tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

OPEC đã giành lại thị phần dầu mỏ của Mỹ

  • Cập nhật : 24/10/2015

(Tin kinh te)

Sau một năm gánh chịu những hậu quả nặng nề từ việc giá dầu thô sụt giảm mạnh, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cuối cùng đã giành lại thị phần và kiềm chế tăng trưởng sản lượng dầu mỏ của Mỹ.

opec da gianh lai thi phan dau mo cua my

OPEC đã giành lại thị phần dầu mỏ của Mỹ


Sản lượng dầu mỏ của Mỹ hiện đã quay trở lại mức tương đương với tháng 11/2014, thời điểm OPEC bắt đầu theo đuổi chiến lược không giảm sản lượng, chấp nhận kéo giá dầu xuống thấp để cạnh tranh với các đối thủ và giành lại thị phần. Một khi Mỹ nản chí, nhu cầu đối với dầu mỏ của OPEC sẽ tăng, kết thúc hai năm lao vào cuộc chơi giá dầu, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Khi chấp nhận cuộc chơi về giá, các thành viên OPEC cũng phải trả cái giá rất đắt. Nguồn thu ngân sách từ dầu thô sụt giảm mạnh, thâm hụt ngân sách gia tăng và giá trị đồng nội tệ yếu đi đã khiến một vài thành viên OPEC đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.

Sự thật là giai đoạn bùng nổ dầu mỏ của Mỹ vẫn tiếp diễn khoảng 6 tháng sau quyết định hồi tháng 11 năm ngoái của OPEC. Điều này đồng nghĩa với việc, đến nay, OPEC chỉ thành công trên phương diện đưa thị trường dầu mỏ trở lại xuất phát điểm.

Người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu thị trường dầu mỏ Societe Generale SA (có trụ sở tại London, Anh), Mike Wittner nhận định: “Quá trình tái cân bằng thị trường đã bắt đầu, nó diễn ra trong một khoảng thời gian và tiếp tục kéo dài”.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn thấp hơn 34% so với thời điểm OPEC công bố chiến lược của mình vào ngày 27/11 năm ngoái và hiện được giao dịch quanh ngưỡng 45 USD/thùng. Theo số liệu của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA), sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã giảm khoảng 500.000 thùng xuống còn 9,1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 9/10.

EIA cho rằng, sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ còn giảm trong năm tới, với mức giảm xuống còn 8,86 triệu thùng/ngày. Nhờ đó, nguồn thu dầu mỏ của OPEC sẽ được cải thiện, với nhu cầu “vàng đen” từ OPEC tăng lên 31,1 triệu thùng/ngày so với mức tương ứng 29,3 triệu thùng/ngày năm 2014.

Miswin Mahesh, nhà phân tích tại Barclays Plc cho rằng, “chiến lược dầu mỏ của OPEC rõ ràng phát huy tác dụng nhất định. OPEC có thể chịu đau đớn, song trong giai đoạn trung và dài hạn, họ sẽ gặt hái được trái ngọt khi thị trường trở nên cân bằng hơn, nhu cầu dầu mỏ và giá dầu tăng cao hơn”.

Tuy nhiên, quan điểm khác lại lo ngại về những tác động đáng kể tới các thành viên OPEC hiện nay. Ước tính, các thành viên khối này đã thiệt hại tổng cộng 370 tỷ USD từ giá dầu thấp. Arập Xêút, “kiến trúc sư trưởng” của chiến lược dầu mỏ OPEC, sẽ phải chịu thâm hụt ngân sách 20% GDP trong năm nay.

Dù quốc gia Vùng Vịnh này có thể khai thác kho dự trữ ngoại hối và cắt giảm chi ngân sách để đối phó với tình trạng này, song tài sản quốc gia có thể hao hụt nghiêm trọng trong 5 năm tới, nếu chính phủ nước này duy trì chính sách giá dầu thấp trong thời gian dài.

Một số thành viên OPEC ít giàu có hơn thậm chí không có nhiều lựa chọn. Các bất ổn chính trị đang đe dọa tới Algeria, Irắc, Libya, Nigeria và Venezuela. Đối với trường hợp của Venezuela, giá trị đồng nội tệ nước này đã giảm 87% trên thị trường chợ đen trong năm qua. Bản thân Caracas đang hối thúc các thành viên OPEC thay đổi chiến lược và kiềm chế sản xuất để kích giá dầu lên khoảng 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, cuộc họp kỹ thuật của các nhà sản xuất dầu mỏ diễn ra tại Vienna (Áo) mới đây không đem lại kết quả đột phá, bởi theo một quan chức Nga, cuộc họp với sự tham gia của các nước trong và ngoài OPEC không thảo luận về mức trần sản lượng và mức giá hoạch định đối với mặt hàng chiến lược này.


Theo Việt Khoa
Đầu tư Chứng khoán

Trở về

Bài cùng chuyên mục