Chung Hung Đài Loan cho biết, sẽ đưa ra niêm yết giá trong tháng 1/2016 vào tuần tới. Dự kiến, giá sẽ giảm hơn nữa.
Thị trường dầu mỏ: Bình thường hay bất thường?
- Cập nhật : 24/12/2015
(Tai chinh)
Không giống với giai đoạn trước, hiện nay giá dầu đang phản ánh đúng mức cung và cầu, chứ không phải hoàn toàn do OPEC.
Từ Standard Oil của John Rockefeller trong thời kỳ cuối những năm 1800 hay Ủy ban đường sắt Texas trong năm 1930 cho tới Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ra đời năm 1960, các định chế này đã luôn cố gắng kiểm soát và ổn định thị trường dầu mỏ theo hướng có lợi cho mình.
Theo Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu trực thuộc đại học Columbia, hiếm khi nào thị trường dầu mỏ hoạt động như một thị trường bình thường như hiện nay, tức là phụ thuộc nhiều hơn và quy luật cung cầu thay vì ước muốn của một tổ chức. Và, hiện tại chính là một trong những thời điểm như vậy.
Lấy cung làm ví dụ. Một năm trước, Saudi Arabia đã từ chối cho phép OPEC tăng giá dầu bằng cách giảm sản lượng. Nước này hi vọng rằng giá dầu thấp sẽ giúp loại bỏ các đối thủ cạnh tranh khỏi cuộc chơi, đặc biệt là những nhà sản xuất dầu đá phiến đến từ nước Mỹ. Kể từ đó đến nay, Saudi Arabia đã sử dụng giá thành sản xuất rẻ để chiếm lấy phần thị phần lớn hơn, cạnh tranh với Nga và cả các thành viên khác trong OPEC để bán dầu tại thị trường Trung Quốc. Không chỉ vậy, theo Citibank, Saudi Arabia còn tìm cách thế chỗ dầu thô của Nga cung cấp cho các nhà máy lọc dầu tại Thụy Điển và Ba Lan, đồng thời giảm giá thành trên toàn bộ châu Âu.
Các nhà sản xuất phải chịu chi phí cao hơn, như các tập đoàn dầu mỏ niêm yết và nhiều tập đoàn dầu mỏ quốc doanh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cũng đang hành xử một cách rất lý trí. 150 tỷ USD vốn đầu tư đã bị hủy bỏ và tình hình được dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới.
Sẽ phải mất khá nhiều thời gian để việc cắt giảm này dẫn tới sản lượng giảm, bởi vì các dự án dầu mỏ đều dài hạn và nhà sản xuất muốn bù lại mức giá rẻ bằng cách khai thác nhiều hơn từ những cơ sở sẵn có. Tuy nhiên, chắc chắn cuối cùng thì sản lượng sẽ giảm do đầu tư ngày càng thu hẹp.
Có thể nhận thấy trong năm 2015, những căng thẳng về địa chính trị vốn tác động rất lớn đến thị trường dầu mỏ đã không gây tiếng vang lớn. Một phần là do OPEC ít nhiều đã gỡ bỏ hạn ngạch. Điều này có nghĩa là các tranh chấp trong nội bộ OPEC (như nội chiến ở Yemen là xung đột giữa Saudi Arabia và Iran) sẽ không tác động nhiều đến giá. Thay vào đó các yếu tố xã hộ khác như đình công của các công nhân dầu mỏ tại Brazil, việc Iraq cắt giảm ngân sách đầu tư hay Saudi phát hành trái phiếu có thể giữ giá ở mức thấp.
Cầu cũng có những tác động không nhỏ lên sự thay đổi về giá. Như dự đoán, giá dầu giảm đẩy sức tiêu dùng lên một mức độ khác biệt. Từ cuối năm ngoái, các mẫu xe “lớn hớn, ngốn nhiều xăng hơn” đã được ưa chuộng hơn, đặc biệt là ở những thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Đây là lí do khiến IEA mong rằng cầu sẽ tăng 1,9% trong năm nay, cao hơn mức trung bình 0.9% của thập kỷ trước.
Dù vậy vẫn tồn tại những vấn đề đáng lưu tâm. IEA nói, ngay cả ở những nước đang phát triển, lượng tiêu thụ dầu trên mỗi đơn vị sản lượng cũng đang giảm sút. Trung Quốc là một ví dụ điển hình với tăng trưởng kinh tế ngày càng tiêu tốn ít năng lượng hơn. Mặc dù các tiêu chuẩn về hiệu suất nhiên liệu là không bắt buộc nhưng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu vẫn đang được tích hợp vào 3/4 lượng xe bán ra trên toàn cầu.
Trong báo cáo “Triển vọng năng lượng thế giới” được công bố ngày 10/11, IEA dự báo rằng nhu cầu về dầu phục hồi tương đối chậm và khả năng cung ứng suy giảm sẽ khiến giá dầu ở mức 80 USD/thùng vào năm 2020. Nhưng ấn phẩm này cũng đồng thời đưa ra một khả năng khác, trong đó giá dầu sẽ nằm trong ngưỡng 50- 60 USD/thùng. Một trong những lý do chính là do dầu đá phiến của Mỹ đã không phản ứng với xu hướng giá nhanh như các nhà phân tích giả định.
Kể cả sau khi giá dầu giảm mạnh vào cuối năm ngoái, hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng và mới chỉ hạ nhiệt trong thời gian gần đây. IEA nhận định nguyên nhân khiến quá trình điều chỉnh lâu hơn dự đoán là do có độ trễ, đồng thời các biện pháp cắt giảm chi phí và phòng vệ cũng giúp ngành này duy trì lợi nhuận thặng dư dù giá giảm.
Ngoài ra còn một câu hỏi khác: nếu giá tăng trở lại thì liệu các công ty dầu đá phiến có nhanh chóng đẩy tăng sản lượng? IEA tỏ ra hoài nghi về điều này. Các ngân hàng sẽ trần trừ chưa muốn giải ngân cho các giếng dầu, nhân công cần nhiều thời gian hơn để ổn định và nhiều nhân tố khác sẽ khiến hoạt động khai thác dầu đá phiến gặp nhiều khó khăn hơn so với dự tính.
Những dự đoán trên sẽ khiến Saudi Arabia hài lòng. Tuy nhiên, các công ty Mỹ cũng là những kẻ có nhiều mưu mẹo và am hiểu thị trường không kém Saudi Arabia. Có vẻ như cuộc chiến trên thị trường dầu mỏ còn lâu mới kết thúc.