTX Trường An cho biết, hiện mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng 8 tấn rau và được tiêu thụ hết.Từ mô hình này, huyện Xuân Lộc đã hỗ trợ nông dân thực hiện thêm 16 mô hình thí điểm trồng rau sạch trong nhà lưới với diện tích từ 1.000-1.500 m2/điểm. Nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ 100% giống và 30% chi phí vật tư.
Mới đây Tổng Cty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cũng đã đầu tư 5ha nhà lưới trồng rau sạch. Nguồn rau sạch sản xuất ra chủ yếu được Cty sử dụng cho hệ thống nhà hàng của mình. Cty này đã ký kết với Tập đoàn Vingroup triển khai dự án trồng rau sạch công nghệ cao. Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Phó tổng giám đốc Tổng Cty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cho hay: “Trồng rau sạch đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư còn cao hơn cả tiêu chuẩn VietGAP vì rau sạch hoàn toàn sản xuất theo quy trình hữu cơ và khép kín trong hệ thống nhà lưới”.
Vẫn phải lo đầu ra
Ông Vũ Văn Vương, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Trường An cho hay, hiện nay rau sạch của HTX làm ra vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị, do siêu thị thì ở xa, lượng mua vào của siêu thị cũng không nhiều, do vậy tiêu thụ chủ yếu vẫn là các sạp rau ở chợ. Mà ở chợ thì đâu có gì để phân biệt rau sạch hay không sạch. Trong khi đó chi phí để sản xuất rau sạch lại cao hơn sản xuất thông thường khoảng 30%.
Tương tư như vậy, tại HTX xoài Suối Lớn, từ nhiều năm nay các xã viên vẫn kiên trì sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAp, GlobalGAP trên diện tích 150ha, nhưng tới mùa thu hoạch, hàng trăm tấn xoài làm ra cũng phải bán như xoài thông thường và giá cả phập phù, lên xuống hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái đưa đi Trung Quốc.
Những lo lắng của những người làm nông sản sạch không phải là thiếu căn cứ. Việc HTX rau an toàn Trảng Dài (TP Biên Hòa) tan rã sau một thời gian đã có tiếng tăm trên thị trường rau sạch là một minh chứng. Được sự giúp sức của chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp, ban đầu HTX này có 7 hộ tham gia và hộ nào cũng háo hức thực hiện đúng quy trình trồng rau an toàn. Sau đó, số hộ gia nhập HTX tăng lên 15, canh tác gần 5ha rau sạch.
Tuy nhiên, được một thời gian, đã đứng chân được vào hệ thống siêu thị, rồi cũng chỉ bán trôi nổi trên thị trường như rau thường. Từ đó, các xã viên không mặn mà với hình thức sản xuất này nữa. Lý giải một phần nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Chung, một thành viên của HTX xã cho rằng: “Giá rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bán tại vườn, chênh lệch chẳng bao nhiêu so với rau sản xuất đại trà. Trong khi đó, công lao động nhiều, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật luôn biến động giá nên xã viên chẳng có lời”.
Một cán bộ UBND phường Trảng Dài cho rằng, HTX phải tự bươn chải tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng rau sạch Trảng Dài đã không thể cạnh tranh nổi, nhất là về giá. Sự bất hợp lý này khiến thị trường rau sản xuất đại trà áp đảo, rau sạch không có chỗ đứng.
Mặt khác, các ngành chức năng cũng chưa tích cực hỗ trợ HTX về việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho cây rau một cách hữu hiệu nên sản phẩm làm ra tiêu thụ bấp bênh vì vậy việc giải thể HTX là cần thiết. Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) cho rằng, nông dân chưa mặn mà với việc tái chứng nhận GAP là vì có hay không chứng nhận, đa số hàng của họ cũng phải bán như hàng trôi nổi.
Về bất cập này, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai nói rằng, tỉnh đã hỗ trợ một số HTX đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Tuy nhiên một số chứng nhận đã hết hạn và nếu tỉnh không tiếp tục hỗ trợ thì các HTX cũng khó tự bỏ tiền xin tái chứng nhận.
Theo ông Đào Tiến Chương, nguyên Phó chủ nhiệm HTX Rau an toàn Trảng Dài, một trong những nguyên nhân khiến xã viên nản chí là thời gian chứng nhận VietGAP chỉ có hiệu lực 1 năm, còn chi phí cho một lần làm thủ tục VietGAP là trên 70 triệu đồng. Hơn nữa, đầu ra của cây rau VietGAP vẫn loay hoay mà không tìm được thị trường tiêu thụ lâu dài, nên không mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.