(Kinh te)
Tại hội thảo 'Hàng giả, hàng lậu và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ để hội nhập và phát triển bền vững' do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM phối hợp với Công ty CP phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) tổ chức tại TP.HCM ngày 26.11, nhiều chuyên gia đã cảnh báo như vậy.
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia hội thảo đều tố hàng giả, hàng nhái sản phẩm của họ đa số được làm từ Trung Quốc chuyển trực tiếp vào VN, hoặc qua một thị trường trung gian trong khu vực trước khi được đưa vào VN qua cửa chính ngạch.
Ông Trần Thanh Kha, quản lý kinh doanh toàn quốc sản phẩm bugi xe gắn máy hiệu NGK của Nhật, nói: “Ai cũng biết Trung Quốc là công xưởng của thế giới, nhưng đây cũng là đại bản doanh của hàng giả, hàng nhái trên thế giới. Sản phẩm của chúng tôi được làm giả duy nhất tại Trung Quốc, song từ đó, cung cấp cho cả thị trường bugi NGK giả trên thế giới. Tại VN, chúng tôi thu mua 1.208 chiếc bugi hiệu NGK tại 452 cửa hàng bán bugi trên toàn quốc, gửi về Nhật Bản kiểm tra, kết quả 20,5% trong số này là hàng giả”.
Nếu hàng nhái, giả chủ yếu từ Trung Quốc đưa vào VN thì đại diện Chi cục QLTT Tây Ninh cho biết ở thị trường phía Nam, hàng lậu như thuốc lá, rượu, đường từ Campuchia và Thái Lan tràn vào VN với số lượng khá lớn.
Tỏ ra khá bức xúc, ông Henry Nichikawa, Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện Tập đoàn BMB (Nhật) - sản xuất loa và amply, cho biết: “Chúng tôi cũng đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và mặc dù biết rõ DN nào đang nhập khẩu hàng giả sản phẩm của chúng tôi, đại lý nào đang công khai bán trên thị trường, song không thể xử lý được”. Theo ông Henry Nichikawa, tất cả các sản phẩm làm nhái, giả loa BMB tại Trung Quốc, vận chuyển qua Indonesia rồi mới nhập vào VN qua con đường chính ngạch.
DN bức xúc và chính các nhà quản lý rất bức xúc trước vấn nạn này. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra tại hội thảo chỉ mới dừng ở mức “tự bảo vệ lấy mình” hoặc tuyên truyền phối hợp nhiều hơn cho người tiêu dùng. Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thừa nhận: “Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự chưa tạo được những chuyển biến căn bản. Tình hình vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi, gắn với tệ nạn tham nhũng, gây thất thoát ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh và sức khỏe người tiêu dùng”.
Đại diện các DN cho biết đang cố gắng tự bảo vệ mình bằng cách đặt làm tem phòng chống hàng giả, hàng nhái, đồng thời kêu gọi khách hàng hãy là “người tiêu dùng thông minh”. Ngoài ra, nhiều DN cũng kiến nghị các ngành chức năng cần phạt thật mạnh những vi phạm gian lận.
“Phạt vi phạm trong làm hàng giả hàng nhái vẫn còn quá nhẹ, đó cũng là nguyên nhân khiến giới làm hàng giả bị lờn thuốc”, ông Nguyễn Thế Vũ, đại diện một DN sản xuất giấy, cho biết.
(Theo Báo Thanh Nien)